KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH BẮC CẠN

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh Bắc Cạn (Trang 31 - 34)

1. Tỉnh Bắc Cạn.

Bắc Cạn là tỉnh miền núi vùng cao mới được tái lập năm 1997, bao gồm có 6 huyện lỵ và một thị xã, với 122 xã phường, trong đó có 84 xã thuộc khu vực III, 26 xã thuộc khu vực II và 12 xã thuộc khu vực I. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.795,54 km, chủ yếu là đất lâm nghiệp chiếm gần 60% diện tích, đất nông nghiệp rất ít chỉ chiếm 10%, còn lại là đất ở, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng. Dân số tự nhiên của tỉnh là 276.718 người bao gồm 8 dân tộc anh em là Tày, Kinh, Nùng, Dao, Mông, Sán Chí, Hoa, Ngái; trong đó dân tộc Tày chiếm 50%, dân tộc kinh chiếm 35%, dân tộc Hoa là 7%, còn lại là các dân tộc khác. Thu nhập bình quân đầu người không cao, tổng GDP hàng năm của tỉnh thấp.

Vị trí địa lý: Nằm trên trục đường Quốc lộ 3, phía Bắc giáp Cao Bằng, phía Nam giáp Thái Nguyên, phía Tây giáp Tuyên Quang, phía Đông giáp Lạng Sơn. Cách thủ đô Hà Nội 160 km về phía Bắc.

Địa hình: Đồi núi có độ dốc cao và chiếm trên 60% diện tích tự nhiên, Về tài nguyên: Có nhiều núi đá vôi, khoáng sản thì phong phú, đa dạng về chủng loại, có nhiều sông, suối và hồ, Bắc Cạn có nhiều khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Ba Bể.

2. Đánh giá chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Cạn.

2.1. Về kinh tế.

Kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, sau gần 10 năm hình thành và phát triển, tỉnh Bắc Cạn đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực, điển hình là về lĩnh vực kinh tế. Có thể nói, trước sự quan tâm và giúp đỡ của các cấp, các Bộ, ban ngành từ TW đến địa phương, kể từ năm 1997 đến nay nền kinh tế Bắc Cạn liên tục phát triển và tăng trưởng cao qua các năm, nộp ngân sách cho TW năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên so với các tỉnh khác,

Bắc Cạn là một tỉnh mới được hình thành cho nên kinh tế của Bắc Cạn là một nền kinh tế non trẻ, yếu ớt và lạc hậu. Do đó để có những đánh giá khách quan về sự hình thành và phát triển của nền kinh tế tại địa phương, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề qua hai giai đoạn sau:

Giai đoạn 1997 – 2000: Giai đoạn này được xem là cột mốc đánh dấu sự hình thành và phát triển của nền kinh tế Bắc Cạn trong tương lai. Cột mốc đó có thể sẽ cho chúng ta thấy được một phần nào đó về tình hình hoạt động của nền kinh tế địa phương. Năm 1997, cùng với các tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, Quảng Nam và Đà Nẵng; Cà Mau và Bạc Liêu; Phú Thọ và Vĩnh Phúc, cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã cho phép tỉnh Bắc Thái tách thành hai tỉnh là Thái Nguyên và Bắc Cạn ngày nay. Như vậy, với điểm xuất phát thấp của mình, Bắc Cạn là tỉnh nghèo nhất nước, nền kinh tế lạc hậu và chậm phát triển, ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao (chiếm trên 70%), tiếp đến là công nghiệp và dịch vụ. Dựa vào số liệu báo cáo hàng năm của UBND tỉnh, chúng ta thấy trong các năm 1998 và 1999, kinh tế Bắc Cạn lấy nông nghiệp làm trọng tâm phát triển, còn ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, mà mới chỉ ở giai đoạn đầu tư. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị kỹ thuật về vốn, công nghệ và lao động chưa đáp ứng được cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, ngoài ra đại bộ phận dân cư đều tập chung sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp thuần tuý.

