II/ Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí và sử dụng vốn FDI trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
1. Giải pháp vĩ mô
1.3. Hoàn thiện cơ chế quản lí dự án đầu tư nước ngoà
1.3.1. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản và cơ chế chính sách về quản lí dự án FDI trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính trong việc thẩm định dự án, cấp giấy phép hoạt động theo hướng đơn giản hoá các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiến hành đăng kí kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hiện nay Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam vẫn là đơn vị chủ quản bên Việt Nam chủ yếu trong các dự án FDI vào lĩnh vực Bưu chính Viễn thông. Do vậy, Nhà nước có thể xem xét cải tiến mô hình Tổng công ty 91, cho phép Tổng công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế. Nhà nước chỉ nên giao một số chỉ tiêu cơ bản như lợi nhuận, nộp Ngân sách, thu trên vốn; còn những vấn đề như quyết định đầu tư, chính sách giá cước, các cơ chế về tiền lương, khuyến khích vật chất, thu hút nhân tài,...cho phép Tổng công ty được tự quyết định trên cơ sở đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh và tuân thủ các qui định của pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo phát huy tối đa nội lực của Tổng công ty, tận dụng tốt các lợi ích của hợp tác đầu tư cụ thể về các mặt: nhu cầu vốn đầu tư, yêu cầu về phát triển kinh doanh và hiệu quả kinh tế, yêu cầu về chuyển giao công nghệ kĩ thuật và quản lí,...Khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị có dự án đầu tư nước ngoài chủ động triển khai dự án theo tiêu chí Hiệu quả - Đúng luật.
1.3.2. Xây dựng cơ chế quản lí các hoạt động về Đầu tư, Kinh doanh, Chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc chuyển từ “xin phép và trình duyệt chi tiết” sang “trình duyệt tổng thể hàng năm và giám sát thực hiện”. Tuy nhiên, trong các trường hợp cần thiết, quyền chỉ đạo và phủ quyết vẫn thuộc về Bộ Bưu chính Viễn thông. Theo đó các đơn vị có dự án đầu tư nước ngoài cần thực hiện: - Hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng và trình lên Bộ các kế hoạch về đầu tư, chuyển giao công nghệ (gồm cả đào tạo, hỗ trợ quản lí,...), phát triển dịch vụ, thị trường và kinh doanh,... trình ban lãnh đạo chuyên trách phê duyệt.
- Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phối hợp với đối tác triển khai cụ thể theo tiến độ đăng kí. Với mỗi một dự án thực hiện, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ tài liệu, báo cáo lên Bộ Bưu chính Viễn thông.
1.3.3. Tăng cường công tác quản lí dự án FDI.
Khả năng quản lí là yếu tố cơ bản trong hợp tác đầu tư trực tiếp, nếu không có nó thì việc tiếp thu công nghệ chỉ mang tính hình thức. Trên thực tế, tất cả các nước đang phát triển dều thiếu cán bộ kĩ thuật và quản lí có trình độ chuyên môn cao. Điều đó ảnh hưởng tới việc tiếp nhận công nghệ của nước tiếp nhận đầu tư. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chính là nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó công tác quản lí sau cấp giấy phép chiếm vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi một dự án có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành đều chứa đựng những ý đồ riêng. Vì vậy, công tác quản lí nói chung và quản lí tài chính nói riêng phải được tổ chức chặt chẽ theo dự án từ khâu xây dựng, triển khai và đánh giá kết quả hoạt động qua các năm. Qua đó phát hiện, kịp thời điều chỉnh những mặt không hợp lí có ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư; mặt khác, nó còn là những thông tin hết sức quan trọng và quí báu cho việc chỉ đạo các dự án khác cũng như khi xây dựng các dự án mới.
Tăng cường công tác quản lí phải tính đến cả hiệu quả trực tiếp và hiệu quả gían tiếp của dự án, cũng như khả năng làm chủ về kĩ thuật và thương mại của phía Việt Nam.
1.3.4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Hiện nay trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông Việt Nam mới chỉ có hệ thống bước đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chưa có hệ thống điều phối hợp lí giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện để nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư. Như vậy nếu phấn đấu thu hút được một lượng vốn đầu tư nhất định đã coi là thành tích thì chưa đủ, mà chúng ta cần phải tính toán, xem xét thử sau này nó có trở thành sức mạnh hay là gánh nặng cho nền kinh tế.
Các doanh nghiệp có vốn FDI tuy hoạt động trong khuôn khổ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, song do đặc thù trong tổ chức xây dựng dự án, sản xuất kinh doanh mà lại càng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó phải kể đến trước tiên là kiểm tra giám sát việc thực hiện các Hợp đồng hợp tác kinh doanh và các Hợp đồng Liên doanh một cách toàn diện. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức thực hiện quản lí hợp lí sau cấp phép, nâng cao vai trò của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Tiến hành giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giúp các doanh nghiệp triển khai dự án thuận lợi.
Môi trường pháp lí của Việt Nam hiện nay chưa đồng bộ và hoàn thiện. Doanh nghiệp có vốn FDI có ít nhất hai chủ nhân ở hai quốc gia khác nhau và cũng có những mục tiêu khác mhau trong qua trình hợp tác. Do đó, Nhà nước, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng các ban ngành có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lí hoạt động của dự án; tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm giữ vững kỉ cương, ổn định môi trường kinh doanh ở Việt Nam, loại trừ những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền, gây tác động xấu đến hiệu quả đầu tư, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ban hành những qui định hướng dẫn rõ ràng, minh bạch về cơ chế giám sát, điều hành quản lí hoạt động đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát sẽ có tác dụng ngưn chặn các tư tưởng làm ăn không hợp pháp của các đối tác nước ngoài có thể gây thiệt hại và thất thu cho Ngân sách Nhà nước.