Đời sống kinh tế của nhân dân nói chung, cán bộ công chức nói riêng, đã được nâng cao lên nhiều so với thời kỳ bao cấp. Nhưng tiền lương của công chức hiện nay cũng chưa tương xứng với nhiệm vụ của họ phải đảm nhận. Tình trạng đó đã ảnh hưởng xấu đến tính chuyên nghiệp và sự tận tâm của công chức. Nhà nước ta thấy rõ điều này, muốn cải cách cơ bản chế độ tiền lương, nâng cao đời sống người hưởng lương, nhưng gặp khó khăn rất lớn vì ngân sách còn eo hẹp. Tác giả cũng nhận thức được khó khăn đó nhưng cho rằng để vượt qua thách thức về tiền lương thì cần tháo gỡ vướng mắc về quan điểm phát triển.
Chính phủ và nhân dân ta đều thống nhất rằng để vượt qua đói nghèo thì phải hết sức tiết kiệm chi tiêu, dành tiền để đầu tư phát triển đất nước. Thế nhưng trên thực tế một tỷ lệ đáng kể vốn đầu tư phát triển từ NSNN lại bị thất thoát do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tham nhũng. Vậy nếu đấu tranh có kết quả để hạn chế tham nhũng thì với chi phí ít hơn vẫn có thể đạt được kết quả phát triển tương đương. Nhưng chống tham nhũng thì cũng cần chi phí, trong đó có chi phí để nâng lương công chức. Trong trường hợp chi phí chống tham nhũng dù có ngang bằng với chi phí đầu tư tiết kiệm được thì vẫn đem lại hiệu quả lớn vì môi trường đạo đức công vụ được cải thiện, lòng tin của người dân vào sự trong sạch của bộ máy công vụ được củng cố, tình hình xã hội ổn định hơn.
Vấn đề đặt ra là dù công chức được nâng lương thỏa đáng rồi nhưng liệu có giảm được tham nhũng hay không? Hiển nhiên chống tham nhũng là cuộc đấu tranh toàn diện, cải cách chế độ tiền lương công chức cũng chỉ là một trong giải pháp, nhưng đó lại là giải pháp tạo điều kiện cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác trong chiến lược chống thất thoát xây dựng.