Hiện nay, Hưng Yên đang trong quá trình đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng so với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là một tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội, nên việc đầu tư ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là rất cần thiết. Vì vậy, trong giai đoạn 2006 - 2010, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách sẽ chiếm một tỷ trọng lớn hơn so với giai đoạn trước và ước tính lên đến khoảng 23% tổng vốn đầu tư của tỉnh, bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến vốn ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 8,5% nhu cầu đầu tư của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, vốn ngân sách địa phương đầu tư khoảng 14,5% nhu cầu đầu tư giai đoạn 2006 - 2010, trong đó nguồn vốn lấy từ quỹ đất khoảng 12,5% nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước chiếm 20% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, trong đó vốn ngân sách trung ương là 8,5%, vốn từ quỹ đất 9%, vốn ngân sách địa phương 2,5%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước chiếm 18% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, trong đó vốn ngân sách trung ương là 8,5%, vốn từ quỹ đất 7%, vốn ngân sách địa phương 2,5% [38, tr. 142].
Muốn đạt được mục tiêu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nêu trên, Hưng Yên phải khai thác triệt để các nguồn thu phát sinh trên địa bàn tỉnh cho ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế cho thấy thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong những năm qua là không cao, còn thấp hơn nhiều so với mức thu bình quân chung của cả nước. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cũng còn thấp. Tuy nhiên, các nguồn lực và lợi thế của Hưng Yên hiện nay được khai thác chưa nhiều. Để tăng tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách nhà nước cần phải có một cơ chế thu hợp lý. Bên cạnh đó phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng GDP sẽ tạo ra quy mô huy động vào ngân sách nhà nước lớn hơn, từ đó tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung và đầu tư phát triển công nghiệp nói riêng. Để thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, cần chú ý những giải pháp cơ bản sau:
Một là, khai thác triệt để các nguồn thu nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu của ngân sách nhà nước chủ yếu từ thuế và các loại phí, lệ phí. Bởi vậy, cần phải thực hiện các biện pháp nhằm huy động vào ngân sách nhà nước qua thuế, phí và lệ phí có hiệu quả. Hiện nay, tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí vào ngân sách nhà nước của Hưng Yên còn rất thấp. Do đó khai thác triệt để các nguồn thu là biện pháp quan trọng nhất để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Việc tăng thu phải được dựa trên cơ sở bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu có hiệu quả, khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư và tái đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu hơn. Đảm bảo việc thu thuế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đóng góp của các đối tượng nộp, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư. Để tăng cường công tác quản lý thu cần thực hiện tốt những biện pháp cụ thể sau:
- Cơ quan thuế cần tổ chức tốt công tác kê khai đăng ký thuế đối với tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, đảm bảo đưa hết các hoạt động kinh doanh vào diện quản lý thu thuế. Tăng cường chống thất thu thông qua các biện pháp kiểm tra nắm chắc nguồn thu, các đối tượng nộp thuế và các căn cứ tính thuế. Nắm chắc tình hình biến động trong kinh doanh như số cơ sở tạm nghỉ kinh doanh, số cơ sở mới ra kinh doanh... kiên quyết đưa các cơ sở mới ra kinh doanh vào diện quản lý thu thuế, không để cho hiện tượng kinh doanh trốn thuế xảy ra.
- Kịp thời điều chỉnh mức động viên qua thuế sát với hình thức sản xuất kinh doanh của đối tượng nộp thuế khoán, chuyển những hộ có doanh thu lớn sang áp dụng chế độ nộp thuế theo kê khai. Tăng cường kiểm tra việc ghi chép sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn của các cơ sở kinh doanh.
- Đảm bảo Nhà nước thống nhất quản lý và thu các loại phí và lệ phí. Nguồn thu từ phí, lệ phí phải được tập trung đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Xóa bỏ tình trạng các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước tự đặt ra các loại phí, lệ phí để tạo nguồn thu riêng cho cấp mình. Kiểm tra và rà soát các loại phí và lệ phí theo đúng quy định về Pháp lệnh phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
- Đổi mới công tác quản lý thu thuế, chuyển mạnh sang cơ chế đối tượng nộp thuế tự kê khai và nộp thuế trực tiếp tại kho bạc nhà nước, cơ quan thuế chỉ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, tính thuế và đôn đốc là chủ yếu. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng như: quản lý thị trường, chính quyền địa phương, công an trong quản lý chống thất thu thuế. Kiên quyết chống các trường hợp buôn lậu, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chống thất thu thuế, tích cực đôn đốc thu nộp, chống dây dưa nợ đọng tiền thuế, nhằm thu đúng, thu đủ và thu kịp thời mọi khoản thu phát sinh vào ngân sách nhà nước. Chống xâm tiêu tiền thuế, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ thuế vi phạm kỷ luật thu nộp thuế.
