Quy định về thuế thu nhập cá nhân khi cổ đông công ty nhận cổ tức cổ phiếu

Một phần của tài liệu “Chia cổ tức bằng cổ phiếu – Khía cạnh pháp lý công ty cổ phần ở Việt Nam cần quan tâm”. (Trang 33 - 35)

II. Các khía cạnh pháp lý về trả cổ tức bằng cổ phiếu ở Việt Nam

4.Quy định về thuế thu nhập cá nhân khi cổ đông công ty nhận cổ tức cổ phiếu

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng mục đích của công ty cổ phần là gia tăng tối đa lợi ích của cổ đông. Lợi ích đó được đo lường trên cơ sở các khoản thu nhập sau thuế. Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, khi các cổ đông được nhận cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu hay tài sản khác hoặc thu được lãi vốn do chuyển nhượng cổ phần thì sẽ bị điêu tiết thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thuế TNCN cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập thực tế của các nhà đầu tư. Vì thế, để đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông trong công ty, khi đưa ra chính sách cổ tức, các nhà quản trị cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về thuế TNCN đối với các khoản thu nhập trên, đồng thời nên sử dụng các chuyên gia tư vấn thuế cùng đưa ra biện pháp tối ưu nhất. Các nghiên cứu về thuế thu nhập cá nhân mà Ban lãnh đạo thực hiện trước khi đưa ra phương án chi trả cổ tức cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cần phải tập trung vào các vấn đề như thuế suất thuế TNCN đánh trên thu nhập vốn, thời điểm tính thuế TNCN khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu và biểu thuế TNCN lũy tiến.

4.1. Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu và biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến

Theo Điều 7 Thông tư 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 84/2008/TT-BTC trước đó về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thời điểm các cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu phải nộp thuế TNCN được quy định như sau: “Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ phiếu thưởng chưa phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu. Khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN…”. Quy định hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, xét về bản chất, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ công ty cổ phần không phải là hoạt động chia cổ tức mà là tăng vốn điều lệ. Khi đó, phần lợi nhuận chuyển thành quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ sẽ chuyển từ hình thức giá trị cổ tức thành khoản vốn góp. Hơn nữa, Nhà nước luôn khuyến khích các doanh nghiệp tăng vốn điều lệ phục vụ sản xuất kinh doanh và không bị đánh thuế trên khoản vốn góp.

Tuy nhiên, khi chuyển nhượng số cổ phiếu nhận được từ chính sách chia cổ tức của công ty, cổ đông phải nộp thuế TNCN đối với cả “thu nhập từ chuyển

nhượng chứng khoán và thu nhập từ đầu tư vốn”. Trong đó, thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập dưới hình thức cổ tức nhận được từ việc góp vốn cổ phần vào công ty phục vụ sản xuất, kinh doanh; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là khoản tiền lãi nhận được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu (lãi vốn – khoản chênh lệch giữa giá bán và giá mua chứng khoán, giá mua chứng khoán là mệnh giá của loại chứng khoán đó khi thực hiện vốn hóa theo mệnh giá). Thời điểm nộp thuế đối với hai khoản thu nhập này là như nhau, khi cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu, giúp các cổ đông trì hoãn nộp thuế. Việc nộp thuế sau sẽ làm giảm số thuế thực tế mà cổ đông phải nộp.

Tiếp theo, thuế thu nhập cá nhân thông thường đánh theo biểu thuế lũy tiến, có nghĩa là quy mô thu nhập càng cao thì thuế suất càng cao. Nếu các cổ đông trong công ty chủ yếu là cổ đông lớn, thu nhập từ cổ tức của các cổ đông này sẽ rất cao. Họ sẽ rơi vào ngưỡng nộp thuế thu nhập với thuế suất cao, do đó cũng muốn hoãn nộp thuế bằng cách nhận cổ tức thấp bằng tiền mặt và cao bằng cổ phiếu để lợi nhuận chuyển thành lãi vốn.

Vì vậy, khi đưa ra quyết định trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, các nhà quản trị cần thiết phải phân tích các quy định pháp luật liên quan đến sự khác nhau về thời điểm nộp thuế thu nhập cá nhân giữa cổ tức và lãi vốn và biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến để có thể đưa ra phương án tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc lợi ích cổ đông.

4.2. Thuế suất thuế TNCN đánh trên thu nhập vốn

Điều 7 Thông tư 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính quy định về thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có được từ nhận cổ tức như sau: “Trường hợp giá thực tế chuyển nhượng cổ phiếu cao hơn mệnh giá thì cá nhân nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 0,1% trên giá thực tế chuyển nhượng hoặc theo mức thuế suất 20% trên chênh lệch giữa giá thực tế chuyển nhượng với mệnh giá hoặc giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán”. Theo vậy, cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu có được từ việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu có quyền lựa chọn một trong ba loại thuế suất thuế TNCN đánh trên lãi vốn sao cho có lợi nhất. Và các nhà quản trị công ty cần phải phân tích, đánh giá lợi ích của cổ đông dựa trên cơ sở các khả năng về thuế và tình hình phát triển của thị trường (xác định giá thực tế tại thời điểm chuyển nhượng) để đưa ra lựa chọn chính sách cổ tức tối ưu nhất.

Một phần của tài liệu “Chia cổ tức bằng cổ phiếu – Khía cạnh pháp lý công ty cổ phần ở Việt Nam cần quan tâm”. (Trang 33 - 35)