Đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản rau quả

Một phần của tài liệu Luận văn: Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả của Tổng công ty Rau quả, Nông sản potx (Trang 63 - 64)

Nhữngnăm vừa qua, Tổng công tyđã đầu tư một phần không nhỏ cho sản xuất và bảo quản rau quả nhưng còn nhiều những cơ sở chế biến, bảo quản vẫn còn ở dạng thô sơ do vậy ảnh hưởng không tốt đến chất lượng các sản phẩm. Để cho các sản phẩm của Tổng công ty có chất lượng tốt và đồng bộ cần phải đầu tư hơn nữa khoa học công nghệ cho sản xuất chế biến và bảo quản rau quả.

Phát triển công nghiệp chế biến là cách thức nâng cao giá trị gia tăng của rau quả và thu hẹp tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô.Việc phát triển công nghiệp chế biến còn tạo nên thị trường nội địa to lớn và ổn định cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu bảo quản sau thu hoạch. Đây là khâu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm tổn thất, nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng.

Đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản cho phép Tổng công ty tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng vận chuyển đi xa. Như vậy, Tổng công ty có thể tăng được khối lượng sản phẩm tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, trong thời gian tới Tổng công ty cần tiếp tục đổi mới công nghệ, lắp đặt thêm các thiết bị sản xuất chế biến, cải tiến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để công tác chế biến, bảo quản phát huy hết tác dụng của nó trong việc giảm hư hao nguyên liệu, nâng cao năng suất, Tổng công ty phải hết sức quan tâm đến kế hoạch đầu tư thông qua các biện pháp sau:

- Thực hiện nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá các nhà máy, xí nghiệp chế biến rau quả hiện có, đồng thời xây dựng một số nhà máy mới có quy mô nhỏ và vừa với công nghệ, thiết bị hiện đại ở các vùng sản xuất nguyên liệu lớn phục vụ xuất khẩu. Bố trí các nhà máy ở trung tâm vùng nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm sự đồng bộ giữa nhà máy, vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

- Xây dựng nhà máy chế biến gắn với bảo quản và đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, các nhà máy này làm trung tâm phát triển công nghiệp chế biến rau quả-thực phẩm, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và tiết kiệm vốn đầu tư.

- Thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các chủ thể sản xuất nguyên liệu (người nông dân) và chủ thể chế biến nguyên liệu rau quả (các nhà máy chế biến của Tổng công ty). Hay nói cách khác, Tổng công ty cần nghiêm túc thực hiện Quyết định số 80/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 06 năm 2002 về tiêu thụ nông sản hàng hoá qua hợp đồng.

- Hiện đại hoá hệ thống vận chuyển, hệ thống bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất trung bình xuống 15%.

- Tận dụng tối đa công suất máy móc thiết bị, tăng cường công tác kiểm tra kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Đặc biệt chú ý đầu tư về bao bì sản phẩm, bảo đảm mẫu mã đẹp, bảo quản hàng hoá lâu và phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm. Xây dựng các nhà máy phụ trợ sản xuất bao bì, vỏ hộp với dây chuyền công nghệ hiện đại để hạn chế nhập khẩu với giá cao. Đồng thời, thực hiện công tác nhãn hiệu theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tóm lại, đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản rau quả phục vụ xuất khẩu là việc làm thiết thực để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao với giá thành hạ song Tổng công ty cũng cần đón đầu nhu cầu của thị trường. Tổng công ty nên chú ý vào đầu tư vào công nghệ bảo quản sản phẩm tươi và chế biến sản phẩm sạch, tiệt trùng để nâng cao giá trị các mặt hàng rau quả xuất khẩu trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Luận văn: Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả của Tổng công ty Rau quả, Nông sản potx (Trang 63 - 64)