- Khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả
3.2.1.3. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thông tin về thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại trong xuất khẩu hàng dệt may vào EU
hoạt động xúc tiến thương mại trong xuất khẩu hàng dệt may vào EU
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU đã được đẩy mạnh trong hơn thập kỷ qua, tuy nhiên cho đến nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may nước ta vẫn có nhiều hạn chế trong việc tìm hiểu các thông tin về thị trường EU. Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan là do thời gian qua, việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU phần lớn là dưới hình thức gia công cho nước thứ ba, nên các doanh nghiệp Việt Nam ít có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với các nhà nhập khẩu EU. Để tăng dần tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may Việt Nam vào thị
trường EU, thì việc Nhà nước hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại là rất cần thiết.
Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong làm ăn với các đối tác nước ngoài. Do vậy, việc Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bằng việc giới thiệu, phổ biến hệ thống luật pháp quốc tế và đặc điểm từng thị trường là hết sức cần thiết, nhằm tránh cho các doanh nghiệp khỏi bị thua thiệt do không hiểu biết luật lệ, không nắm vững chính sách của EU, thiếu thông tin về thị trường. EU là một khu vực thị trường có hệ thống luật pháp rất chặt chẽ, bên cạnh đó từng thị trường quốc gia lại có những quy định riêng, vì thế muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này thì điều đầu tiên các doanh nghiệp cần nắm vững là hệ thống luật pháp của EU. Ngoài những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này có tầm quan trọng đặc biệt. Nhà nước cần tạo ra những kênh thông tin phù hợp, dưới nhiều hình thức như ấn phẩm, tổ chức hội thảo, các khuyến cáo đối với các doanh nghiệp trong quan hệ thương mại với các đối tác EU. Nhà nước tăng cường việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thông qua việc hình thành các sở giao dịch, các trung tâm lưu trữ, tổ chức các hội chợ triển lãm. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và có hỗ trợ nhất định về tài chính để các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam tham gia vào các hội chợ quốc tế hoặc kết hợp các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam với việc tìm kiếm bạn hàng từ phía EU đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Các Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng dệt may vào EU như Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có sự kết hợp chặt chẽ trong việc giới thiệu, phổ cập cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam các kiến thức cơ bản khi kinh doanh trên thị trường EU. Các thông tin về thị trường cần được thông báo cập nhật cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ điều chỉnh và có biện pháp ứng xử thích hợp đối với từng thị trường. Việt Nam cần có một trung tâm thông tin xúc tiến thương mại đủ mạnh để chuyên làm các nhiệm vụ kể trên. Việc thành lập tổ chức này sẽ cho phép mở rộng khả
năng phối hợp giữa các Bộ, các cơ quan, cũng như khả năng được cung cấp thông tin và khả năng tham gia vào thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp về công tác marketing đối với hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh việc tìm hiểu, cung cấp các thông tin về thị trường, giá cả, các đặc điểm kinh tế - văn hóa, xã hội cũng như bản sắc truyền thống dân tộc của các quốc gia trong khối thị trường EU, Nhà nước cần phải có những chính sách tiếp cận, khai thông và phát triển từng thị trường cụ thể. Bộ Thương mại cần có kế hoạch đào tạo gấp một đội ngũ cán bộ chuyên đàm phán trong quan hệ kinh tế đối ngoại với EU. Ngoài ngoại ngữ, đội ngũ cán bộ này phải hiểu thật sâu những quy định của WTO, những rào cản thương mại của EU, đặc biệt là có kỹ năng và kinh nghiệm đàm phán.
Để đáp ứng trực tiếp yêu cầu công tác quản lý kinh tế đối ngoại hiện nay ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước thành viên EU phải được kiện toàn lại về tổ chức và xác định rõ ràng hơn về chức năng nhiệm vụ, nhất là các cơ quan thương vụ. Nhà nước giành khoản kinh phí nhất định để phát huy vai trò của các đại diện thương vụ tại các nước EU trong việc kịp thời nắm bắt các thay đổi về giá cả, tỷ giá, qui định hải quan, những chính sách thương mại đầu tư của các nước nhập khẩu. Các cơ quan thương vụ cần thực hiện tốt hơn công tác tiếp thị bằng cách giới thiệu sản phẩm Việt Nam, tìm hiểu yêu cầu về mặt hàng của các nước trong khu vực EU; tìm hiểu xu hướng thời trang, cung cấp thông tin về mẫu mốt, như vậy các mẫu chào hàng sẽ phong phú và sát nhu cầu thị trường. Các tổ chức thương vụ có nhiệm vụ tìm hiểu và tiếp cận với hệ thống phân phối sản phẩm dệt may của các nước EU và giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nhà nhập khẩu trực tiếp. Các nguyên liệu, phụ liệu may Việt Nam đã tự sản xuất với chất lượng tốt như chỉ may, tấm bông hóa học làm lót áo lạnh, cúc, khóa cần được trưng bày tại phòng đại diện của ngành may Việt Nam và được thông tin, quảng cáo dưới nhiều hình thức để giới thiệu với khách hàng. Đây là những biện pháp quan trọng để giới thiệu cho các khách hàng EU biết về thương hiệu hàng dệt may Việt Nam.