Giai đoạn 2001 – 2005: Đây là giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh, cho nên UBND tỉnh và thường vụ tỉnh Uỷ đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế lấy công nghiệp làm trọng tâm, tiếp đến là nông lâm ngư nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Giai đoạn này, tỉnh Bắc Cạn đã thực hiện nhiệm vụ tập trung phát triển công nghiệp, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp giai đoạn 2001 – 2010, quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện giai đoạn 2001 – 2005, xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2010 có xét đến năm 2020; lập quy hoạch và triển khai xây dựng một số khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Thanh Bình huyện Chợ mới, Khu công nghiệp Xuất Hoá thị xã Bắc Cạn. Từ năm 2001 đến nay, sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng cao,

giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 29,7% ( năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 285% so với năm 2000); tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GDP tăng từ 10,9% năm 2001 lên 21,7% năm 2005. Trong đó khu vực công nghiệp quốc doanh đạt mức tăng trưởng bình quân 28%/ năm, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 34,2%/năm. Ngoài ra ngành công nghiệp của tỉnh đã phát triển thêm một số mặt hàng thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp như ôtô tải nhẹ, xi măng, sản phẩm may công nghiệp.v.v.. Thực hiện nghị quyết TW3, Nghị quyết TW5 khoá IX về phát triển các thành phần kinh tế, tỉnh Bắc Cạn đã chủ trương tiến hành đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý.

Đối với ngành nông lâm ngư nghiệp đạt tốc độ phát triển bình quân 5 năm là 6,95% vượt 1,8% so với mục tiêu Đại hội, trong giai đoạn này tỉnh chủ trương giảm tỷ trọng của nông lâm ngư nghiệp trong cơ cấu GDP từ 66,8% năm 2000 xuống 43,2% năm 2005; tăng độ che phủ của rừng từ 54,6% năm 2001 lên 58% năm 2005. Công tác định canh định cư cũng thu được những kết quả quan trọng.

Khu vực thương mại và du lịch phát triển cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,8%/năm vượt 1,95% so với Nghị quyết Đại hội, trong năm 2005 tổng mức bán lẻ hàng hoá và kinh doanh dịch vụ đạt 870 tỷ đồng bằng 126% kế hoạch; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP tăng từ 28,7% năm 2001 lên 34% năm 2005, vượt 1,1% so với Nghị quyết Đại hội. Lượng khách du lịch đến địa phương tăng cao, với mức tăng bình quân 19%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 17%/năm. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2010, quy hoạch phát triển Hồ Ba Bể đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Tỉnh đang báo cáo với Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận Vười quốc gia Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới, thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát và lập dự án đầu tư phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh còn khai thác tốt các nguồn lực về lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, năm 2004 thu 60 tỷ bằng 119,7% dự toán năm và tăng 59% so với năm 2001, trong năm 2005 thu được 74.984 triệu đồng bằng 107,1% dự toán năm.

Về mạng lưới giao thông, sau 5 năm tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 700km đường huyện, 1200km đường liên xã. Tính hết năm 2005, toàn tỉnh có 122/122 xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm đạt 100%.

2.2. Về văn hoá – xã hội.

Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Bắc Cạn không những chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà còn phải chú trọng nâng cao chất lượng văn hoá – xã hội của địa phương. Văn hoá – xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 38,6% năm 2001 xuống còn 12,5% năm 2005, trình độ dân trí ngày càng tiến bộ. Cụ thể:

Về công tác giáo dục và đào tạo, tỉnh đã quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trường lớp được đầu tư nhiều và đa dạng, chất lượng giảng dạy được nâng cao, số học sinh liên tục tăng qua các năm, giảm tỷ lệ học sinh không đi học tại các vùng cao của tỉnh.

Về công tác y tế, dân số - gia đình và trẻ em. Tỉnh tăng cường đầu tư công tác y tế tại địa phương, xây dựng các trạm y tế xã, phường; đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, các trương trình y tế quốc gia, phòng, chống các bệnh xã hội được triển khai sâu rộng.v.v.. Ngoài ra công tác văn hoá – thông tin - thể thao có nhiều khở sắc; công tác xã hội và việc làm được quan tâm giải quyết ở hầu hết các địa bàn của tỉnh.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nhằm đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh Bắc Cạn (Trang 31 - 34)