So với nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc có điều kiện khá tốt về xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển với quy mô lớn, hiệu quả cao, hệ thống giao thông đa dạng và đồng bộ bao gồm đường sông, đường sắt, đường bộ, các dịch vụ điện, nước, bưu chính viễn thông đều rất đảm bảo. Ngoài ra các khu, cụm công nghiệp như Kim Hoa, Khai Quang, Quang Minh, Tiền Phong, Hương Canh, Xuân Hoà... với điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn và những chế độ ưu đãi hơn so với những chế độ chung đã và sẽ được hình thành và phát triển, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
* Giáo dục đào tạo.
Do tỉnh đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục đào tạo về cơ sở vật chất và điều kiện học tập nên ngành giáo dục của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể: Có quy mô giáo dục đào tạo ở các bậc học ổn định, riêng bậc tiểu học giảm 5%. Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn tăng đáng kể. Công tác xã hội hoá giáo dục được coi trọng. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 13 trong cả nước được công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS. Vĩnh Phúc có số học sinh phổ thông trên 1 vạn dân là 2.252 học sinh. Giáo dục đào tạo của tỉnh được đầu tư và phát triển, hơn 95% trường học được kiên cố hoá, năm 2004 tỉnh hoàn thành phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi, phấn đấu hoàn thành phổ cập phổ thông trung học vào năm 2010. Số học sinh THCS là 101.372 học sinh, số học sinh phổ thông trung học là 42.300 học sinh. Mạng lưới trường đào tạo nghề phát triển, công tác đào tạo nghề có nhiều tiến bộ. Cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực nghề nghiệp gồm 13 trường (7 trường trung học chuyên nghiệp và 6 trường dạy nghề). Theo số liệu Niên giám thống kê - Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc năm 2004 thì tổng số giáo viên các trường trung học chuyên nghiệp là 205 người, giáo viên các trường dạy nghề là 198 người. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 22,6% dân số. Có thể nói tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phát triển cho nên nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn.
* Hoạt động khoa học - công nghệ
Nhìn chung hoạt động khoa học - công nghệ của tỉnh có bước chuyển biến tốt, một số thành tựu KHCN được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và phát triển xã hội. Vĩnh Phúc đã chú trọng ứng dụng các đề tài khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, vào trồng trọt, chăn nuôi và đưa KHCN về nông thôn. Thực hiện đổi mới công nghệ trong sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp, xây dựng, đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề môi trường đô thị và các nhà máy. Tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc làm sạch môi trường, nạo vét sông hồ, trồng cây xanh ở những khu đông dân cư, dần dần cải thiện môi trường đô thị.
* Hệ thống giao thông
Trong những năm từ khi mới tái lập đến nay tỉnh luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông, coi đó là bước quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hệ thống giao thông của tỉnh đa dạng và tương đối phát triển, có hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, từ Hà Nội đi qua tỉnh đến Lào Cai. Tỉnh là điểm đầu của quốc lộ 18 đi cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và có đường quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh. Vĩnh Phúc nằm gần kề sân bay quốc tế Nội Bài, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đối ngoại. Bên cạnh đó hệ thống giao thông trong địa bàn tỉnh cũng được chú trọng phát triển. Đến nay đường ô tô đã vào được trung tâm 100% số xã và đến được phần lớn trung tâm các thôn xóm, đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hoá và đi lại của nhân dân. Hiệu quả và chất lượng các tuyến đường được nâng lên rõ rệt, một số tiến bộ khoa học kỹ thuật được phổ biến và áp dụng trong các lĩnh vực quản lý và xây dựng giao thông.
* Hệ thống điện, nước
Hiện nay mạng lưới đường điện đã đến 100% số xã và tất cả các thôn, xóm, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, 99% số hộ có điện sinh hoạt. Điện thương phẩm cung cấp cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt không ngừng tăng. Phụ tải công nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu điện tiêu thụ. Hệ thống điện chiếu sáng thị xã, thị trấn, thị tứ từng bước được cải thiện góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị.
Hệ thống cấp thoát nước đô thị và nước sạch nông thôn được quan tâm cải thiện, đầu tư nâng cấp để cung cấp nước sạch cho nhân dân, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế xã hội.
* Hệ thống y tế
Cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành y tế từ tỉnh xuống cơ sở được củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Hoạt động khám và chữa bệnh chuyển biến tốt, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo. Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số - gia đình chăm sóc trẻ em được triển khai thực hiện tốt: Ước cả năm 2004 số trẻ em được tiêm chủng mở rộng đạt 98%, tăng 3% so với năm 2003; số lượt người được khám và điều trị lao, phong, sốt rét, bướu cổ đạt 100% kế hoạch, độ phủ muối i ốt đạt 95% vượt kế hoạch đề ra. Công tác phòng chống dịch được tỉnh đặc biệt coi trọng. Hàng năm không có bệnh dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 28,6% năm 2002 xuống 27% năm 2004.
* Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến, việc thực hiện chính sách xã hội được quan tâm. Cuối năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,7%, giảm 1% so với năm 2003. Cả năm 2004 giải quyết việc làm cho khoảng 18,5 ngàn lao động, vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn 2,37%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt 81,13%. Mức giảm tỷ suất sinh đạt 0,045% đưa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,13%, giảm 0,04% so với năm 2003. Tỷ lệ sinh con thứ 3 còn khoảng 9,5%, giảm 1% so với năm 2003, dân số là 1.147.161 người.
* Văn hoá thông tin, thể dục thể thao
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và phát triển hệ thống phát thanh truyền hình, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền góp phần làm cho công tác văn hoá thông tin và các hoạt động xã hội có chuyển biến tích cực cả bề rộng và bề sâu, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân. Tỉnh từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc..., trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá.
Phong trào thể thao quần chúng của tỉnh ngày một phát triển. Tỉnh chú trọng xây dựng cơ sở vật chất cho ngành thể dục thể thao do vậy trong năm 2003 tỉnh vinh dự được là nơi diễn ra môn đá cầu của Sea Games 22 và đã tiến hành chu đáo, chất lượng, góp
phần vào thành công chung của Sea Games 22. Đây là một điều kiện rất tốt đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
* Hệ thống quản lý Nhà nước.
Kể từ khi mới tái lập đến nay Vĩnh Phúc luôn cố gắng tập trung đầu tư, từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho các cán bộ công chức Nhà nước nhằm đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các huyện mới được tái lập và một số cơ quan của tỉnh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.