Thị trường xây dựng là một bộ phận của hệ thống trị trường đang hình thành của nước ta. Đặc điểm của thị trường này là các giao dịch đặt hàng sản phẩm đơn chiếc (công trình xây dựng) theo mẫu mã (đồ án thiết kế) quy định. Sản phẩm này cố định trên đất, có giá trị lớn, sản xuất ở ngoài trời và trong thời gian khá dài, sau khi hoàn thành lại có nhiều bộ phận ngầm dưới đất hoặc bị che khuất nên rất khó kiểm tra chất lượng và số lượng. Quá trình giao dịch giữa hai bên đặt hàng và các bên nhận thầu diễn ra từ lúc khởi công cho đến lúc xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng và chỉ thực sự chấm dứt khi kết thúc thời gian bảo hành.
Có rất nhiều chủ thể tham gia vào thị trường xây dựng, như chủ đầu tư, kỹ sư tư vấn, nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung ứng, người cung cấp dịch vụ trung gian (chuyên gia giá, chuyên viên quản lý dự án, chuyên viên giám sát, chuyên viên pháp lý).
Muốn quản lý tốt trị trường xây dựng thì không chỉ cần hiểu biết thị trường xây dựng, mà còn phải hiểu rõ đặc điểm cơ chế vận hành của thị trường này, bao gồm cơ chế giá, cơ chế cung cầu và cơ chế cạnh tranh. Thị trường xây dựng được vận hành thông suốt thì phải nhanh chóng thiết lập thể chế đồng bộ và hoàn thiện thể chế thị trường.
Tuy vậy, việc hoàn thiện thể chế thị trường là công việc lâu dài, mà thực ra cũng chẳng bao giờ chấm dứt vì nền kinh tế nước ta cũng như kinh tế thế giới luôn luôn vượt qua các thách thức mới để tiến về phía trước. Trong giai đoạn trước mắt, việc cần làm là bổ sung thể chế để ngăn chặn thất thoát xây dựng do quan liêu, lãng phí và tham nhũng, để nâng cao chất lượng công trình xây dựng và để bảo đảm an toàn lao động trong điều kiện thị trường. Đó là thể chế điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trên thị trường (thông qua việc cung cấp thông tin, tổ chức đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế), quy phạm hóa năng lực hoạt động tối thiểu cần phải có của các chủ thể đó, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, quy chế hóa rành mạch việc phân công, phân cấp trách nhiệm và quyền hạn quyết định đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Tiếp đó là bổ sung các thể chế thiệt
hại do các rủi ro thị trường thông qua thiết lập hệ thống bảo đảm xã hội và xây dựng đồng bộ hệ thống giám sát nhà nước và giám sát xã hội đối với hoạt động của thị trường.
Muốn hoàn thiện thể chế thị trường, cần thường xuyên tổng kết thực tiễn, tập trung toàn bộ dữ liệu của thị trường vào một đầu mối để phân tích đánh giá và nghiên cứu.