II. Các khía cạnh pháp lý về trả cổ tức bằng cổ phiếu ở Việt Nam
3. Quy định về tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu
Tỷ lệ chi trả cổ tức (mức cổ tức) bằng cổ phiếu thể hiện một cổ đông hiện hữu nắm giữ một cổ phiếu cổ phổ thông sẽ được nhận một lượng tiền là bao nhiêu (hay nhận được bao nhiêu tiền bằng cổ phiếu). Điều đó cũng có nghĩa là nếu sở hữu một trăm cổ phần phổ thông hiện tại sẽ nhận được bao nhiêu cổ phần mới. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của công ty phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nội bộ và ngoại vi như: nguồn chi trả cổ tức, chính sách trả cổ tức của công ty, triển vọng phát triển kinh tế xã hội cũng như khả năng đầu tư hiệu quả vào các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan cổ tức.
3.1. Cách thức tính toán và công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa hề có quy định nào liên quan đến việc tính toán và công bố tỷ lệ chi trả cổ tức nói chung cũng như trả cổ tức bằng cổ phiếu nói riêng, dẫn đến thị trường hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp và thực hiện chưa theo chuẩn mực quốc tế trong vấn đề này. Theo kết quả nghiên cứu cá nhân, các doanh nghiệp thường công bố trả cổ tức bao nhiêu phần trăm là tiền mặt và bao nhiêu phần trăm là cổ phiếu. Đó là một cách tính và công bố rất khó hiểu, dường như chỉ xảy ra ở thị trường Việt Nam, gây ra sự ngộ nhận tỷ lệ đó tính trên thị giá của cổ phiếu đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ cũng phải tính thêm một vài bước nữa mới ra được con số chính xác về số cổ phiếu có thể được nhận.
Việc không quy định rõ về cách thức tính và công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu còn dẫn đến tình trạng rất nhiều doanh nghiệp khi huy động vốn đã hứa với các nhà đầu tư một tỷ lệ phần trăm chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hấp dẫn tính trên mệnh giá. Tuy nhiên sau đó, thị giá của cổ phiếu tăng lên gấp nhiều lần so với mệnh giá nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục công bố tỷ lệ cổ tức ban đầu.
Tất cả các trường hợp trên đều khiến nhà đầu tư trên thị trường có tâm lý tiêu cực, thậm chí mất lòng tin vào Ban lãnh đạo và khả năng kinh doanh hiệu
quả của doanh nghiệp, thậm chí gây ra những phản ứng không tốt cho doanh nghiệp. Điều đó yêu cầu doanh nghiệp cần phải quan tâm và có cách thức công bố tỷ lệ trả cổ tức hiệu quả nhất. Khi tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, doanh nghiệp cần thiết phải tính ra tiền mặt trước dù là trả bao nhiêu, ví dụ: cổ đông được nhận cổ tức là 1.000 đồng bằng cổ phiếu; sau đó tính bằng tỷ lệ cổ phiếu mà cổ đông được nhận, ví dụ: tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 10:1 có nghĩa là cổ đông sở hữu 10 cổ phần phổ thông sẽ được nhận 1 cổ phần mới. Cách tính và công bố này có lợi cho cả cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
• Đối với cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư: Cách tính tỷ lệ chi trả cổ tức cổ phiếu bằng tỷ lệ cổ phiếu mà cổ đông được nhận giúp họ có thể dễ dàng hiểu và ý thức được giá trị lợi ích của mình khi công ty thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, việc tính toán và công bố tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo giá trị tuyệt đối có vai trò nâng cao trách nhiệm của nhà quản trị, điều hành về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, gia tăng giá trị của các chủ thể lợi ích.
• Đối với doanh nghiệp: Cách tính và công bố tỷ lệ chi trả cổ tức trên có vai trò làm tăng lòng tin của cổ đông và nhà đầu tư đối với triển vọng phát triển của công ty. Hơn nữa, nó không làm giảm sự tin tưởng của cổ đông và nhà đầu tư nhiều bằng cách công bố tỷ lệ phần trăm chi trả cổ tức bằng cổ phiếu khi công ty không có khả năng chi trả cổ tức như kế hoạch dự kiến ban đầu.
Như vậy, để tránh sự mập mờ, khó hiểu và ngộ nhận của nhà đầu tư khi thu nhận thông tin tỷ lệ chi trả cổ tức từ doanh nghiệp, pháp luật cần thiết phải có quy định về đến vấn đề này. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra cách thức tính và thông báo dễ hiểu và hiệu quả nhất nhằm bảo vệ các chủ thể lợi ích liên quan và yêu cầu doanh nghiệp tuân theo. Khi đó cũng không quá khó khăn đối với các công ty cổ phần để thực hiện tính toán và công bố tỷ lệ chi trả cổ tức theo các quy định liên quan nếu họ thực sự có thiện chí. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin pháp lý quy định về tỷ lệ chi trả cổ tức; nếu gặp vấn đề khó khăn, chưa thực sự hiểu cách thức tuân thủ và tính toán thì có thể sử dụng các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Trong trường hợp không có quy định pháp lý về cách thức tính và công bố tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, lời khuyên cho doanh nghiệp là xây dựng lòng tin vững chắc của cổ đông và nhà
đầu tư thông qua việc công bố tỷ lệ cổ phiếu mà cổ đông được nhận. Có như vậy, lợi ích của cổ đông và doanh nghiệp mới được đảm bảo rõ ràng, ngày càng nâng cao và mang tính vững bền.
3.2. Mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu
Hiện nay, liên quan đến mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, pháp luật mới chỉ có quy định về thẩm quyền quyết định mức chi trả cổ tức mà chưa có quy định về giới hạn mức cổ tức. Điều đó có nghĩa là Đại hội đồng cổ đông hoàn toàn có thể đưa ra mức cổ tức sẽ chi trả cho cổ đông khi có ý kiến đề xuất từ Hội đồng quản trị. Quyết định đó được tôn trọng và không bắt buộc phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước miễn sao tuân thủ các nguyên tắc trong việc thực hiện trả cổ tức, đặc biệt nguyên tắc tích lũy lợi nhuận nhằm đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Trước khi đưa ra quyết định mức chi trả cổ tức, các nhà quản trị cần phải thực hiện phân tích môi trường nội bộ và bên ngoài để có nhận thức chính xác và đúng đắn về điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức của doanh nghiệp. Từ đó phát hiện cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh của công ty và đưa ra phương án mức cổ tức tối ưu, đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau khi tiến hành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Có thể đưa ra một số ý kiến đề xuất đối với công ty cổ phần khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu như sau:
• Khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cần thiết phải đảm bảo lành mạnh tài chính công ty với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ mới trong những năm tiếp sau ở mức trên 25-30%;
• Trong trường hợp doanh nghiệp liên tục thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm huy động vốn, đồng thời giảm tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt thì đối tượng phải là những cổ phiếu tăng trưởng;
• Tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu nên ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; nếu sau khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tăng chậm hoặc không tăng trưởng, chứng tỏ việc chia cổ tức không hợp lý và sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp về mức cổ tức bằng tiền mặt.