5. Kết cấu của luận văn
2.3.3 Thủ tục và phương thức xử lý tài sản bảo đảm tiền vay
Thủ tục và phương thức xử lý tài sản bảo đảm tiền vay được các TCTD thực hiện quy định tại Luật Đất đai 2003, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai; Nghị định 163/1006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC và một số văn bản liên quan khác. Tài sản bảo đảm tiền vay được xử lý theo những phương thức sau: - Bán tài sản bảo đảm tiền vay: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thực hiện phương thức bán tài sản bảo đảm tiền vay thì bên được bán tài sản có thể là khách hàng hoặc bên bảo lãnh, tổ chức tín dụng; hai bên bảo đảm và nhận bảo đảm phối hợp hoặc ủy quyền cho bên thứ ba bán tài sản bảo đảm. Bên được bán tài sản có thể trực tiếp bán cho người mua, ủy quyền cho trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện bán tài sản bảo đảm tiền vay. Khi các bên trong quan hệ vay vốn tín dụng ngân hàng nhất trí được việc bán tài sản bảo đảm tiền vay là đã thể hiện thiện chí thanh toán nợ, bán được tài sản bảo đảm tiền vay là biện pháp thu hồi nợ nhanh và dứt điểm nhất đối với các tổ chức tín dụng. Bán tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm là phương thức xác định giá trị tài sản bảo đảm bù đắp nghĩa vụ bị vi phạm một cách chính xác, khách quan nhất do tài sản được bán và xác định giá trị trên thị trường.
- Tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm tiền vay để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm: Phương thức nhận tài sản bảo đảm tiền vay để thay thế nghĩa vụ được bảo đảm được pháp luật quy định áp dụng cho cả trường hợp xử lý theo thỏa thuận và trường hợp TCTD có quyền chủ động xử lý mà không phụ thuộc vào thỏa thuận với bên bảo đảm. Tại thời điểm giao, nhận tài sản các bên lập biên bản giao nhận tài sản với các nội dung bàn giao, tiếp nhận, định giá, và thanh toán thu nợ từ việc nhận tài sản, đây là việc các tổ chức tín dụng nhận chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm – TCTD nhận “gán nợ”.
- Tổ chức tín dụng được trực tiếp nhận các khoản tiền hoặc tài sản từ bên thứ ba trong trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hoặc tài sản cho khách hàng vay, bên bảo lãnh. Phương thức TCTD nhận tài sản từ bên thứ ba
trong trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hoặc tài sản cho khách hàng vay, bên bảo lãnh được thực hiện xuất phát từ quy định tại Phần III, chương XVII, mục 4, Bộ luật Dân sự 2005 về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự. Và cũng theo quy định tại Thông tư liên tịch 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 việc nhận tài sản từ bên thứ ba chỉ được thực hiện khi các bên có sự thỏa thuận hoặc khi pháp luật có quy định. Việc thỏa thuận nhận tài sản của bên thứ ba phải được lập thành văn bản, TCTD được tiếp nhận tài sản và các quyền phát sinh từ tài sản, thực chất đây là việc xử lý thế chấp từ quyền đòi nợ.
- Các phương thức khác do các bên thỏa thuận: Ngoài các phương thức nêu ở trên, trên thực tế việc xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD, khách hàng và bên bảo lãnh còn thỏa thuận áp dụng một số biện pháp như phối hợp cho thuê tài sản để thu hồi nợ, góp vốn liên doanh bằng chính tài sản bảo đảm…
2.4. Tiểu kết
Trong các giai đoạn phát triển của ngành ngân hàng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đề ra các biện pháp giải quyết đối với tình hình nợ vay ngân hàng, nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng là kênh chủ yếu thực hiện hoạt động huy động vốn và cho vay phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ án lớn trong lĩnh vực tín dụng của ngân hàng thương mại thì lòng tin của dân chúng vào ngân hàng đã có sự suy giảm. Bản thân các Ngân hàng thương mại đang lâm vào tình trạng hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân hàng huy động tiền gửi của nhân dân và các nguồn khác đang bị “chôn” vào các tài sản bảo đảm tiền vay mà không xử lý được. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống ngân hàng cũng như đến sự công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Bởi vậy, những quyết sách hợp lý mang tính vĩ mô trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cần phải được đưa ra kịp thời, để đáp ứng với các yêu cầu của thực tiễn.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐÀM TIỀN VAY Ở VIỆT NAM
3.1 Các nguyên tắc cơ bản chi phối việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, việc hoàn thiện pháp luật cũng đều liên quan đến những lợi ích hoặc nhóm lợi ích khác nhau cần được xử lý. Xuất phát từ mục đích cơ bản của việc xây dựng thiết chế bảo đảm tiền vay là nhằm bảo vệ quyền lợi của người cho vay, bên có quyền và thông qua đó nhằm bảo vệ sự vận hành ổn định của
nền kinh tế. Bởi vậy, khi hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay ngân hàng, cần chú ý những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm (NHTM).
