5. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm tiền vay
Hợp đồng bảo đảm tiền vay là văn bản thể hiện sự thỏa thuận của ngân hàng với khách hàng vay, bên bảo lãnh về quyền, nghĩa vụ của các bên trong bảo đảm tiền vay. Hợp đồng bảo đảm tiền vay có giá trị pháp lý rất quan trọng, đặc biệt là khi bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Hợp đồng bảo đảm là cơ sở pháp lý để ngân hàng có thể áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Chính vì có ý nghĩa quan trọng và cũng để tránh những tranh chấp nên pháp luật quy định rất cụ thể về hình thức và nội dung của Hợp đồng bảo đảm.
Việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản được thực hiện bằng việc ký kết hợp đồng bảo đảm, tức là hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh. Hợp đồng bảo đảm tiền vay phải được lập thành văn bản, có thể là văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng tín dụng.
Hợp đồng bảo đảm có thể phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
* Nội dung của Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản
Pháp luật quy định trong hợp đồng bảo đảm tiền vay phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên và địa chỉ các bên; 2. Nghĩa vụ được bảo đảm;
3. Mô tả tài sản bảo đảm; giá trị tài sản bảo đảm. Riêng đối với tài sản hình thành trong tương lai có thể mô tả khái quát về tài sản;
4. Bên giữ tài sản, giấy tờ của tài sản bảo đảm;
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng bảo đảm; 6. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm.
Đối với hợp đồng bảo lãnh, phải có cam kết của bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh. [ gtrinh]
Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định về Hiệu lực của giao dịch bảo đảm:
1. Giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp sau đây:
a) Các bên có thoả thuận khác;
b) Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố;
c) Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp;
d) Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định.
2. Việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm.
Như vậy, Hợp đồng bảo đảm tiền vay bắt đầu có hiệu lực kể từ khi bên sau cùng ký vào hợp đồng. Trường hợp giao dịch bảo đảm phải đăng ký tại cơ quan đăng ký thì giao dịch này có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký (trừ các trường hợp như ở Điều 10, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP). Hợp đồng bảo đảm tiền vay sẽ hết hiệu lực khi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đã được thực hiện xong. Và thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba: Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc thay đổi một hoặc các bên tham gia giao dịch bảo đảm không làm thay đổi thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.