- Đẩy mạnh công tác thi đua tuyên truyền luật thuế. Làm tốt công tác tư vấn thuế cho các đối tượng kinh doanh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện pháp luật thuế của Nhà nước.
- Củng cố, kiện toàn hệ thống thuế từ tỉnh đến xã, phường. Nâng cao phẩm chất, đạo đức cán bộ thuế, quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ công chức ngành thuế để có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng.
Hai là, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tiết kiệm trong chi tiêu, nhất là chi ngân sách nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Triệt để tiết kiệm trong chi ngân sách sẽ giúp cho Nhà nước có thể giải quyết được nhiều nhu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao được hiệu quả chi ngân sách nhà nước có ý nghĩa của việc tăng thu ngân sách nhà nước càng được khẳng định. Các Mác đã từng cho rằng: bộ máy nhà nước cồng kềnh cùng với chế độ thuế khóa nặng nề là hai khái niệm đồng nghĩa. Quan điểm đó đã nêu bật ý nghĩa của việc tăng thu và tiết kiệm chi. Bởi vậy ngoài những biện pháp nâng cao nguồn thu cho ngân sách nhà nước, việc triệt để tiết kiệm trong chi tiêu của ngân sách nhà nước sẽ tạo điều kiện để có thể tăng tỷ trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mọi cấp. mọi ngành, ở mọi lĩnh vực, trong
cả sản xuất và tiêu dùng. Để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước cần áp dụng các biện pháp sau:
- Kiên quyết thực hiện chi tiêu theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, hạn chế các khoản chi ngoài kế hoạch và không đúng chế độ, các khoản chi mang tính chất phô trương, hình thức. Thực hiện nghiêm túc các chế độ quy định của Nhà nước về hội nghị, tiếp khách, giao dịch, công tác phí, xây dựng, sửa chữa trụ sở, mua sắm phương tiện làm việc. áp dụng hình thức khoán chi hành chính sự nghiệp cho tất cả các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh.
- Rà soát lại các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đối với các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm.
- Thực hiện tốt chế độ đấu thầu trong việc mua sắm tài sản, vật tư có giá trị lớn, sửa chữa và xây dựng mới các công trình xây dựng cơ bản phải có dự toán, thiết kế được duyệt, khi hoàn thành phải tiến hành tổ chức nghiệm thu chặt chẽ và đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích.
- Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và những công trình lớn có tính chất then chốt. Kiên quyết không cấp phát cho các công trình không đủ thủ tục, thực hiện không đầy đủ các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, cần đầu tư tập trung dứt điểm cho những công trình quan trọng để sớm hình thành đưa vào sử dụng.
- Tổ chức tốt việc cải cách thủ tục hành chính, gắn liền với việc tinh giản biên chế, giảm đầu mối cơ quan quản lý trung gian. Nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức. Tăng cường hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước để giảm chi tiêu ngân sách nhà nước.
- Thực hiện công tác xã hội hóa trong một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm động viên sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để giảm bớt gánh nặng chi tiêu của ngân sách nhà nước. Giảm dần sự bao cấp cho một số lĩnh vực, để chuyển sang chính sách tài trợ một cách hợp lý.
Ba là, bố trí cơ cấu chi ngân sách nhà nước hợp lý, đảm bảo tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải cao hơn tốc độ tăng chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, tốc độ tăng chi sự nghiệp kinh tế - xã hội phải lớn hơn tốc độ tăng chi quản lý nhà nước và chi khác.
Bốn là, phát huy tiềm năng vốn có từ các nguồn tài nguyên quốc gia và tài sản công còn đang bị bỏ phí.
- Phải có quy hoạch trong khai thác, biết cách tổ chức khai thác, sử dụng để đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần mở rộng việc đấu thầu khai thác các nguồn tài nguyên quốc gia với sự tham gia bình đẳng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài.
- Kiểm tra lại toàn bộ quỹ đất, rà soát chế độ sử dụng đất, thu hồi đất sử dụng sai chế độ, lập quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền một lần những khu đất mới và những khu đất đang có công trình xây dựng...theo phương thức đấu giá công khai. Xin phép Chính phủ thu thuế "giá trị vô hình tăng thêm" của những khu đất, nhà lân cận những cơ sở hạ tầng mà Nhà nước vừa mới xây dựng.
- Khai thác cao nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn từ tài sản công do các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý.
Năm là, phát hành trái phiếu địa phương (tỉnh, thành phố) để tạo nguồn vốn đầu tư
phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cần xin phép Chính phủ, Bộ Tài chính mở rộng thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương được phát hành trái phiếu công trình địa phương với các điều kiện:
- Địa phương tự chịu trách nhiệm trả nợ cho khoản vay này.
- Việc phát hành phải có dự án rõ ràng và được Bộ Tài chính chấp thuận.