Trong soạn lập và phân bổ ngân sách

Một phần của tài liệu phương hướng quản lý chi tiêu công theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn tại huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh (Trang 56 - 58)

3. Đánh giá quản lý chi tiêu công tại Huyện Yên Hưng 1 Những kết quả.

3.2.1Trong soạn lập và phân bổ ngân sách

Trong quá trình soạn lập ngân sách của huyện cũng có những hạn chế chung của tất cả các địa phương khác:

- Phương pháp lập ngân sách được thực hiện theo phương phát truyền thống, ngân sách chi thường xuyên và ngân sách đầu tư được xây dựng riêng rẽ. Ngân sách chi thường xuyên được xây dựng hàng năm trên cơ sở điều chỉnh các chính sách, các định mức và khả năng tăng nguồn thu ngân sách còn ngân sách đầu tư đã được xây dựng trên cơ sở một chương trình dự án đầu tư công trung hạn 5 năm. Phương pháp lập ngân sách theo dòng mục ngân sách truyền thống lập năm một và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để điều chỉnh các loại hình kinh tế. Quy trình xây dựng dự toán dường như chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, năm một chưa có tầm nhìn chung hạn. Theo truyền thống ngân sách chỉ được xây dựng trong khoảng thời gian

một năm. Hết năm ngân sách thì kinh phí được cấp nhưng chưa sử dụng hết(cho dù vẫn có nhu cầu chi) cũng phải hủy bỏ, hạn mức kinh phí cũng hết hiệu lực, một kế hoạch ngân sách mới lại được lập ra cho năm tiếp theo. Các chi phí tăng thêm liên quan tới việc triển khai chính sách nhưng lại không tuân theo các thủ tục ngân sách. Chưa đánh giá hết các tiềm lực và sự thay đổi trong tình hình kinh tế xã hội của địa phương.

- Lập ngân sách không gắn liền với các kết quả đầu ra cũng như với một bối cảnh kinh tế vĩ mô cụ thể nên thường xảy ra tình trạng chi ngân sách thực tế vượt quá dự toán và xuất hiện cơ chế “xin cho”. Quá trình lập ngân sách hiện nay của phòng tài chính chủ yếu là tổng hợp những số liệu do các cơ quan ngân sách của cấp xã và đơn vị trên địa bàn. Nó dựa quá nhiều vào những con số báo cáo của cấp cơ sở. Mà khả năng làm việc của những đơn vị này còn rất yếu kém do thiếu những kiến thức chuyên môn và thực hiện không gắn với điều kiện thực tế cũng như tính hiệu quả trong công tác. Những con số trong báo cáo hàng năm cũng chưa được xác định tính chích xác một cách cần thiết.

- Như trong phần những kết quả cũng đã đề cập, vấn đề dự toán ngân sách của huyện thường chỉ đảm bảo theo các hạn mức ngân sách đã được tỉnh quy định. Mặt yếu nhất trong quá trình lập dự toán là chi đầu tư. Các dự án chi đầu tư chưa thực sự phản ánh đúng mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xã hội, thường xuyên có sự thay đổi cắt giảm. Trong những năm vừa qua đã thực hiện cắt giảm một số công trình lớn trên địa bàn như nhà máy phân bón DAP công suất 30 vạn tấn/năm ở Điền Công, khu công nghiệp Biểu Nghi…làm thay đổi hẳn khả năng phát triển thực hiện phương án phát triển công nghiệp và dịch vụ của huyện. Tuy mục tiêu chuyển dịch cơ cấu là rất quan trọng những với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp không thể trong một thời gian ngắn có thể làm được. Trước mắt huyện cũng cần tập trung ưu tiên thực hiện những công tác chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng, đẩy mạnh công tác khuyến nông nhằm tạo một hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Đó là những việc làm không đòi hỏi nhiều vốn nhưng lại đem lại một hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

- Hệ thống phân bổ ngân sách của huyện chưa cho phép xác định chính xác được mức chi tiêu, nhất là đối với các địa phương, dự toán ngân sách luôn nhỏ hơn quyết toán. Ngân sách thường xuyên được soạn lập theo cơ sở tăng lên hoặc cộng thêm vào các mức phân bổ năm trước hoặc dựa vào các định mức ngân sách theo đầu vào thường được xem là phản ánh số lượng và chi phí của dịch vụ công. Tuy được xác định trên cơ sở thương lượng nhưng cũng dễ dẫn tới độc đoán và chủ quan trong xác định mức phân bổ ngân sách. Quá trình này không tạo ra một cơ chế hoàn chỉnh nhằm bù đắp những chênh lệch giữa nguồn thu và chi phí.

- Chính quyền địa phương có rất ít quyền hạn trong việc huy động các nguồn thu riêng, do đó không thể tự mình thay đổi mức phân bổ ngân sách. Việc kém linh hoạt trong việc phân bổ cho các ngành ở địa phương cũng là một yếu tố cản trở khác. Chính quyền địa phương nhận được số ngân sách phân bổ với các ưu tiên chi đã được xác định từ trước cho các lĩnh vực. Đặc điểm giao từ trên xuống của hệ thống ngân sách không tính đến các ưu tiên của chính quyền cấp thấp hơn làm họ không thể thay đổi hệ thống cung cấp các dịch vụ công theo các yêu cầu cụ thể của từng địa phương.

- Ngay cả đối với những phân bổ ngân sách đã được phê duyệt cũng chưa được phân bổ kịp thời cho những công việc cụ thể. Các thủ tục trong phân bổ ngân sách còn quá rườm rà: huyện ký quyết định chi, thông qua kho bạc tới các xã, xã tiến hành phân bổ tới các đơn vị thụ hưởng. Điều này làm xuất hiện hiện tượng có rất nhiều công trình phải tạm dừng công việc do chưa có kinh phí thực hiện tiếp, gây ra lãm phí về mặt thời gian và tiền của.

Một phần của tài liệu phương hướng quản lý chi tiêu công theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn tại huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh (Trang 56 - 58)