Hoạt động bảo lãnh là một trong số các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì thế hoạt động này phải chịu tác động trực tiếp của các nhân tố chủ quan trong nội bộ ngân hàng. Cụ thể là:
- Chiến lược kinh doanh của ngân hàng: Chiến lược kinh doanh của ngân hàng là nhân tố ảnh hưởng đầu tiên tới sự phát triển của hoạt động bảo lãnh. Nếu không có chiến lược kinh doanh các ngân hàng sẽ luôn bị động. Một chiến lược kinh doanh hiệu quả sẽ giúp ngân hàng có một phương hướng phát triển nhất quán, giúp cho ngân hàng khai thác tốt nhất năng lực hiện có của ngân hàng, đồng thời nó cũng giúp cho ngân hàng có thể thích ứng một cách nhanh chóng với những biến đổi của môi trường kinh doanh. Trên cơ sở có chiến lược kinh doanh đúng đắn, ngân hàng mới có thể có những kế hoạch bộ phận đúng đắn cho từng thời kì để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra. Các kế hoạch bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hoạt động bảo lãnh như: kế hoạch Marketing, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực…
- Chính sách tín dụng: Đây là một yếu tố quan trọng nó quyết định một phần rất lớn tới hoạt động ngân hàng. Chính sách tín dụng của ngân hàng thể hiện qua như hạn mức bảo lãnh, mức phí bảo lãnh, đối tượng khách hàng,
phạm vi bảo lãnh … Ngân hàng có thể thực hiện chính sách tín dụng thắt chặt hay mở rộng .
- Chất lượng công tác thẩm định: Do chứa đựng nhiều rủi ro nên hoạt động bảo lãnh không thể thiếu công tác thẩm định khách hàng. Trong khâu này ngân hàng sẽ xem xét khả năng tài chính của khách hàng, khả năng tự tài trợ và khả năng thực hiện giao dịch liên quan đến bảo lãnh của khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng cũng xem xét mức độ tín nhiệm của khách hàng trước khi ra quyết định bảo lãnh.
Thẩm định khách hàng tốt sẽ giúp ngân hàng hạn chế được những rủi ro không đáng có do khách hàng (bên được bảo lãnh) gây ra. Từ đó đảm bảo sự an toàn cho nghiệp vụ bảo lãnh nói riêng và ngân hàng nói chung, góp phần phát triển hoạt động bảo lãnh. Bên cạnh đó, thẩm định khách hàng tốt sẽ giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và không bị bỏ qua những khách hàng có đủ điều kiện để được bảo lãnh.
Trong nhiều trường hợp, do muốn tránh rủi ro, ngân hàng quá khắt khe khi thẩm định khách hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân khó khăn khi yêu cầu ngân hàng bảo lãnh. Kết quả là ngân hàng thường tập trung bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước, ít tập trung đến các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, hạn chế khả năng mở rộng khách hàng cũng như số lượng hợp đồng bảo lãnh và doanh số bảo lãnh của ngân hàng. Có thể khẳng định chất lượng thẩm định khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng về cả số lượng và chất lượng.
- Công tác tổ chức ngân hàng: Tổ chức ngân hàng được sắp xếp một cách khoa học , đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các phòng ban chức năng sẽ tạo điều kiện đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, giúp ngân hàng theo dõi, quản lý sát sao các khoản bảo lãnh, các khoản cho vay, huy động vốn. Đây là cơ sở để tiến hành các hoạt động bảo lãnh an toàn và
quản lý hiệu quả các khoản bảo lãnh.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ: Con người là nhân tố quyết định đến sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như việc đảm bảo phát triển của hoạt động bảo lãnh. Chất lượng nhân sự ngày càng được đòi hởi cao để có thể đáp ứng kịp thời có hiệu quả, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, từ đó tác động đến sự thay đổi của hoạt động bảo lãnh. Việc tuyển chọn nhân sự có đạo đức nghề nghiệp tốt và giỏi chuyên môn (có khả năng phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án xin bảo lãnh, đánh giá tài sản đảm bảo, giám sát quản lý hoạt động bảo lãnh,…) sẽ giúp cho ngân hàng có thể ngăn ngừa được những sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động bảo lãnh.
