Cơ sở thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu

Một phần của tài liệu “Chia cổ tức bằng cổ phiếu – Khía cạnh pháp lý công ty cổ phần ở Việt Nam cần quan tâm”. (Trang 27 - 30)

II. Các khía cạnh pháp lý về trả cổ tức bằng cổ phiếu ở Việt Nam

2.Cơ sở thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu

Cơ sở thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu được hiểu là nguồn chi trả và số lượng cổ phiếu được phép phát hành. Điều đó có nghĩa là việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của công ty cổ phần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị cũng như chính sách trả cổ tức quy định tại Điều lệ công ty về nguồn chi trả và theo sự chấp thuận của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về lượng cổ phiếu được phép phát hành. Trong đó, các quy định pháp luật là cơ sở mang tính tuân thủ cao nhất, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, chính sách trả cổ tức tại Điều lệ công ty và quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đều dựa trên nền tảng pháp lý ấy.

2.1. Nguồn chi trả cổ tức bằng cổ phiếu

Theo Khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn”.

Trong quy định trên, nguồn chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là số lợi nhuận ròng thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm và lợi nhuận giữ lại từ các năm trước của công ty. Thêm vào đó, sau khi thực hiện trả cổ tức, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn, đảm bảo quyền lợi của chủ nợ. Điều đó chứng tỏ khi quy định về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, pháp luật đã đưa ra một số nguyên tắc cụ thể, rõ ràng và yêu cầu doanh nghiệp cần phải tuân thủ, đó là:

• Công ty được trả cổ tức từ lợi nhuận ròng của năm nay và cả các năm trước để lại;

• Công ty chỉ được trả cổ tức khi đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Để làm rõ và minh bạch hơn về nguồn chi trả cổ tức, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi thực hiện chi trả, quy định về trả cổ tức bằng cổ phiếu được bổ sung bởi Thông tư 18/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng. Cụ thể:

“Công ty đại chúng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và có đủ nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính gần nhất có xác nhận của kiểm toán”.

Sự kết hợp giữa quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và quy định tại Thông tư 18/2007/TT-BTC có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa đảm bảo lợi ích của cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư sau này vừa nâng cao sự lành mạnh về tình hình tài chính công ty. Thực vậy, việc quy định công ty đại chúng phải có đủ nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính gần nhất có xác nhận của kiểm toán khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ chính là cách mà cơ quan quản lý sử dụng để có được sự xác nhận khách quan của đơn vị kiểm toán độc lập về sự chính xác, trung thực của “con số” lợi nhuận công ty. Hơn nữa, nguyên tắc công ty chỉ được trả cổ tức khi đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn được đưa ra nhằm giúp công ty không bị rơi vào thế bị động đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cần thiết phải thực hiện trong vòng một năm. Bởi nếu doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng thanh toán, hoạt động sản xuất kinh doanh

của công ty có thể sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn đến kém phát triển, giá thị trường của cổ phiếu công ty chắc chắn sẽ giảm và người chịu tác động trực tiếp lớn nhất chính là các cổ đông. Và khi đó, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu trở nên vô nghĩa đối với các cổ đông.

Như vậy, doanh nghiệp phải dựa trên phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bao gồm cả lợi nhuận trong quá khứ, trên báo cáo tài chính có xác nhận của kiểm toán, đồng thời phải chứng minh được khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn khi nộp hồ sơ bằng văn bản xin phép Uỷ ban chứng khoán Nhà nước hay gửi thông báo cho Uỷ ban biết về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp là phải nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tài chính công ty khi kết thúc năm tài chính, thuê đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành xác nhận và có thể cả tư vấn để đưa ra phương án chia cổ tức tối ưu nhất phù hợp với tình hình phát triển của công ty và xu thế thị trường. Phương án chia cổ tức đáp ứng đầy đủ các điều kiện đề ra sẽ được phê duyệt và tiến hành trong thời gian sớm nhất theo dự tính của các nhà quản trị công ty và gia tăng tối đa lợi ích của cổ đông.

2.2. Số lượng cổ phiếu được phép phát hành

Cổ phiếu được phép phát hành (còn gọi là cổ phiếu đăng ký) là số lượng cổ phiếu tối đa mà một công ty cổ phần có thể phát hành từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động. Quy định về số lượng cổ phiếu được phép phát hành là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của cổ đông. Luật pháp các nước quy định công ty cổ phần phải đăng ký tổng số cổ phiếu được phép phát hành và phải ghi trong Điều lệ công ty.

Khoản 5 Điều 22 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Nội dung Điều lệ công ty còn bao gồm loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần”. Khi thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, doanh nghiệp bắt buộc phải tuẩn thủ quy định về phạm vi cổ phiếu đã đăng ký trong Điều lệ công ty. Nếu xét thấy cần có sự thay đổi số lượng cổ phiếu được phép phát hành thì phải được đa số cổ đông bỏ phiếu tán thành tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, đồng thời phải sửa đổi Điều lệ công ty. Thêm vào đó, khi nhận được tài liệu xin phép hay thông báo về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức của công ty, UBCKNN xem xét và có phản hồi với doanh

nghiệp liên quan đến số lượng cổ phần được phép phát hành dựa trên nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Điều lệ công ty. Phản hồi chấp nhận phương án trả cổ tức phải đảm bảo số lượng cổ phần phát hành không được vượt quá số lượng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Một phần của tài liệu “Chia cổ tức bằng cổ phiếu – Khía cạnh pháp lý công ty cổ phần ở Việt Nam cần quan tâm”. (Trang 27 - 30)