Về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong giai đoạn 2001 - 2005 có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bước đầu chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp Hưng Yên đã có những bước phát triển khả quan. Một số kết quả chủ yếu đã đạt được:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt cao, bình quân 26,17%; trong đó công nghiệp chế biến đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất bình quân 26,2% và là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, đưa công nghiệp dần trở thành ngành có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của tỉnh, nhất là năm 2005 chiếm tỷ trọng 38%.
- Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng có sự chuyển dịch mạnh, ngành sản xuất phương tiện vận tải không còn là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thay vào đó là các ngành: sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị truyền thông
chiếm 23,7%, sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm 10,1%, sản xuất kim loại 13,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại 12,4%...
- Hình thành một số ngành sản xuất chủ lực như: điện tử, dệt may, cơ khí, luyện thép...với công nghệ tiên tiến. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt hơn, nhiều sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
- Công nghiệp Hưng Yên đã phát triển sâu rộng ở tất cả các thành phần kinh tế cũng như trên khắp vùng lãnh thổ, đặc biệt là thành phần kinh tế dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Huy động được vốn đầu tư và nhân lực xã hội của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, của đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghiệp với tốc độ cao.
- Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến mới, đang vươn lên để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, sẵn sàng đón nhận và thực hiện nhiệm vụ mới trong kỳ kế hoạch tiếp theo.
Tuy nhiên, để công nghiệp tiếp tục là ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển của các ngành nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thì vẫn còn một số tồn tại cần phải hoàn thiện:
- Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và nguồn nhân lực của tỉnh. Trình độ công nghệ của công nghiệp trên địa bàn, nhất là của công nghiệp địa phương còn thấp. Khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực của ngành công nghiệp còn chưa cao.
- Việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý doanh nghiệp, lao động trình độ cao và công nhân kỹ thuật lành nghề còn yếu và bị động. Số lao động làm chủ được kỹ thuật và công nghệ mới có rất ít tại các doanh nghiệp. Cơ cấu trình độ lao động trong toàn tỉnh phân bố không đồng đều trong các ngành và các thành phần kinh tế, lao động phần lớn chưa được đào tạo chính quy, thiếu cán bộ quản lý giỏi.
- Chất lượng tăng trưởng công nghiệp của tỉnh (xét trên một vài phương diện) chưa cao: tỷ trọng chi phí trung gian trong giá trị sản phẩm ngành công nghiệp tỉnh ngày
càng cao, từ 73,7% năm 2000 lên 77,9% năm 2005, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch chậm và không mang tính định hướng [38, tr. 62].
- Các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, ưu tiên phát triển công nghiệp chưa được ban hành kịp thời để tranh thủ vốn và chất xám ở trong và ngoài tỉnh vào phát triển công nghiệp. Dự án đầu tư công nghiệp đã đăng ký khá nhiều, nhưng dự án có quy mô lớn còn ít. Tiến độ đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh còn kéo dài, chậm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
- Mối quan hệ liên kết kinh tế giữa các ngành nông nghiệp - ngư nghiệp - công nghiệp - dịch vụ của tỉnh chưa chặt chẽ, chưa phát huy được thế mạnh nội lực của từng chuyên ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh.
- Phân bố công nghiệp tập trung chủ yếu khoảng 80% ở khu vực phía Bắc, trong các khu công nghiệp dọc đường 5. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện còn lại chậm phát triển. Các dự án công nghiệp chưa bố trí theo quy hoạch khu công nghiệp.
- Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thích ứng với cơ chế thị trường, khả năng tiếp cận với thương mại quốc tế còn bị hạn chế. Công tác chuẩn bị hội nhập chưa được thực hiện đúng mức, nhất là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
- Công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn có hạn chế. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước và Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp trên địa bàn chậm được thể chế hóa hoặc việc hướng dẫn triển khai thực hiện chưa kịp thời, đồng bộ.
Tóm lại, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Hưng Yên có tương đối đầy
đủ các điều kiện để xây dựng và phát triển một nền công nghiệp mạnh. Ngoài việc coi trọng kêu gọi thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, trong các năm tiếp theo Hưng Yên cần có các giải pháp thông thoáng, mạnh hơn nữa hoàn thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt cải cách hành chính, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện đầu tư (chủ yếu là các dự án vừa
và nhỏ) nhằm tạo cơ hội đạt tốc độ tăng trưởng cao, từng bước giảm dần mức chênh lệch kinh tế với các địa phương trong vùng.