Khái quát về tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh docx (Trang 34 - 36)

Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ nằm giữa vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên hơn 6.000 Km2. Đất đai phần lớn là đồi núi (chiếm hơn 3/4 tổng diện tích) và có độ nghiêng lớn từ Tây sang Đông nên tạo hóa cho nhiều sông suối, chia cắt các tuyến giao thông và các dải đất từ Bắc xuống Nam. Đây cũng là tỉnh có biên giới với nước bạn Lào dài 159 km về phía Tây và tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 137 km về phía Đông. Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Nhìn chung, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn.

Tỉnh mới tái lập từ năm 1991. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố tỉnh lỵ với dân số 1.290 ngàn người (2005), mật độ bình quân 120 người/ km2 phân bố không đều giữa các vùng lãnh thổ. Vùng miền núi trên dưới 70 người/ km2, trong khi các xã ven biển cửa lạch như Xuân Hội, Thạch Kim xấp xỉ 10.000 người/ km2. Dân số nông thôn chiếm tỷ lệ hơn 85% tổng dân số và hơn 43% tổng giá trị sản lượng (toàn quốc 21%). Tỷ lệ hộ đói nghèo

còn cao, chiếm 38% tổng số hộ toàn tỉnh.

Nhìn chung, từ điều kiện tự nhiên và xã hội cho thấy, tỉnh có vị trí địa lý khá thuận lợi, có tiềm năng trở thành đầu mối giao thông và thương mại trong nước, với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc của Thái Lan. Hà Tĩnh có điều kiện trở thành cầu nối hai miền Nam Bắc và điểm đầu mối giao thông quan trọng trên trục hành lang Đông, Tây, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua: đó là quốc lộ IA, đường sắt, đường Hồ Chí Minh, đường biển (trục giao thông Bắc Nam); quốc lộ 8A qua các huyện phía bắc của tỉnh, quốc lộ 12 phía nam (trục hành lang Đông Tây). Có cảng nước sâu Vũng áng tiếp nối đường 12 và đã được thành lập Khu kinh tế Vũng áng. Một số loại khoáng sản đã được điều tra và kết luận (như sắt Thạch Khê) có ý nghĩa kinh tế để khai thác. Nếu được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo cơ hội cho Hà Tĩnh phát triển công nghiệp trong các năm tới.

Hà Tĩnh có nhiều danh lam thắng cảnh, có 2 khu bảo tồn thiên nhiên tầm cỡ quốc gia là Kẽ Gỗ và Vũ Quang tạo điều kiện cho tỉnh phát triển du lịch.

Nguồn nhân lực dồi dào có trí lực trong tỉnh và phần lớn sống ở ngoại tỉnh, nếu huy động tốt sẽ là một nguồn lực đáng kể trong phát triển đi lên kể cả chất xám và vốn liếng.

Tuy nhiên, tỉnh cũng có không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn diện tích của tỉnh có địa hình dốc, đất bạc màu, giữ nước kém. Thời tiết khắc nghiệt diễn biến phức tạp và thường gây ra các thiên tai khó lường như hạn hán, bão, lũ quét đe dọa cuộc sống nhân dân nhiều vùng.

Các vấn đề về môi trường, tài nguyên rừng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, cải cách hành chính chậm, chưa theo kịp yêu cầu quản lý kinh tế xã hội.

Tốc độ tăng dân số khá cao, giai đoạn 1975-1985 (2,5%) đang gây sức ép lớn về dân số, việc làm và xã hội hiện tại. Tình trạng đất chật người đông, tài nguyên khan hiếm và khó khai thác đang là khó khăn bao trùm nhất. Thu nhập bình quân đầu người thấp, mặt khác mặt bằng trình độ dân trí chưa cao trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, đói nghèo lại cao hơn so với toàn quốc. Việc phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương trợ giúp, điều kiện để đón đầu sự phát triển và du nhập nghề mới trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại còn nhiều hạn chế.

Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực. Đời sống người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo đã được cải thiện hơn trước. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 28,8% năm 2000

xuống còn 10,5% năm 2005 (cả nước là 7% theo chuẩn cũ). Tuy vậy, theo mức chuẩn nghèo mới mà Bộ Lao động TB&XH công bố và áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 thì tỷ lệ nghèo đói của Hà Tĩnh còn cao: 38,62% (Bắc Trung bộ là 29,4%).

Công tác tạo việc làm có những kết quả bước đầu quan trọng. Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 14 ngàn người. Tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở thành thị giảm từ 5,16% năm 2000 đến nay chỉ còn 3,5%. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 77,49% năm 2000 đến nay lên 81%.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh docx (Trang 34 - 36)