- Khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả
3.2.2.4. Mở rộng và phát triển thị trường đối với hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam vào EU
Nam vào EU
Thị trường luôn là yếu tố sống còn, là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thị trường hàng dệt may ở EU sau thời điểm 1/1/2005 có tính cạnh tranh rất gay gắt, đặc biệt giữa các nước sản xuất hàng dệt may xuất khẩu ở những mặt hàng giá rẻ. Trong những tháng đầu năm 2005, tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam
vào thị trường EU gặp nhiều khó khăn do phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng dệt may các nước khác, báo động nguy cơ mất thị phần trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp không có các biện pháp kịp thời. Do vậy, việc giữ vững và phát triển thị phần hàng dệt may xuất khẩu tại các thị trường cũ và mở rộng thị trường mới tại EU là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu thị trường với các bước cụ thể: quan sát, phân tích và dự đoán về tình hình thị trường, dự đoán về tình hình chung như phát triển kinh tế xã hội ở các nước và khu vực có liên quan, dung lượng thị trường, tình hình tài chính tiền tệ, chính sách và tập quán buôn bán. Các doanh nghiệp phải tiến hành phân đoạn thị trường để xác định mặt hàng kinh doanh và thị trường xuất khẩu các mặt hàng trong từng giai đoạn nhất định.
Để phát triển và mở rộng thị trường cho hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần xác định các phương thức phù hợp để thâm nhập vào thị trường này. Có nhiều phương thức để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU như xuất khẩu qua trung gian, xuất khẩu trực tiếp, liên doanh, đầu tư trực tiếp. Việc lựa chọn phương thức nào hiệu quả nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm lực của doanh nghiệp, vị thế doanh nghiệp trên thị trường EU và đặc điểm từng thị trường quốc gia trong EU.
Xuất khẩu qua trung gian là phương thức mà phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng để đưa hàng dệt may vào thị trường EU trong những năm qua. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường dựa vào các đối tác trung gian chủ yếu từ các nước châu á để xuất khẩu hàng dệt may vào EU. Xuất khẩu qua trung gian gắn liền với hình thức gia công, do vậy hiệu quả thu được thấp và phụ thuộc nhiều vào đối tác trung gian. Để ngành dệt may nước ta phát triển bền vững thì nhất thiết phải giảm việc xuất khẩu qua trung gian. Tuy nhiên, việc giảm hình thức xuất khẩu qua trung gian đối với hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU không phải dễ thực hiện trong thời gian ngắn. Do vậy, khi chưa đủ điều kiện để thực hiện các hình thức xuất khẩu khác thì đây vẫn là hình thức xuất khẩu phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong một
vài năm tới, nhưng các doanh nghiệp này phải có chiến lược để tăng dần tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp, tránh việc quá lệ thuộc vào các đối tác trung gian khi xuất khẩu hàng dệt may vào EU.
Xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU hiện nay còn chiếm tỷ trọng thấp trong lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào EU, nhưng phải xác định đây là phương thức chính để thâm nhập thị trường EU giai đoạn từ 2010 trở đi. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tiếp cận trực tiếp các nhà nhập khẩu từ phía EU và có kế hoạch quảng bá sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần chú trọng việc đầu tư nghiên cứu thị trường để tìm hiểu các thông tin về dung lượng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, năng lực các đối thủ cạnh tranh… để từ đó có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Trong số các nước thành viên cũ của EU, cần tập trung vào việc nghiên cứu để đẩy mạnh việc xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may vào các thị trường lớn, nổi bật là thị trường Đức. Đức là thị trường lớn nhất EU, hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam đã có mặt từ những năm trước đây và đã thâm nhập được vào những hệ thống siêu thị lớn của Đức như Metro, Kaufhof… Vì thế, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam nên chọn Đức là thị trường chính để đẩy mạnh hình thức xuất khẩu trực tiếp, khi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Đức thì việc mở rộng ra các thị trường khác trong EU sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cần chú ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Đức sẽ phải tuân theo hai loại quy chuẩn của EU và Đức. So với luật chung của EU thì luật của thị trường Đức nghiêm ngặt hơn, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc làm tốt ba tiêu chuẩn: chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội khi đưa hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Đức.
Để đẩy mạnh hình thức xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may Việt Nam vào EU, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn có thể liên doanh để trở thành các công ty con của các công ty xuyên quốc gia EU. Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể thâm nhập trực tiếp vào các kênh phân phối chủ đạo trên thị trường EU vì các công ty xuyên quốc gia EU có vị trí rất quan trọng trong hệ thống các kênh phân phối
của EU. Tuy nhiên, cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện hình thức này với các hình thức tự doanh của doanh nghiệp, tránh để lệ thuộc quá lớn vào các công ty nước ngoài trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với thị trường các nước là thành viên mới của EU, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên hướng tới việc liên doanh liên kết để đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Đặc biệt chú ý đến việc phát huy thế mạnh của lực lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống tại các nước này. Cần có các biện pháp thu hút vốn, kinh nghiệm, sự hiểu biết thị trường của lực lượng này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Thành lập các liên doanh giữa các Công ty của người Việt Nam ở các nước này với các doanh nghiệp dệt may trong nước theo hình thức sử dụng nhà xưởng, nguyên liệu, lao động của phía Việt Nam và sử dụng pháp nhân, sự hiểu biết về thị trường, kênh phân phối của đối tác để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và bán hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có thương hiệu nổi tiếng, có tiềm lực tài chính mạnh nên hướng tới chiến lược đầu tư trực tiếp tại các nước thành viên mới của EU hoặc các nước là ứng cử viên của EU. Dĩ nhiên, đầu tư tại khu vực này sẽ có những khó khăn nhất định vì giá nhân công, mặt bằng… cao hơn so với Việt Nam, nhưng lại có lợi thế về mặt địa lý và quan trọng hơn, đó là việc nhanh chóng tiếp cận được công nghệ nguồn, mẫu mã, thời trang mới từ châu Âu và hàng hóa từ các nước này xuất khẩu vào các thị trường quốc gia khác của EU sẽ không chịu nhiều khoản chi phí lớn như xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam.