KCN Bắc Vinh đã được thành lập tại quyết định số 1128/QĐ-TTg ngày 18/12/1998 của thủ tướng chính phủ. Quy hoạch chi tiết giai đoạn 1 được Bộ xây dựng phê duyệt tại quyết định số 526/QĐ- BXD ngày 08/5/1999.
KCN Bắc Vinh có diện tích quy hoạch là 143,17 ha, nằm phía Nam đường Đặng Thai Mai, trên khu ruộng đang canh tác ở phía Bắc thành phố Vinh, thuộc địa bàn xã Hưng Đông, thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Cách trung tâm thành phố Vinh 4 km, cách cảng biển Cửa Lò 13 km [41, tr.5].
Giai đoạn 1 đã được chính phủ phê duyệt với diện tích 60,16 ha, tổng vốn đầu tư 78,507 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm, chủ đầu tư là tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA). KCN Bắc Vinh là KCN tập trung dành để xây dựng các xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sạch, ít gây ô nhiễm môi trường thuộc các loại ngành như: cơ khí lắp ráp, điện, điện tử, chế biến thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, dệt, da, may, chế biến nông, lâm sản.
Bảng 2.1: Cơ cấu sử dụng đất giai đoạn 1 tại KCN Bắc Vinh [2]
TT Cơ cấu sử dụng Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)
1 Đất xây dựng các xí nghiệp công nghiệp 38,2 63,2
2 Đất xây dựng trung tâm điều hành 3,00 4,99
3 Đất xây dựng công trình kỹ thuật 2,00 3,32
4 Đất cây xanh 6,66 11,07
5 Đất giao thông 10,48 17,42
Cộng 60,16 100
Đất xây dựng các xí nghiệp công nghiệp được phân thành 3 cụm:
- Cụm các xí nghiệp công nghiệp nhẹ, sạch được di chuyển từ trong khu vực nội thành phố Vinh đến như nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy thức ăn gia súc, xí nghiệp may xuất khẩu và các xí nghiệp xây mới như xí nghiệp sản xuất bao bì xuất khẩu, xí nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu. Cụm có diện tích 9,24 ha chia thành 7 lô: 5A, 5B, 5C, 6A, 6B, 6C, 6D, quy mô trung bình mỗi lô từ 0,8 đến 1,5 ha.
- Cụm các xí nghiệp công nghiệp chuyển từ trong khu vực nội thành phố Vinh đến có nhu cầu phải xử lý một số chất thải độc hại theo quy định, diện tích khoảng 9,78 ha chia thành 7 lô 5D, 5E, 5G, 6E, 6G, 6H, 6K, quy mô trung bình mỗi lô từ 1,3- 1,5 ha gồm các xí nghiệp chế biến thực phẩm, hoá chất, cơ khí lắp ráp.
- Cụm xí nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo, hoá chất, ván ép, bia, vật liệu xây dựng, diện tích khoảng 19 ha chia thành 14 lô (từ 8A đến 8P và 7A, 7B), quy mô trung bình mỗi lô 1,3 -1,6 ha.
Việc xây dựng các xí nghiệp trong các lô đất tại các cụm xí nghiệp công nghiệp đảm bảo mật độ xây dựng dưới 60%, tầng cao xây dựng trung bình 1- 2 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 0,6- 1,2 lần.
Trung tâm điều hành KCN Bắc Vinh nằm ở phía nam đường Đặng Thai Mai tại ngã giao nhau với đường D2, có diện tích 3 ha. Khu điều hành bao gồm trụ sở Ban quản lý, một số văn phòng đại diện các đơn vị và trạm cấp nước. Các công trình ở đây đạt mật độ xây dựng khoảng 60%, tầng cao trung bình là 2 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 1,2 lần.
Đất xây dựng các công trình kỹ thuật có diện tích 2 ha ở phía Tây Bắc KCN tại góc đường D2, D3 có lộ giới 26 m và đường D1 có lộ giới 13,75 m. Đất cây xanh tập trung có diện tích khoảng 6,66 ha bố trí dọc các đường giao thông với chiều dài dải cây 20 m.
