CHƯƠNG THỨ NHÌ NHỮNG ĐỨC TÁNH PHẢI TẬP
ĐỨC TÁNH THỨ TÁM: THANH KHIẾT
THANH KHIẾT
Muốn được hoàn toàn Thanh Khiết thì:
Thân phải Tinh Khiết,
Vía tức là Ý phải Tinh Khiết, Trí phải Tinh Khiết.
Hạng Xuất gia phải Trường Trai, Tuyệt Dục. Hạng Cư sĩ phải Trường Trai và có điều độ. V.- Tại sao phải Trường Trai?
Đ.- Đồ ăn làm ra máu huyết, xương thịt. Con thú nào cũng có từ điển và tánh tình riêng của nó. Thịt của nó vô mình ta biến thành máu huyết và xương thịt ta. Từ điển của nó và tánh tình của nó pha lẫn với từ điển và tánh tình của ta.
Thịt sanh ra Dục Tình, nó còn chứa nhiều Chất Độc gây ra nhiều chứng bịnh hiểm nghèo nữa.
Ăn thịt nhiều quá, thân mình của ta hóa ra trọng trược, nặng nề; những làn sóng rung động ở mấy cõi cao và những tư tưởng tốt đẹp không vô mình ta được, vì hai thứ không hạp với nhau, không hòa với nhau.
V.- Ăn ngọ tốt không?
Đ.- Ăn ngọ rất tốt đối với những người Tu trì sống một đời sống Tinh Thần, ngày đêm lo Tham Thiền Nhập Định đặng tìm những phương pháp giúp đời.
Thần Lực đều gom lên trí óc rất nhiều, phần dưới còn rất ít, nó không còn đủ sức tiêu hóa đồ ăn, nếu đồ ăn nhiều quá.
Còn ở ngoài đời, ăn ngọ chỉ hạp với những người lớn tuổi làm việc Tinh Thần; còn trẻ thì ăn mỗi ngày ba bữa là vừa, giữ đúng phép vệ sinh, đói mới ăn, khát mới uống; ngoài ba bữa chánh, không ăn chi cả và phải ăn gạo lứt, muối đen, đường mỡ gà (bỏ đường trắng), mậtong (nếu trong mình không có phong).
V.- Đương ăn mặn rồi bỏ ăn chay liền được không?
Đ.- Trừ ra trường hợp của những người có căn lành kiếp trước và kiếp nầy phát tâm tu hành và cương quyết, đương ăn mặn bỏ qua ăn chay liền được.
Còn những người khác, đương ăn mặn mà bắt qua ăn chay liền thì cơ thể không quen, phát đau rồi phải bỏ ăn chay, ăn mặn lại như cũ.
Phải tập ăn như cách tôi chỉ trong quyển “Tại Sao Ta Phải Tu” hoặc theo cách sau nầy cũng được.
5 tháng đầu: Sớm mai mặn, chiều chay. 7 tháng sau: 10 ngày chay, nửa ngày mặn. Năm thứ nhì:
5 tháng đầu: 25 ngày chay, nửa ngày mặn.
7 tháng sau: 30 ngày sáng ăn chay, nửa ngày mặn. Tới năm thứ ba trường chay được.
V.- Gạo lứt rất cứng, làm sao nấu cho mềm?
Đ.- Nếu giã được vài chục chày, gạo nấu rất ngon. Còn gạo lứt xầy, thì nên nấu cách nầy. Lường gạo đủ ăn một ngày, đổ vô một cái tiềm lớn. Đổ nước vô bằng 4 lần gạo, đậy nắp tiềm, đem chưng cách thủy. Trong 2 giờ gạo chín mềm, dễ ăn hơn nấu thường. Nếu không tiện thì hãy ngâm gạo một đêm, sáng đem nấu như thường, cơm cũng mềm vậy, nhưng khi cơm sôi phải lấy đũa bếp quậy cho thường nhiều lần.
V.- Ăn trứng, bơ, phó mát được không?
Đ.- Ăn được, vô hại, song ăn trứng nhiều coi chừng đau gan.
Nếu giữ đúng phép thì bỏ cả trứng, sữa, bơ, phó mát. Nhưng tùy theo cơ thể, mỗi người mỗi khác; ăn mấy món đó được, cứ ăn. Đừng quá chấp nê.
V.- Còn ăn gạo lứt muối mè?
Đ.- Rất tốt, song đừng quên rằng: Cũng có người hạp mà cũng có người không hạp, vì các cơ thể không giống nhau. Có người đau bao tử, ăn gạo lứt muối mè, thì bớt đau lần lần. Khi mạnh rồi, tôi tưởng cũng phải thêm những món khác hạp với xác thân. Còn trường hợp ăn hoàn toàn gạo lứt muối mè mãi mãi vẫn hiếm có, việc đó cũng tùy người.
Dầu sao tôi vẫn thấy rằng: mặc dù dưỡng xác thân đặng khoẻ mạnh là điều rất tốt, nhưng đừng quên rằng chúng ta cũng cần phải tinh luyện Tánh Tình và Tư Tưởng nữa. Ba việc phải đi chung với nhau và phải thật hành một lượt.
Ăn gạo lứt, muối mè mà không Tiết Dục thì e phải bỏ mạng sớm vậy, không thì cũng bạc nhược.
Dầu uống Tiên Đơn đi nữa mà giao hiệp vô độ thì cũng không trường thọ đâu, nói chi là thực phẩm thường ngày.