Quy hoạch là khâu hết sức quan trọng trong quy trình kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, công tác quy hoạch phát triển KT-XH ngày càng được chú trọng. Đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23-9-1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch, công tác quy hoạch được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các ngành và các địa
phương trong cả nước, góp phần quan trọng vào việc bố trí tổng thể nền kinh tế quốc dân nói chung và các ngành sản xuất nói riêng theo lãnh thổ. Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, như:
- Quy chế quản lý ĐT&XD hiện nay chưa ràng buộc trách nhiệm cá nhân lãnh đạo của các ngành, các cấp trong công tác quy hoạch. Bố trí ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch chưa thỏa đáng, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn chưa công khai thường xuyên tại cơ quan chính quyền các cấp và nơi công cộng trong vùng quy hoạch để nhân dân thực hiện và kiểm tra việc thực hiện.
- Tư tưởng cục bộ, cá nhân của một số lãnh đạo ngành, địa phương đang diễn ra phổ biến, thiếu sự phối hợp trong công tác lập quy hoạch
- Tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt, như: thị trấn, thị tứ, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chưa triệt để. Cho nên xây dựng còn tình trạng không theo quy hoạch, chưa đồng bộ, thiếu mỹ quan.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quy hoạch, nhằm hạn chế thất thoát vốn trong đầu tư XDCB, chúng tôi xin đề nghị:
- Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, các Bộ, ngành và địa phương phải chú trọng, quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch. Tuy nhiên, ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà các dự án đầu tư xây dựng lại không có quy hoạch hoặc quy hoạch không cụ thể. Ưu tiên bố trí hợp lý, thỏa đáng cho công tác quy hoạch. Có như vậy thì công trình xây dựng xong, không phải phá đi để di chuyển địa điểm như thời gian vừa rồi. Những người đứng đầu địa phương và ngành phải tuân thủ quy hoạch đã được duyệt. Nếu xây dựng, không theo quy hoạch đã được duyệt thì kiên quyết không bố trí kế hoạch vốn đầu tư và người quyết định sai phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất, đồng thời xử lý thỏa đáng về chức trách mà người đó đảm nhận.
- Trong những năm tiếp theo gấp rút tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển KT- XH gắn với chuyển dịch cơ cấu đầu tư, theo hướng quy hoạch phải thống nhất cho cả nước, phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các yếu tố phát triển cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Quy hoạch phải đi đôi với quản lý và kỷ luật thực hiện quy hoạch.
- Đổi mới phương pháp luận làm quy hoạch, tổ chức đào tạo lại các chuyên gia quy hoạch, ít nhất là chủ nhiệm dự án quy hoạch; thực hiện soạn thảo và thẩm định quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội; tập trung và cập nhật toàn bộ dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ đầu tư xây dựng đến vận hành rồi giao cho ngành kế hoạch và cấp dữ liệu cho việc soạn thảo quy hoạch cũng như lập dự án.