- Ngoài ra còn một vài nhân tố khác như
+ Quy mô vốn, tình hình tài chính của ngân hàng ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu bảo lãnh của ngân hàng
+ Công nghệ ngân hàng ảnh hưởng đến thời gian đáp ứng dịch vụ bảo lãnh cho khách hàng và khả năng hạn chế rủi ro trong hoạt động bảo lãnh
+ Sự phát triển của các nghiệp vụ của ngân hàng nói chung, đặc biệt là các nghiệp vụ liên quan như: tín dụng, thanh toán…Các nghiệp vụ này nếu phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng cơ sở cho hoạt động bảo lãnh phát triển và ngược lại.
1.4. Những rủi ro phát sinh trong hoạt động bảo lãnh
1.4.1. Rủi ro đối với Ngân hàng
Hoạt động bảo lãnh là mảng kinh doanh tương đối an toàn của ngân hàng tuy nhiên vẫn có những rủi ro không mong muốn xảy ra với ngân hàng. Cụ thể là:
- Sau khi ngân hàng hoàn thành nghĩa vụ trả thay của mình cho người thụ hưởng, nếu đúng theo hợp đồng thì ngân hàng sẽ có quyền đòi bồi hoàn từ
người được bảo lãnh, nhưng trong nhiều tình huống người được bảo lãnh vì lí do nào đó lại không thanh toán cho ngân hàng, gây thiệt hại cho ngân hàng.
- Ngân hàng không phát hiện ra hợp đồng giả mà người được bảo lãnh mang đến yêu cầu ngân hàng thực hiện bảo lãnh.
- Người được bảo lãnh và người thụ hưởng bắt tay nhau lừa ngân hàng. Trong trường hợp này nếu ngân hàng không xem xét tìm hiểu kĩ hợp đồng bảo lãnh thì rủi ro thuộc về ngân hàng.
- Trường hợp ngân hàng phát hành bảo lãnh không phải là ngân hàng được đánh giá cao trong quan hệ đối ngoại. Bảo lãnh mà ngân hàng phát hành ra bị ngân hàng nước ngoài từ chối thông báo. Lúc này để được ngân hàng của người thụ hưởng chấp nhận thông báo bảo lãnh, ngân hàng phát hành buộc phải kí quĩ một khoản tiền với thời gian tương đương với khoản tiền và thời gian bảo lãnh tại ngân hàng thông báo.
1.4.2. Rủi ro đối với người được bảo lãnh
- Đối với bảo lãnh theo yêu cầu, người thụ hưởng chỉ cần xuất trình yêu cầu thanh toán, những chứng từ này là do đơn phương người thụ hưởng lập, không có sự xác nhận của bên được bảo lãnh hay bên thứ ba độc lập. Nếu ng- ười thụ hưởng cố tình lừa đảo thì ngân hàng cũng khó ngăn chặn được. Khoản tiền mà ngân hàng đã thanh toán cho người thụ hưởng sẽ trở thành khoản nợ của người được bảo lãnh mặc dù trên thực tế người được bảo lãnh không vi phạm hợp đồng.
- Trong một số trường hợp người được bảo lãnh gặp khó khăn nào đó mà phải chấp nhận mọi điều kiện của bên thụ hưởng bảo lãnh để có thể dành được hợp đồng. Dẫn đến việc vi phạm là không tránh khỏi nếu như trên thực tế bên được bảo lãnh không đáp ứng được yêu cầu đó.
- Do hạn chế về vốn, kĩ thuật hay nguồn lực khác, các khách hàng có thể cùng hợp tác, liên doanh để thực hiện một hợp đồng kinh tế. Tức là tất cả
những người tham gia hợp đồng đó đều là người được bảo lãnh. Khi có vi phạm xảy ra ở một đơn vị thì tiền bồi hoàn vẫn phải chia cho các bên tham gia theo tỷ lệ đã góp. Như vậy, có một số đơn vị không vi phạm nhưng vẫn phải trả tiền bồi hoàn.
- Ngoài ra có thể do nguyên nhân khách quan: do thiên tai, đình công hay chiến tranh…làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của người được bảo lãnh và họ không thể hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn.