Trong quan hệ bảo đảm tiền vay, quyền và lợi ích của bên nhận bảo đảm (NHTM) cần phải được ưu tiên bảo vệ. Bởi trong bất cứ nền kinh tế nào, các ngân hàng luôn đóng một vai trò, vị trí quan trọng và sự thành bại trong kinh doanh của chủ thể này luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của rất nhiều chủ thể khác nhau, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của nền kinh tế. Rủi ro tín dụng nói chung và sự thất bại của các ngân hàng nói riêng là rủi ro lớn đối với nền kinh tế, dễ tạo ra phản ứng dây chuyền. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của chủ thể này cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh tài chính và sự ổn định của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, việc ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích của các ngân hàng cần phải đảm bảo được sự dung hòa hợp lý với quyền lợi của các chủ thể khác tham gia vào giao dịch, kể cả bên thứ ba.
Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc vật quyền ở biện pháp thế chấp và cầm cố. Xét ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp, việc ưu tiên bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm được thể hiện ở sự bảo đảm nguyên tắc vật quyền trong biện pháp thế chấp và cầm cố tài sản. Điều đó có nghĩa là vật quyền mà bên nhận bảo đảm xác nhận trên tài sản bảo đảm trong biện pháp thế chấp, cầm cố cần được bảo vệ tuyệt đối trước bất kỳ hành vi xâm phạm nào. Pháp luật La Mã đã coi đó là một trong các dạng quyền đối với tài sản của người khác. Nó mạnh gần như quyền sở hữu (trong pháp luật La Mã cổ đại, có những thời điểm đã ghi nhận rằng trong các trường hợp bảo đảm vật quyền, bên bảo đảm phải chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm, sau đó nếu nghĩa vụ đã hoàn thành thì bên nhận bảo đảm trả lại tài sản cho bên bảo đảm) [25,tr.184]. Nhận thấy, sự bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của bên nhận bảo đảm có lẽ chính là việc thiết lập một vật quyền cho chủ thể này trên những tài sản đem bảo đảm. Với khả năng pháp lý này, chủ nợ (bên nhận thế chấp, cầm cố) mặc dù không phải là chủ sở hữu tài sản nhưng sẽ có đặc quyền ưu tiên, theo đuổi và truy đòi đối với tài sản đó cao hơn các chủ thể khác, thậm chí là
cao hơn cả chủ sở hữu tài sản. Khi đó, chủ sở hữu bị hạn chế quyền của mình đối với tài sản.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, nguyên tắc vật quyền cũng chỉ có thể áp dụng một cách trọn vẹn khi các tài sản tồn tại dưới dạng vật hữu hình. Đối với các tài sản tồn tại dưới dạng quyền tài sản hay tài sản vô hình, thì vật quyền lúc đó chỉ thể hiện bằng quyền được ưu tiên thanh toán, còn quyền truy đòi sẽ không được thể hiện rõ nét.
Thứ ba, nguyên tắc công nhận giá trị pháp lý của các thỏa thuận trong giao dịch bảo đảm tiền vay.
Cũng giống như các giao dịch dân sự khác, giao dịch bảo đảm tiền vay chính là sự thỏa thuận giữa các bên dựa trên mối quan hệ bình đẳng, tự nguyện, tự do thỏa thuận. Các bên có thể tự do đàm phán, bàn bạc với nhau, nhưng khi đã có sự đồng thuận và ghi nhận thành các điều khoản của hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên thì các thỏa thuận đó phải được tôn trọng. Không thể chấp nhận việc các chủ thể tại thời điểm kí kết hợp đồng thì đồng thuận tất cả các vấn đề, đến thời điểm khác lại có quyền đơn phương hủy bỏ thỏa thuận đó, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của phía bên kia.
