5. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Phạm vi bảo đảm thực hiện bảo đảm tiền vay
Điều 319 BLDS 2005 quy định: “nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại”. Ở Nghị định
163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm cũng quy định mang tính chung chung “nghĩa vụ được bảo đảm là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ dân sự, có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện mà việc thực hiện nghĩa vụ đó được bảo đảm bằng một hoặc nhiều giao dịch bảo đảm” (khoản 5, Điều 3). Nhưng một vấn đề quan trọng cần được nói đến trong phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch bảo đảm tiền vay là việc xác định giá trị tài sản bảo đảm. Nó quyết định mức cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng vay. Thông thường giá trị tài sản bảo đảm tiền vay phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm (bao gồm tiền vay, lãi vay, lãi quá hạn, các khoản chi phí (nếu có) được ghi trong hợp đồng tín dụng mà khách hàng vay phải trả theo quy định của pháp luật) trừ trường hợp các bên có thỏa thuận lãi vay, lãi quá hạn, các khoản chi phí khác (nếu có) không trong phạm vi bảo đảm. Việc xác định giá trị tài sản bảo đảm thường được các ngân hàng thẩm định và xác nhận tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm. Nếu làm tốt được việc này thì sẽ giúp cho ngân hàng thu hồi được đầy đủ nợ khi khách hàng vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ, hạn chế tối đa rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường bùng nổ như hiện nay, giá trị của tài sản chắc chắn sẽ có sự biến động lên xuống thất thường, các ngân hàng thường chọn giải pháp: Nếu tại thời điểm kí kết hợp đồng, giá trị tài sản được định giá thấp hơn nghĩa vụ trả nợ, thì sẽ thay đổi định giá tài sản lên cao (cao hơn nghĩa vụ trả nợ), rồi ghi trong hợp đồng bảo đảm là tài sản bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Cách làm này sẽ giải quyết được bài toán về phạm vi bảo đảm nhưng lại đưa các ngân hàng, cụ thể là các cán bộ ngân hàng, đứng trước nguy cơ bị xử lý trách nhiệm do định giá khống. Vì vậy, cần sửa đổi các văn bản pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung và bảo đảm tiền vay nói riêng liên quan đến vấn đề này, để giải quyết vướng mắc cho các bên khi xác lập giao dịch bảo đảm tiền vay.