1.4.3. Rủi ro đối với người thụhưởng bảo lãnh
- Khi người được bảo lãnh vi phạm hợp đồng, ngân hàng có nghĩa vụ trả thay. Nhưng do một số lí do nào đó kể cả chủ quan lẫn khách quan mà ngân hàng phát hành bảo lãnh bị phá sản hay mất khả năng thanh toán thì người thụ hưởng sẽ không nhận được khoản tiền bồi thường.
- Người được bảo lãnh phá vỡ hợp đồng nhưng người thụ hưởng chỉ nhận được một phần bồi thường của ngân hàng, không đủ bù đắp thiệt hại do việc vi phạm gây ra. Đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng : khi công trình đ- ược phê duyệt kết quả trúng thầu cho nhà thầu đạt điểm kĩ thuật cao nhất với giá bỏ thầu thấp nhất thì ngân hàng sẽ phát hành thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng gửi chủ đầu tư, để làm thủ tục kí hợp đồng thi công. Số tiền bảo lãnh thường là 5% giá trị trúng thầu. Mục đích bảo lãnh là ngân hàng cam kết nếu nhà thầu vi phạm ngân hàng sẽ trả cho chủ đầu tư tối đa là số tiền bảo lãnh để đền bù thiệt hại cho chủ đầu tư. Mặt khác, theo qui chế đấu thầu, khi hợp đồng thi công được kí kết, chủ đầu tư sẽ ứng trước cho nhà thầu một số tiền thường là 20% giá trị trúng thầu. Như vậy, xét về mặt tài chính, nhà thầu chỉ cần ngân hàng bảo lãnh 5% nhưng được ứng trước 20% giá trị trúng thầu, nếu nhà thầu không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại 15% . Nếu giải quyết được số tiền này thì cũng mất nhiều thời gian, có khi bị thiệt hại mà công trình phải dừng lại chờ xử lý.
- Thời gian bảo lãnh chưa tương xứng với thời gian có thể xảy ra thiệt hại. Như trong bảo lãnh chất lượng công trình: khi công trình thi công hoàn thành phải trải qua giai đoạn bảo hành, nghĩa là trong thời gian nhất định nếu công trình xảy ra sự cố ,hư hỏng ,xuống cấp thì nhà thầu phải bỏ tiền ra sửa chữa. Thời gian bảo hành tùy theo qui mô công trình nhưng thường là một năm. Ngân hàng sẽ bảo lãnh khoảng 5-10% giá trị công trình, trong thời gian bảo hành nếu chất lượng công trình không đảm bảo, nhà thầu không sửa chữa thì chủ đầu tư sẽ dùng số tiền đó để bù đắp chi phí sửa chữa. Tuy nhiên thời gian bảo lãnh một năm là chưa phù hợp vì tuổi thọ một số công trình rất lớn nên trong vòng một năm chưa thể phát hiện, đánh giá được chất lượng công trình . Ngoài ra mức bảo lãnh là 5-10% giá trị công trình chỉ đủ sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Nếu hư hỏng lớn, chi phí vượt quá tỷ lệ trên, chủ đầu tư cũng rất khó buộc nhà thầu bỏ thêm chi phí sửa chữa như đã cam kết.
- Trong bảo lãnh bảo hành, mặc dù trong quá trình thi công có người giám sát nhưng nếu nhà thầu không tự giác, không vì uy tín cá nhân mà chạy theo lợi nhuận, sẽ không tránh khỏi ăn bớt vật tư, làm không đúng qui trình kết cấu, sử dụng vật tư không đồng bộ dẫn đến chất lượng công trình giảm, dễ bị hư hỏng.
- Trong bảo lãnh kèm chứng từ, khi kiểm tra các chứng từ yêu cầu thanh toán xem có phù hợp không, ngân hàng phát hành bảo lãnh có thể kéo dài thời gian thanh toán, gây khó khăn cho người thụ hưởng bảo lãnh.
- Khi có tranh chấp xảy ra do thư bảo lãnh của ngân hàng phát hành không thống nhất với hợp đồng kinh tế, có thể dẫn đến kiện tụng mất thời gian,chi phí và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của người thụ hưởng.
Các hoạt động kinh doanh ngân hàng đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, ngoài việc nhìn nhận đánh giá để phòng ngừa và hạn chế các rủi ro đó thì
việc học hỏi và tìm hiểu kinh nghiệm các nước trên thế giới là việc làm rất cần thiết.