Có thể nói đây là một hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm tiền vay, bởi hiện tại, trong nhiều trường hợp, bên bảo đảm đang được pháp luật cho phép có quyền tự ý vi phạm thỏa thuận đã kí kết, điển hình là trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Bởi lẽ, hiện tại pháp luật quy định rằng, tại thời điểm xử lý tài sản, nếu các bên không xử lý được theo thỏa thuận thì phải khởi kiện, do đó làm vô hiệu hóa thỏa thuận trong hợp đồng trước đó. Bên nhận bảo đảm muốn thực hiện quyền của mình, phải thỏa thuận lại với bên bảo đảm, điều mà ở thời điểm đó rất khó có thể đi đến “tiếng nói chung” hay sự đồng thuận, vì đã phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Đây là một mâu thuẫn, mà cần phải được sửa đổi cho phù hợp.
3.3 Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay.
Ngày 29/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, quy định chi tiết thi hành một số điều Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý
tài sản bảo đảm. Nghị định này thay thế Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm, đồng thời bãi bỏ các Nghị định số 178/1999/NĐ- CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ- CP. Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm nhằm tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay của các TCTD, đồng thời xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức hoặc cá nhân trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo khoản 1 Điều 318 của Bộ luật Dân sự. Với “sân chơi” bình đẳng, việc bảo đảm tiền vay của TCTD và giao dịch dân sự của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thoả thuận về biện pháp bảo đảm đều áp dụng chung các quy định tại Nghị định này.
Nhằm đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn, trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về BĐTV của các NHTM có một số vướng mắc nảy sinh cần phải xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp như: bổ sung và thống nhất các quy định pháp luật về bảo đảm tiền vay, về chủ thể tham gia vào giao dịch bảo đảm tiền vay… Hiện nay, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm nêu trên đang còn hiệu lực. Nghị định ra đã phần nào tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay của các TCTD, đồng thời xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức hoặc cá nhân trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo khoản 1, Điều 318, BLDS 2005. Việc bảo đảm tiền vay của TCTD và giao dịch dân sự của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thỏa thuận về biện pháp bảo đảm đều áp dụng chung các quy định tại Nghị định này. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định số 163 cũng như trong việc hoàn thiện pháp luật về kinh tế, các cơ quan chức năng Nhà nước cần xem xét khắc phục những bất cập của hệ thống các văn bản liên quan đến BĐTV.
3.3.1 Bổ sung và thống nhất các quy định pháp luật về BĐTV
Cần phát triển các quy định về giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm cả giao dịch bảo đảm tiền vay lên thành Luật giao dịch bảo đảm. Trong đó, cần quy định tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung cũng như hình thức, thủ
tục của một giao dịch bảo đảm như tài sản bảo đảm, nghĩa vụ được bảo đảm, thủ tục công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm…
Bên cạnh đó, ngoài những quy định có thể áp dụng chung cho mọi giao dịch bảo đảm, còn phần nào liên quan đến đặc thù của hoat động ngân hàng thì đưa thành chế định riêng, quy định riêng để điều chỉnh. Chẳng hạn như các quy định về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, cần phải trao quyền nhiều hơn cho các ngân hàng như việc mở rộng phạm vi các trường hợp ngân hàng được chủ động bán tài sản bảo đảm mà không cần phải có sự đồng ý của bên bảo đảm, không nhất thiết phải khởi kiện ra Tòa án. Bởi ngân hàng là chủ thể được tổ chức và hoạt động rất chặt chẽ, lại chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng, nên khả năng ngân hàng lạm dụng quyền trong khi xử lý tài sản là rất ít.
Trong một thời gian dài, người Việt chúng ta đã quen với việc có Luật ban hành là phải có Nghị định quy định chi tiết, và đã có Nghị định rồi thì phải có thông tư hướng dẫn khiến cho hệ thống pháp luật nước ta trở nên cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn và kém minh bạch. Thực tế cho thấy, một tình trạng không phải hiếm là Nghị định quy định chi tiết Luật nhưng lại mâu thuẫn với Luật. Do vậy, các nhà lập pháp nên “cô đọng” và đưa luôn những quy định mang tính đặc thù cho lĩnh vực bảo đảm bảo tiền vay vào luật, mà không cần nhiều văn bản hướng dẫn riêng cho vấn đề này. Như vậy, vừa dễ cho người áp dụng không phải đọc nhiều văn bản, vừa bảo đảm tính thống nhất, không bị mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật mà lại bảo đảm tính khả thi của Luật.
3.3.2. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc xác lập và thực hiện giao dịch bảo đảm tiền vay.
* Về chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm tiền vay:
Đối với các chủ thể đặc biệt như hộ gia đình, tổ hợp tác… pháp luật cần có cách giải quyết theo một trong hai hướng: Một là, nếu vẫn chấp nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể pháp luật có quyền tham gia giao dịch BĐTV thì nhất thiết