Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước của các nước ASEAN cho phát triển công nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên hiện nay pot (Trang 30 - 34)

Những năm 50 và những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ XX, các nước ASEAN đều thực hiện chiến lược "phát triển thay thế nhập khẩu" nhằm giảm bớt sự phụ thuộc đối với hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Các nước này đã tìm cách hạn chế tối đa hàng thành phẩm công nghiệp nhập từ các nước công nghiệp phát triển, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp trong nước thay thế hàng nhập khẩu, mở rộng thị trường nội địa và tận dụng tối đa vốn đầu tư trong nước.

Các nước này đều chú ý đầu tư xây dựng thêm nhiều ngành và cơ sở công nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế còn thấp, vì trong điều kiện nền kinh tế "mở", hàng hóa trong nước không thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài. Kết quả là các nước này vẫn phải tiếp tục nhập khẩu các loại nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc, thiết bị từ bên ngoài và nền kinh tế của họ ngày càng lệ thuộc chặt chẽ hơn vào các nước công nghiệp phát triển.

Tình trạng đó đã hạn chế sự phát triển kinh tế, làm cho các nước này (trừ Singapore) không hòa nhập được với nền kinh tế thế giới. Đến giữa thập niên 60, kinh tế các nước ASEAN đã đi vào tình trạng bế tắc, lạm phát và giá cả tăng không kiểm soát được, nợ nước ngoài ngày càng nhiều. Thị trường trong nước không được mở rộng, nhiều doanh nghiệp trong nước bị phá sản do kinh doanh thua lỗ. Tất yếu đã kéo theo sự mất ổn định về chính trị và xã hội.

Từ năm 1969, các nước ASEAN đã tìm ra một chiến lược mới: "Phát triển theo hướng xuất khẩu". Sự thay đổi chiến lược này nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn và công nghiệp tiên tiến từ bên ngoài vào, việc khai thác mọi tiềm năng của mỗi nước, tập trung phát triển những ngành công nghiệp có thể xuất khẩu được, từng bước cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Vì vậy, các ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến hướng vào xuất khẩu có điều kiện phát triển nhanh, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế đối ngoại. Chiến lược này phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển cần nhiều vốn và công nghệ hiện đại, còn các nước phát triển lại có nhu cầu đầu tư và chuyển giao công nghệ đến các nước đang phát triển. Như vậy, mối quan hệ kinh tế giữa các nước được mở rộng trên nguyên tắc "hai bên cùng có lợi".

Để thực hiện chiến lược này, chính phủ các nước ASEAN đã rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh nền kinh tế, đã xây dựng và hoàn thiện một số hệ thống điều tiết gồm các luật, chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thu hút vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Nguồn vốn đầu tư trong nước ở các nước này là khá cao, chủ yếu do làm tốt việc khuyến khích tiết kiệm tiêu. Chẳng hạn, ở Thái Lan và Inđônêxia tỷ lệ tiết kiệm so với GDP là 22%, Malaixia là 28%, Singapore là 26%. Tỷ lệ tiết kiệm đạt được như vậy là do Chính phủ các nước đã có chính sách khuyến khích gửi tiền tiết kiệm, điều chỉnh lãi suất hợp lý. Nguyên tắc chung là lãi suất tiết kiệm dương, nghĩa là phải cao hơn mức lạm phát, có như vậy mới khuyến khích các tổ chức và cá nhân gửi tiền tiết kiệm cũng như sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Tất cả các nước đều khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cho rằng có như vậy mới sử dụng được mọi nguồn vốn trong dân cư. Bởi vậy, trong tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thì vốn của tư nhân thường chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ đó ở Singapore trong năm 1968 là 58,5%, năm 1971 là 74%, năm 1973 là 68,6%, năm 1975 là 92,6%, năm 1980 là 90,9% và năm 1988 là 82,9% [42, tr. 28]

Hình thức huy động vốn khác cũng khá phong phú và linh hoạt. Các hình thức cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán rất phát triển. Hoạt động của thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng vào việc huy động vốn, tạo điều kiện cho vốn di chuyển dễ dàng đến những khu vực kinh doanh có hiệu quả và bổ sung cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn của tư bản nước ngoài được coi là yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế các nước ASEAN. Nguồn vốn này bao gồm các khoản viện trợ, vốn vay để tự đầu tư và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Các nước ASEAN cho rằng đầu tư trực tiếp có lợi hơn nên đặc biệt khuyến khích hình thức này. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN tăng mạnh nhất là vào nửa cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ là nguồn bổ sung hết sức cần thiết, mà còn góp phần vào quá trình chuyển giao công nghệ, giúp cho các nhà kinh doanh trong nước có được những kinh nghiệm quý báu về tổ chức quản lý. Hình thức này cũng tạo khả năng tập trung vốn nhanh hơn và giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ.

Vì vậy các nước ASEAN đều có các chính sách mở cửa rộng rãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nội dung cơ bản của các chính sách đó là:

- Khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư bằng cách đề ra các chính sách ưu đãi bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho tư bản nước ngoài đầu tư và nhanh chóng phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Các nước ASEAN đều đã sớm ban hành luật đầu tư nước ngoài, trong đó bảo đảm không quốc hữu hóa, xác định rõ quyền sở hữu kinh doanh của nhà tư bản nước ngoài.

- Nhà nước bảo hiểm đối với tư bản nước ngoài không hạn chế đầu tư vào các ngành then chốt, miễn là đầu tư nhiều vốn dùng nhiều công nhân, có kỹ thuật hiện đại và quy trình công nghệ mới, dùng nguyên liệu trong nước.

- Các đối tượng kinh doanh đó còn được hưởng ưu đãi về tài chính như: miễn thuế, bảo đảm cung cấp nguồn lao động ổn định và rẻ, cho phép tự do hồi hương vốn và lợi nhuận. Riêng ở Singapore và Malaixia thì Nhà nước không hạn chế tỷ lệ cổ phần của nước ngoài trong các ngành sản xuất.

- Tạo không khí ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động của các công ty tư bản nước ngoài. Thực hiện chế độ nhập cảnh, thậm chí cả việc cư trú dễ dàng đối với các nhà tư bản công nghiệp và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài.

- Xây dựng trước các cơ sở hạ tầng có sẵn, hệ thống cung cấp điện, nước, nhà ở, bưu điện, kho hàng, giao thông thuận lợi, cho thuê với giá rẻ, nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, rút ngắn được vòng quay của vốn.

- Lập ra các khu vực mậu dịch tự do "khu công nghiệp chế biến xuất khẩu" hoặc "khu công nghiệp tự do" để thực hiện toàn bộ các biện pháp nói trên.

Việc thực hiện có hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước của các nước ASEAN đã góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên hiện nay pot (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)