Đặc điểm thị trường M&A Việt Nam

Một phần của tài liệu MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CÔNG TY TRONG SÁP NHẬP, MUA BÁN DOANH NGHIỆP (Trang 31 - 36)

6. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG SÁP NHẬP, MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

6.1.1.Đặc điểm thị trường M&A Việt Nam

Tiềm năng thực hiện M&A chủ yếu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 8/2007, trên cả nước hiện có khoảng 250.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp cả nước đều có quy mô vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, số liệu điều tra của Công ty First Asia Limited cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng sau sáu năm hoạt động. Nguyên nhân là do kinh doanh thua lỗ, hoặc không còn lợi thế kinh doanh sau một số năm hoạt động, không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, hoặc do cơ hội kinh doanh mới xuất hiện nên doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển hướng đầu tư. Một

được những lời đề nghị mua hấp dẫn. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay sẽ không còn bị dồn vào “chân tường” hay phá sản, giải thể nữa mà hoàn toàn có thể trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư khác mua lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điểm yếu là vốn nhỏ, chưa có tiếng tăm, không nắm được nhiều về các vấn đề pháp lý nhưng nhu cầu chuyển nhượng, mua bán doanh nghiệp hoặc tìm vốn đầu tư lại rất lớn. Không riêng gì các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều nhận định rằng khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng phá sản, giải thể sẽ ngày càng tăng nếu các doanh nghiệp không nâng cao năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, tình hình này có thể được giải quyết bằng việc thực hiện các hoạt động sáp nhập, mua bán doanh nghiệp.

Một thực trạng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trước tới nay không có nhiều điều kiện và cơ hội để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để khắc phục hạn chế này, khi mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đủ sức tự giúp mình thì giải pháp tiếp thị thông qua các công ty chuyên nghiệp, các công ty tư vấn trong lĩnh vực M&A có lẽ là hiệu quả hơn cả.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để hoạt động M&A ở Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai không xa. Có lẽ vì thế mà để đi trước đón đầu sự phát triển của hoạt động M&A, ngày càng nhiều công ty tư vấn trong lĩnh vực M&A và nhượng quyền thương hiệu ra đời, phần nào cho thấy sức “nóng” của xu hướng này đã bắt đầu lan toả. Tại Việt Nam, một số công ty đã được coi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực M&A như IDJ, Tiger Invest, First Asia Limited, ICE... Ngoài những công ty chuyên nghiệp, ngay bản

thân nhiều doanh nghiệp cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách về M&A như công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVS), công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCBS),...

M&A diễn ra mang tính chất thân thiện, êm ả và đa số các vụ đều có yếu tố nước ngoài

Nhìn chung, hình thức M&A ở nước ta mang tính thân thiện và êm ả hơn, khác hẳn với nước ngoài. Việc mua bán của họ thường mang tính thôn tính đối thủ hoặc mở rộng cạnh tranh. Đặc thù thị trường sáp nhập nước ta mang đậm tính mua lại. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về các điều kiện, thủ tục sáp nhập, mua lại doanh nghiệp. Kết quả là các thương vụ M&A thời gian qua chủ yếu là do sự tìm hiểu, đàm phán của các đối tác riêng rẽ với nhau, còn các nhà đầu tư bên ngoài vẫn đứng ngoài cuộc chơi, chưa tìm được kênh đổ vốn vào hình thức kinh doanh mới này.

Đa số các vụ M&A đáng kể đều có yếu tố nước ngoài. Sự hiện diện của yếu tố nước ngoài trong M&A Việt Nam có thể được giải thích qua các lý do sau :

Thứ nhất, doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về kinh nghiệm và trình độ quản lý trong việc tiến hành thuần thục các hoạt động M&A. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn bỡ ngỡ nên không thể nắm thế chủ động trong hoạt động này.

Thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài mới tạo ra nguồn “hàng hóa” tốt cho cả cung và cầu trong M&A. Với tiềm lực tài chính của mình, họ mới là khách hàng của những thương vụ hàng chục triệu USD mà các doanh nghiệp

nhà nước không thể với tới. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ muốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhằm khai thác những thương hiệu tên tuổi và bề dày kinh nghiệm quản lý của họ.

