Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên hiện nay pot (Trang 34 - 38)

Quốc

Trong số các hình thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thì hầu hết các nước đều muốn nhận FDI hơn. Bởi lẽ, khác với các khoản vay của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế, FDI không kèm theo những điều kiện chính trị mà mang lại những kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiện đại và khả năng tạo ra nhiều việc làm. Chính vì vậy, FDI được coi là chiếc chìa khóa vàng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Tính từ năm 1979 đến hết tháng 11/1997, Trung Quốc đã thành lập được 302.400 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài là 593,42 tỷ đô la Mỹ. Trong đó vốn thực tế được sử dụng là 216,6 tỷ đô la Mỹ, tỷ lệ vốn được sử dụng là 37,76%. Vào thời điểm cuối năm 1996, ở Trung Quốc đã có khoảng 140.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Khoảng 200 trong tổng số 500 tập đoàn kinh doanh lớn nhất thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc. Từ năm 1993 đến nay, Trung Quốc chỉ đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ xét về khối lượng thu hút FDI. Rõ ràng một khối lượng FDI lớn như vậy đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghiệp hóa ở Trung Quốc [23, tr. 53].

Các chính sách và biện pháp chủ yếu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc:

- Mở rộng địa bàn thu hút vốn và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi: là một quốc gia rộng lớn, mọi vùng đều thiếu vốn đầu tư, Trung Quốc không thể cùng một lúc mở cửa mọi miền. Các khu vực ven biển nói chung có nhiều thuận lợi hơn về giao thông, cơ sở hạ tầng...nên được chọn mở cửa trước, ở các khu vực này các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiều giàu có tiềm năng được chọn là nơi để Trung Quốc thành lập các đặc khu kinh tế. Từ các đặc khu này, theo phương châm "đi chậm mà chắc" vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Trung Quốc đã mở rộng thành tuyến mở cửa với 14 thành phố mở ven biển, sau đó mở cửa cả khu vực đồng bằng và châu thổ các con sông, tạo thành cục diện mở cửa "toàn phương vị" từ Nam đến Bắc, từ Đông sang Tây.

Đồng thời với quá trình mở rộng địa bàn thu hút vốn đầu tư, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Đó là dùng vốn vay kết hợp huy động các nguồn lực trong nước để xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng...Theo số liệu thống kê, một tỷ lệ lớn trong tổng số vốn 734,9 tỷ đô la Mỹ đầu tư tài sản cố định trong thời kỳ từ 1990 - 1995 ở Trung Quốc được đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn coi trọng việc hoàn thiện các môi trường pháp lý để tiếp nhận FDI [23, tr. 76].

- Các chính sách ưu đãi đầu tư: để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng

cường đầu tư vào Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế. Trong thời kỳ đầu mở cửa, các cơ sở mới thành lập với thời gian liên doanh hơn 10 năm được hưởng chế độ miễn thuế thu nhập trong một năm đầu làm ra lãi và được giảm 50% thuế thu nhập trong 2 năm tiếp theo. Về sau, thời gian miễn thuế và giảm thuế tăng lên là 2 năm miễn thuế và 3 năm giảm thuế. ở các đặc khu nhập khẩu vật tư được miễn thuế hải quan từ 5% đến 25%. Ngoài ra còn có nhiều ưu đãi khác áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn FDI, nhằm khuyến khích các hoạt động: tái đầu tư, kéo dài kỳ hạn kinh doanh hay những ưu đãi về khu vực đầu tư. Để khuyến khích phát triển các ngành nông nghiệp, thông tin, năng lượng hay phát triển sản xuất trong các khu vực miền Trung và miền Tây, Trung Quốc còn đưa ra nhiều chế độ ưu đãi mới, với những quy định cụ thể để đưa vốn FDI vào những ngành và những khu vực này.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư và chủ đầu tư:

+ Về hình thức đầu tư cho đến nay ở Trung Quốc vẫn có 3 hình thức chính, đó là: doanh nghiệp chung vốn kinh doanh, doanh nghiệp hợp tác kinh doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vì sợ tỷ lệ các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài quá lớn sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước hay chủ quyền lãnh thổ...nên đã hạn chế hình thức đầu tư này. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang tháo gỡ dần những hạn chế đối với hình thức đầu tư doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Bên cạnh các hình thức trên, Trung Quốc còn chủ động khuyến khích các loại hình đầu tư khác thông qua các luồng lưu thông vốn quốc tế như: gây các quỹ đầu tư, quỹ bảo

hiểm, các hình thức mua bán chứng khoán, lưu thông vốn có phần...những hình thức này gián tiếp làm tăng nguồn vốn đầu tư cho đất nước Trung Quốc.

+ Về chủ đầu tư: Từ lâu, Hoa Kiều ở Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao rất muốn đầu tư vào Trung Quốc, một thị trường với những tiềm năng khổng lồ về tài nguyên, về sức mua và nguồn lao động rẻ. Bên cạnh đó gần 30 triệu người Hoa ở khu vực Đông Nam á với tài kinh doanh có vốn lớn, lại nắm giữ những vị trí then chốt trong nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, thương mại, tài chính...cũng được Trung Quốc quan tâm khuyến khích đầu tư về xây dựng quê hương. Khi đầu tư vào Trung Quốc, Hoa Kiều và người Hoa có nhiều thuận lợi về văn hóa, ngôn ngữ, các quan hệ gia đình, dòng tộc...Chính vì những lý do này mà Trung Quốc liên tục đưa ra những quy định khuyến khích, mời gọi đầu tư của các chủ đầu tư có gốc gác quê hương ở Trung Hoa.

Nhờ nhiều biện pháp thích hợp và năng động, Trung Quốc đã thu hút được một khối lượng vốn đầu tư lớn từ Hoa Kiều và người Hoa. Theo thống kê chính thức, tính đến tháng 9/1995, Hồng Kông và Ma cao đã đầu tư vào Trung Quốc 74,12 tỷ đô la Mỹ. Trên thực tế, vốn từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan chiếm khoảng 70% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, Trung Quốc không những cần nhiều vốn mà quan trọng hơn là cần kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, các chủ đầu tư là các công ty xuyên quốc gia, đặc biệt là các công ty của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp...được khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc [23, tr. 88].

Qua nghiên cứu kinh nghiệm huy động vốn cho đầu tư phát triển của các nước có thể thấy rằng hầu hết các nước đều rất coi trọng nguồn vốn trong nước. Để thu hút được nguồn vốn đầu tư trong nước, các nước đã có những biện pháp tích cực để khuyến khích tiết kiệm: điều chỉnh lãi suất hợp lý, mở rộng mạng lưới huy động vốn để khai thác những khoản tiết kiệm nhỏ trong dân cư, các công cụ huy động vốn ngày càng phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Mặt khác, hầu hết các nước đều có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có như vậy mới thu hút được mọi nguồn vốn trong dân cư.

Đối với nguồn vốn từ nước ngoài, các nước đặc biệt quan tâm tới nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI. Để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu hết các nước đều thực hiện chính sách mở cửa rộng rãi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng chính sách thuế như một công cụ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên đây là một số vấn đề lý luận cơ bản có liên quan đến vốn đầu tư phát triển và một số kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp của một số tỉnh trong nước, cũng như của một số nước trên thế giới. Từ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn được rút ra trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, luận văn đi vào phân tích, đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp, vốn đầu tư phát triển công nghiệp và đề ra các giải pháp cho việc thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện nay.

Chương 2

thực trạng thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh hưng yên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên hiện nay pot (Trang 34 - 38)