Quy hoạch là sự sắp xếp, bố trí hợp lý, cân đối giữa các yếu tố của lực lượng sản xuất xã hội, phân công lại lao động xã hội hợp lý trên các vùng lãnh thổ đất nước. Do vậy, quy hoạch phải đi trước một bước.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được chú ý đến quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế. Nhưng thực tế công tác quy hoạch còn tồn tại, đó là:
- Quy hoạch chưa thực sự đi trước một bước để làm căn cứ xác định địa điểm xây dựng cho dự án đầu tư XDCB.
- Quy hoạch còn thiếu đồng bộ giữa các loại quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng lãnh thổ với quy hoạch phát triển ngành, giữa các quy hoạch lãnh thổ với nhau và các quy hoạch ngành với nhau, giữa quy hoạch phát triển KT-XH với quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chi tiết khác, như: Nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh), nhà máy đường (Quảng Bình) và nhà máy đường (Thừa Thiên - Huế) xây dựng xong không có nguyên liệu để hoạt động phải chuyển đi tỉnh khác gây lãng phí.
- Quá trình đầu tư nhiều dự án xây dựng khi chưa có quy hoạch, hoặc quy hoạch với chất lượng thấp như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thời gian đầu quy hoạch bố trí ở khu vực Vũng Tàu, sau Chính phủ quyết định xây dựng ở Dung Quất Quảng Ngãi; các công sở, công trình văn hóa, xã hội (ở địa phương) thường không có quy hoạch tổng thể, mà dự án được xây dựng theo ý tưởng của người đứng đầu.
- Chất lượng công tác quy hoạch còn thấp, thiếu phối hợp giữa các ngành, như làm đường giao thông thiếu kết hợp với hệ thống lưới điện, cấp nước, thoát nước… cho nên công việc chồng chéo, phá đi làm lại gây lãng phí thất thoát hàng trăm tỷ đồng NSNN, song chậm được khắc phục.