Nguồn nhân lực cho KCN bao gồm cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân có tay nghề cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển các KCN, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH. Đối với Nghệ An, đào tạo nguồn nhân lực vừa cấp bách vừa lâu dài. Đào tạo nghề phải tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng hiệu quả và tạo ra cơ cấu lao động hợp lý cho các thời kỳ phát triển công nghiệp, ưu tiên đào tạo trước mắt cho các ngành then chốt.
Tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề, các loại hình trường lớp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm tại các KCN.
Cần có sự quan tâm, hỗ trợ bằng chính sách cụ thể của tỉnh để phát hiện, thu hút đội ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ kỹ thuật đầu ngành. Hàng năm, tỉnh cần có ngân sách hỗ trợ, gửi con em đi đào tạo ở những trung tâm có chất lượng cao trong và ngoài nước về phục vụ ở các KCN. Phối hợp với các cơ sở đào tạo để khuyến khích con em Nghệ An học lực tốt sau khi ra trường trở về quê hương công tác. Có chính sách tiếp nhận và hỗ trợ người lao động đã được đào tạo một cách thoả đáng. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách, am hiểu luật pháp, tinh thông nghiệp vụ, có trình độ tin học, ngoại ngữ tốt để phục vụ cho các dự án đầu tư nước ngoài. Với sự hỗ trợ của ngân sách, nguồn quỹ khuyến công hàng năm cũng cần có các chương trình đào tạo khởi sự doanh nghiệp để giúp đỡ con em trong tỉnh muốn thành lập doanh nghiệp để kinh doanh và làm giàu chính đáng.
Tỉnh cần xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới dạy nghề đến năm 2015. Theo đó, đề án cần vạch ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được 2 hệ thống dạy nghề hoàn chỉnh: hệ thống dạy nghề đại trà (gồm các trung tâm dịch vụ việc làm, trường dạy nghề dân lập, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp) và hệ thống trường, trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Từ 2 hệ thống đào tạo này sẽ tăng cơ hội học nghề cho các mọi đối tượng có nhu cầu, từ đó tỉnh sẽ từng bước phổ cập nghề, đào tạo được nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường lao động, chủ yếu là các KCN. Mặc dù những năm gần đây, các KCN Nghệ An chưa có nhu cầu cao về lao động vì số doanh nghiệp KCN ít nhưng về sau này khi các KCN được lấp đầy việc thiếu hụt nguồn lao dộng sẽ xảy ra nếu không có sự chú ý chuẩn bị trước như một số tỉnh đã vấp phải (Đồng Nai, Bình Dương). Để đạt được yêu cầu về lao động cho các KCN trong thời gian tới, Nghệ An cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
- Củng cố và nâng cấp các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường kỹ thuật, dạy nghề của tỉnh như trường kỹ thuật Việt- Hàn, trường kỹ thuật Việt- Đức, trường dạy nghề số 1, trường đại học sư phạm kỹ thuật Nghệ An, các trung tâm dạy nghề và tiếp tục mở rộng các trung tâm đào tạo khác.
- Đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề để đáp ứng mọi nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội. Khuyến khích các hình thức liên kết, liên doanh trong đào tạo nghề, thiết lập và tăng cường mỗi quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, giữa
đào tạo nghề và các cấp học, bậc học khác. Đảm bảo không lãng phí tiền của và sức lực của người học nghề. Thực hiện phương châm "gắn đào tạo nghề theo nhu cầu và địa chỉ sử dụng".
Có thể xây dựng các trường đào tạo nghề chịu sự lãnh đạo của Ban quản lý các KCN, có sự tham gia của các doanh nghiệp KCN dưới dạng góp vốn bằng tiền và cơ sở vật chất kỹ thuật. Các kỹ sư, chuyên viên giỏi của các doanh nghiệp KCN có thể tham gia giảng dạy để đào tạo chuyên gia, công nhân theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Ban quản lý các KCN cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để giúp đỡ việc tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Điều này cho phép nâng cao chất lượng lao động, tạo điều kiện cho công nhân gắn kết hơn với doanh nghiệp. Trong những năm tới, các ngành nghề đào tạo mà các KCN của tỉnh cần là cơ khí chế tạo máy, điện tử, tin học, may mặc, sản xuất giấy, hoá chất, da giày, chế biến nông sản và sản xuất vật liệu xây dựng.