Thứ ba, M&A là một hình thức đầu tư nước ngoài hiệu quả và phổ biến giúp các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa mà không phải chịu phí tổn thành lập, xây dựng thương hiệu và thị phần ban đầu. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường dịch vụ được bảo hộ theo lộ trình cam kết WTO thì M&A là một trong những con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận mạng lưới bán lẻ của Việt Nam.

Cách thức tác nghiệp M&A còn sơ khai :

Các vụ M&A chủ yếu là là mua bán doanh nghiệp toàn bộ hoặc một phần. Hầu như chưa có trường hợp hợp nhất. Hơn nữa, trình độ quản lý của Việt Nam chưa thể đáp ứng được mức độ hợp tác cao mà các vụ hợp nhất đòi hỏi. Ngoài ra, rất nhiều vụ được xếp vào M&A nhưng thực chất thiên về đầu tư tài chính. Đó chỉ là những trường hợp nắm vốn của nhau, mua lại cổ phần lớn để trở thành đối tác chiến lược như : VinaCapital đầu tư vào Phở 24, Indochina Capital – Mai Linh, Jaccar Fund – Hoàng Anh Gia Lai, mà không nhắm đến khống chế sở hữu và điều hành công ty. Mặc dù vậy, trong một số lĩnh vực tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nước ngoài cũng không có cách lựa chọn nào khác do những hạn chế mua cổ phần không quá 30% đối với ngân hàng và 49% đối với doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu một nơi gặp gỡ để cho các doanh nghiệp trao đổi và thực hiện M&A. Một số trang web như : muabancongty.com của công ty TigerInvest, và muabandoanhnghiep.com của IDJ đã được lập và được coi là “sàn giao dịch” của thị trường M&A. Tuy nhiên, trên thực tế

hoạt động M&A trên thế giới không diễn ra trên những trang web mang tính chất rao vặt như vậy. Ngược lại, chúng được thực hiện qua những tác nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao, trong những phòng họp kín. Nội dung thương thảo M&A bao giờ cũng cần được giữ tuyệt mật cho đến phút chót bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và giá trị cổ phiếu của các công ty, thậm chí hủy hoại ngay cả dự định sáp nhập đang được tiến hành. Do đó, những trao đổi thể hiện trên các trang web như cách một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm chỉ phù hợp để tìm kiếm cơ hội mua bán các cơ sở sản xuất, cửa hàng, thương hiệu rất khiêm tốn.

M&A có xu hướng diễn ra trong nội bộ ngành tài chính, chứng khoán

Mảng M&A cũng là một trong những mục tiêu đang hướng đến của các công ty chứng khoán và sẽ là mục tiêu quan trọng nhất của các công ty chứng khoán trong năm 2008 khi thị trường niêm yết hiện đang trong thời kỳ điều chỉnh và các công ty chứng khoán không thu được mức lợi nhuận lớn như những năm trước. Đi đầu trong các công ty về mua bán sáp nhập là SSI, BVS, VCBS... những đại gia và những tên tuổi lâu đời trong làng chứng khoán. Ngoài ra, các công ty chứng khoán mới mở cũng đang cố gắng tập trung tài chính và nguồn nhân lực để thực hiện và đẩy mạnh hoạt động này.

Một đặc điểm đáng chú ý của thị trường M&A của Việt Nam đó là hoạt động M&A có xu hướng diễn ra ngay trong nội bộ ngành tài chính chứng khoán khi hàng loạt các ngân hàng và các công ty chứng khoán mở ra và nhiều công ty hoạt động với lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí. Cùng với lộ trình hội nhập và theo những cam kết về mở cửa thị trường tài chính ngân

hàng Việt Nam khi gia nhập WTO, những hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính là một điều tất yếu.

Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động M&A đã, đang và sẽ là một hoạt động cực kỳ tiềm năng trong những năm tới về cả mặt số lượng, hình thức và lĩnh vực. Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), theo đó, hoạt động mua bán doanh nghiệp (M&A) thậm chí sẽ tăng trưởng với tốc độ 30 – 40%/năm.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CÔNG TY TRONG SÁP NHẬP, MUA BÁN DOANH NGHIỆP (Trang 31 - 36)