Hạ tầng KCN Bắc Vinh được quy hoạch tương đối đồng bộ:
- Hệ thống giao thông: Mạng đường nội bộ được tổ chức theo hình ô bàn cờ, với hai hệ trục dọc và ngang, khoảng cách trung bình giữa các tuyến 350-400 m, có mối liện hệ với các tuyến đường lớn qua KCN như quốc lộ 1A, đường Đặng Thai Mai chạy qua trung tâm KCN rộng 30 m, đường phía Nam KCN rộng 45 m, đương vành đai phía Đông KCN rộng 54 m.
- Hệ thống thoát nước: Mạng lưới thoát nước mưa được bố trí chảy riêng, độc lập với nước thải, hướng thoát nước từ phía Đông sang Tây rồi chảy về phía Tây Bắc. Tại đây, nước mưa được lắng lọc dầu mỡ trước khi chảy ra khỏi bờ rào thoát chung với nước thải đã làm sạch. Toàn bộ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ tại các xí nghiệp, tập trung theo đường ống chảy về khu xử lý chung nằm ở cuối KCN để xử lý lại. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn được thoát ra khỏi KCN và theo mương dẫn ra sông Kẻ Gai.
- Hệ thống cấp nước: Nguồn nước cấp cho KCN được lấy từ nhà máy nước Vinh với
công suất 60.000 m3/ ngày. Mạng ống cấp nước trong KCN được thiết kế theo mạng vòng
khép kín, dùng đường ống gang, trên mạng đường ống bố trí sẵn các T chờ để đấu nối với các nhà máy.
- Hệ thống cấp điện: Từ trạm biến áp 110/350/10KV công suất 2 25 MVA, xây
dựng trạm cắt 22 KV đầu nguồn, phân phối lên mạng đường dây 22 KV trong KCN để dẫn điện đến chân hàng rào các nhà máy.
- Hệ thống thông tin liên lạc. Một tổng đài dung lượng khoảng 4000 số, sử dụng mạng cáp bố trí dọc các trục đường để tất cả các nhà máy có thể đấu nối một cách thuận lợi nhất. Ngoài ra, ở đây nằm trong vùng phủ sóng đảm bảo nhu cầu thông tin di động, dịch vụ internet...
Đến tháng 6 năm 2006, KCN Bắc Vinh đã hoàn thiện đường vào KCN nối với quốc lộ 1A, xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện và hệ thống thông tin liên lạc cho KCN, cơ bản hoàn thành công trình hàng rào KCN với tổng chi phí đầu tư 19 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 35 tỷ đồng, đạt khoảng 45% tổng vốn đầu tư được phê duyệt. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ cho chủ đầu tư LILAMA để xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Bắc Vinh đạt 8,027 tỷ đồng.
Về tình hình thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh, tính đến tháng 6 năm 2006 đã có 14 dự án đầu tư vào KCN Bắc Vinh với diện tích thuê đất là 29,804 ha, đạt gần 50% tổng diện tích đất công nghiệp giai đoạn I; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 392,553 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc là nhà máy sản xuất cột điện và cấu kiện bê tông đúc sẵn và nhà máy chế biến thức ăn gia súc Sao Vàng với số vốn đầu tư là 2.480.000 USD. Có 13 dự án đã đi vào hoạt động, 1 dự án đang xây dựng nhà máy. Tính chung cho cả vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, vốn ngân sách hỗ trợ và vốn các doanh nghiệp KCN thì tổng vốn đầu tư vào KCN Bắc Vinh là 427,553 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp KCN Bắc Vinh có quy mô vốn đầu tư không lớn. Doanh nghiệp lớn nhất là máy gạch granite Trung Đô có vốn đầu tư 121 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nhỏ nhất là trạm chiết ga 2,666 tỷ đồng. Như vậy, KCN Bắc Vinh chưa thu hút được nhiều dự án của các công ty lớn hoặc của chính phủ mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.