CHƯƠNG THỨ NHÌ NHỮNG ĐỨC TÁNH PHẢI TẬP
ĐỨC TÁNH THỨ NHÌ: BỐ THÍ
BỐ THÍ
V.- Còn Bố Thí, phải thế nào?
Đ.- Bố Thí là tỏ lòng nhơn. Lòng nhơn và Bố Thí đi đôi với nhau. Có Bố Thí mới trừ được lòng tham.
Có hai cách Bố Thí:
1.- Bố Thí vì lòng thương người mà không mong hưởng Quả lành và cũng không cho ai biết.
2.- Bố Thí vì muốn kiếp sau được nhiều hạnh phúc, sang giàu, vinh hiển và muốn cho thiên hạ biết mình là nhà từ thiện.
Quả tốt của hai cách Bố Thí nầy đều khác nhau.
Trọn ngày, chúng ta đều có dịp Bố Thí: Bố Thí bằng Tư Tưởng và Đạo Pháp trước nhứt, kế đó là Bố Thí bằng tiền bạc, thuốc men, lời lành, việc phải, v.v… tùy theo phương tiện. Chớ nên câu nệ về hình thức, và có một điều nên nhớ rằng muốn bước mau vào Cửa Đạo thìchớ nên vì Hư Danh mà Bố Thí.
V.- Có người nói: Phật dạy: Muốn tu phải Bố Thí hết tài sản. Huynh nghĩ thế nào về điều nầy?
Đ.- Kinh sách Phật nói đúng với lý tưởng, bởi vì một khi xuất gia rồi thì không nên còn tham luyến Hồng Trần nữa. Tuy nhiên không thể áp dụng cho mọi người được, phải tùy trường hợp và thời đại.
Thuở xưa bên Ấn Độ, có phong tục kính trọng các vị Tu Sĩ; Dô Ghi (Yogui), tăng lữ. Tới đâu cũng được người ta cúng dường.
Nói về một người độc thân, xả thân cầu Đạo, thì việc Bố Thí rất dễ dàng.
Còn như làm chủ một gia đình mà đem hết của cải phân phát cho người ta, thì có hai điều bất lợi:
Một là: Tiền của đó bất quá giúp cho mỗi người đủ hai bữa ăn, qua ngày thứ ba họ cũng đói như trước vậy.
Hai là: Trong nhà không tiền, vợ con sẽ đói rách, phải ra thân làm việc vất vả, chưa biết có đủ tiền xây dùng không nữa?
Thế thì ông đó làm tội cho gia đình vì tánh ích kỷ, muốn cho một mình mình được thành Chánh Quả mà thôi.
Rồi e khi thiếu hụt, muốn mua một món đồ, phải ngửa tay xin người ta Bố Thí chăng? Mới đây mình đã Bố Thí cho người, bây giờ mình xin người Bố Thí lại. Oái oăm thay!
Tôi e cho một thời gian sau, y không thấy hiệu quả gì hết tức là không thành Phật mà cũng không thành Tiên, y sẽ ngã lòng và hối tiếc những việc đã làm. Song đã muộn rồi, không còn đủ thời giờ để cứu vãn tình thế. Sự nghiệp không phải dựng lên một ngày, một bữa mà xong, cũng không phải tu một vài năm mà Đắc Đạo thành Chánh Quả.
Đó là ảo mộng. Chúng ta phải nhìn vào thực tế và suy nghĩ cho kỹ lưỡng mới khỏi mắc các họa mê tín và tin dị đoan.