1.5. Kinh nghiệm về bảo lãnh Ngân hàng của các nước trên thế giới
1.5.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Ngân hàng nhân dân Trung Hoa ban hành qui chế bảo lãnh với những qui định sau:
Thứ nhất, người bảo lãnh trước khi nhận bảo lãnh phải nghiên cứu tính khả thi của dự án ,điều tra tình hình công nợ hiện tại của người xin bảo lãnh, chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết .
Thứ hai, người cho vay có quyền yêu cầu người bảo lãnh báo cáo thu nhập và chi tiêu ngoại hối của mình. Người bảo lãnh phải kí hợp đồng riêng với cả người vay và người cho vay trước khi bảo lãnh.Trong hợp đồng phải ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia.
Thứ ba, nếu người vay và người cho vay muốn sửa đổi một số điều trong hợp đồng bảo lãnh phải được sự đồng ý của người bảo lãnh, nếu không bảo lãnh sẽ không còn giá trị , người bảo lãnh sẽ được giải toả khỏi trách nhiệm của mình ngay lập tức. Người bảo lãnh có quyền kiện người vay trong trường hợp không trả được nợ và người bảo lãnh bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người cho vay.
Thứ tư, cơ quan quản lí ngoại hối yêu cầu người bảo lãnh phải nộp các giấy tờ bảo lãnh có liên quan trong vụ việc trong vòng 10 ngày sau khi nhận bảo lãnh. Chỉ cho phép một số ngân hàng được quyền bảo lãnh nước ngoài và danh sách bảo lãnh thay đổi thường kì.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc rất hạn chế đối với bảo lãnh vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp và phía nước ngoài trong liên doanh. Với các đối tượng này họ yêu cầu thế chấp 100% tổng số vốn bảo lãnh.
Nhìn chung, các qui định về bảo lãnh của Trung Quôc khá chặt chẽ ,thận trọng nhưng hiệu quả của các qui định này là không thể phủ nhận. Nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua phát triển không ngừng, ghi nhận những đóng góp của hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng.
1.5.2. Kinh nghiệm của Đức
Luật bảo lãnh của Đức qui định:
Ngân hàng có quyền ghi nợ khoản tiền bảo lãnh vào tài khoản của ng- ười yêu cầu bảo lãnh và tính phí xử lí ngoài các chi phí khác cũng như theo chu kì tính lệ phí bảo lãnh.
Ngân hàng sẽ hạch toán các khoản bảo lãnh trực tiếp nếu chúng không thuộc sự điều tiết của luật nước ngoài khi bảo lãnh hết hạn và tính phí bảo lãnh một khi các bảo lãnh này hết hạn tại một thời điểm đã được ghi cụ thể trong hợp đồng bảo lãnh hay qua việc nộp các văn bản cần thiết có xác định việc chấm dứt bảo lãnh và đến thời điểm đó việc bảo lãnh không được sử dụng.
1.5.3. Kinh nghiệm của Thái Lan
Các ngân hàng Thái Lan chỉ thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống của mình. Với qui định này, các ngân hàng sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc tìm hiểu khách hàng vì họ đã rất am hiểu doanh nghiệp mà họ đứng ra bảo lãnh, giảm thiểu tối đa rủi ro cho ngân hàng .Tuy nhiên, như thế các khách hàng mới có nhu cầu bảo lãnh lại không được đáp ứng và việc mở rộng khách hàng trong nghiệp vụ bảo lãnh là rất khó khăn.
Thêm vào đó, các ngân hàng muốn tham gia bảo lãnh phải là những ngân hàng có uy tín trên thị trường tài chính tiền tệ trong nước cũng như quốc tế. Qui định này nhằm tránh tình trạng ngân hàng thực hiện bảo lãnh tràn lan,
hạn chế tối đa trường hợp ngân hàng phải thực hịên nghĩa vụ trả thay mà ngân hàng lại không đủ khả năng thanh toán cho bên thụ hưởng , gây ra tổn hại đến uy tín của ngân hàng và toàn hệ thống.
1.5.4. Kinh nghiệm của Singapore
Các ngân hàng Singapore chỉ chấp nhận bảo lãnh các khoản bảo lãnh có giá trị lớn khi có sự đồng ý đứng ra của Chính phủ.
Việc thực hiện qui định này đã đảm bảo an toàn ở mức cao nhất đối với