5. Kết cấu của luận văn
2.2.1.6. Tài sản hình thành trong tương lai
Thực tế cho thấy, đối với hoạt động bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại, tài sản hình thành trong tương lai tồn tại dưới hai dạng: tài sản hình thành từ vốn vay và tài sản không hình thành từ vốn vay của ngân hàng. Hiện tại thì pháp luật thực định đã cho phép các loại tài sản này được đưa vào giao dịch bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nền kinh tế được tiếp cận gần hơn với nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên các quy định của pháp luật về bảo đảm bằng loại tài sản này vẫn chưa rõ ràng làm cho các bên chủ thể khi tham gia vào giao dịch bảo đảm tiền vay còn nhiều băn khoăn trong việc áp dụng pháp luật như thế nào cho đúng.
Pháp luật hiện hành không định nghĩa về tài sản hình thành trong tương lai. Bởi vậy các bên khi tham gia vào giao dịch bảo đảm tiền vay không có để xác định thế nào là tài sản hình thành trong tương lai và như thế nào để tài sản ấy có thể đem đi bảo đảm tiền vay. Điều 320 BLDS 2005 quy định “vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết”. Và khoản 2, điều 4, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm cũng quy định tương tự: “Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết”. Như vậy, cả văn bản luật và dưới luật vẫn chưa rõ ràng để có thể xác định tài sản nào là tài sản hình thành trong tương lai. Liệu có phải tất cả các tài sản hình thành sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch được giao kết là tài sản hình thành trong tương lai và là đối tượng của giao dịch bảo đảm tiền vay hay không? Hay tại thời điểm kí kết hợp đồng, ngân hàng dựa vào cái gì để có thể khẳng định một tài sản sẽ thuộc sở hữu của bên bảo đảm trong tương lai?
Có thể nêu ra một ví dụ sau, để có thể thấy rằng sự thiếu đồng bộ và chặt chẽ của pháp luật thực định về “cách nhìn nhận tài sản hình thành trong tương lai”: Bà M ký hợp đồng hứa mua, hứa bán căn hộ chung cư với công ty Cienco 5. Đây là một loại giao dịch đang rất phổ biến trên thị trường Hà Nội. Bản chất của hợp đồng này là
công ty Cienco 5 bán nhà (hình thành trong tương lai) cho bà M. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật đất đai hiện hành chưa cho phép các chủ đầu tư thực hiện chuyển nhượng nhà cho các cá nhân khi chưa xây dựng xong, nên các bên đã phải lập hợp đồng hứa mua - hứa bán. Bà M có việc cần tiền, nên đề xuất vay vốn tại ngân hàng W, cùng với việc thế chấp căn nhà hứa mua – hứa bán đó (theo hình thức tài sản hình thành trong tương lai). Ngân hàng đang không biết theo đúng quy định của pháp luật, thì có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng M hay không?
Ví dụ trên cho thấy, một mặt pháp luật cho phép các ngân hàng nhận bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, “nhưng lại chưa chỉ rõ nội hàm của khái niệm này” bởi vậy các bên chủ thể khi tham gia giao dịch bảo đảm không thể xác định được. “Vẫn biết rằng tài sản hình thành trong tương lai có đặc điểm là hình thành sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập. Tuy nhiên, vấn đề là tại thời điểm ngân hàng và khách hàng kí hợp đồng bảo đảm tiền vay, phải có cái gì để chứng minh rằng trong tương lai bên bảo đảm sẽ có quyền sở hữu một tài sản nào đó, như một hợp đồng, một bản cam kết chẳng hạn. Nếu không có căn cứ cụ thể, chắc chắn rằng trong tương lai khách hàng sẽ sở hữu một tài sản nào đó, thì các ngân hàng sẽ không bao giờ dám nhận bảo đảm bằng tài sản đó”.
Một sự hạn chế, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật là: Điều 320 BLDS 2005 quy định “vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai”. Như vậy, theo điều này thì tài sản hình thành trong tương lai dùng để bảo đảm nghĩa vụ chỉ có thể là vật (động sản hoặc bất động sản) mà không thể là các tài sản khác như quyền tài sản hay các loại tài sản vô hình khác. Còn trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm hướng dẫn BLDS 2005 có dùng khái niệm “tài sản hình thành trong tương lai”, theo đó được hiểu là bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 BLDS 2005). Nhận thấy, Nghị định hướng dẫn đã quy định rộng hơn rất nhiều so với khái niệm “vật” trong Điều 320 BLDS 2005.
Nhìn chung, giữa các quy định pháp luật đã có sự không thống nhất về loại tài sản nào thì được coi là “tài sản hình thành trong tương lai”, chỉ là “vật” thôi hay bao gồm tất cả các loại tài sản nói chung. Thực ra, nếu hiểu theo hướng gồm tất cả
các loại tài sản thì sẽ phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, vì thực tế có rất nhiều loại tài sản không phải là vật hình thành trong tương lai, ví dụ như quyền đòi nợ.
Đối với loại tài sản hình thành trong tương lai, rất khó để có thể phân định xem chúng là đối tượng của biện pháp thế chấp hay biện pháp cầm cố. Các quy định pháp luật phân biệt giữa thế chấp và cầm cố dựa vào tiêu chí có hay không chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm; nếu có thì là cầm cố; còn nếu khồn thì là thế chấp. Nhưng, đối với tài sản hình thành trong tương lai, tại thời điểm các bên ký kết, xác lập Hợp đồng bảo đảm thì tài sản chưa hình thành, do vậy sẽ không có việc chuyển giao tài sản. Như vậy, tại thời điểm này, giao dịch của các bên là dưới dạng thế chấp. Tuy nhiên, đến khi tài sản đã hình thành và thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì lại phát sinh khả năng chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm. Vậy là, trong quá trình xác lập và thực hiện Hợp đồng bảo đảm đã có sự thay đổi biện pháp bảo đảm, theo kiểu lúc đầu sẽ là thế chấp, và sau là cầm cố. Vấn đề này tương đối phức tạp và vẫn chưa được pháp luật quy định một cách rõ ràng, và các nhà lập pháp vẫn chưa dự liệu việc nếu muốn thay đổi trong trường hợp trên, các bên cần phải làm những thủ tục gì để đảm bảo rằng giao dịch có giá trị pháp lý? Câu hỏi này cần sớm được giải đáp.
Đối với tài sản hình thành từ vốn vay: Là một dạng của tài sản hình thành trong tương lai, điểm khác biệt là tài sản đó được hình thành từ một phần hoặc toàn bộ vốn vay của chính ngân hàng nhận bảo đảm. BLDS 2005 không tách riêng mà đề cập chung loại tài sản này trong khái niệm tại Điều 320.