CÔNG TY CỔ PHẦN XNK & XD VIỆT NAM VINACONEX
I. Định hướng của tổng công ty về chiến lược phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản kinh doanh bất động sản
1. Chiến lược chung
Sau khi cổ phần hóa, tổng công ty Vinaconex sẽ thực hiện chiến lược phát triển như sau:
•Về cơ cấu tổ chức: định hướng phát triển theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổng công ty sẽ xây dựng hệ thống quy chế hoạt động nội bộ về quản trị, tài chính… để phù hợp với mô hình mới. Đồng thời, tổng công ty sẽ sắp xếp lại hệ thống công ty con theo hướng gọn nhẹ, đạt hiệu quả cao. Các công ty con chuyên môn hoá sẽ dần được hình thành thông qua sáp nhập các công ty con có cùng lĩnh vực hoạt động, cùng thị trường, cùng sản phẩm.
•Về phát triển sản phẩm: định hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ cao. Tổng công ty xác định ngành xây lắp, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, đầu tư và kinh doanh bất động sản, kinh doanh xuất nhập khẩu và xuất khẩu lao động là các lĩnh vực then chốt và sẽ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp để tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, chuyển đổi cơ cấu các ngành theo hướng giảm dần tỷ trọng xây lắp.Vinaconex tập trung xây dựng một hệ thống các công ty tư vấn thiết kế, xây lắp và vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu phát triển của tổng công ty và các công ty con. Lĩnh vực đầu tư tài chính được tổng công ty xác định là lĩnh vực quan trọng và được tập trung triển khai ngay sau khi tổng công ty cổ phần ra đời theo hướng xây dựng một công ty tài chính để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và tham gia vào thị trường tiền tệ.
• Về thị trường: ngoài thị trường truyền thống, tổng công ty tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động trên cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên; mở rộng thị trường ra nước ngoài thông qua việc đổi mới các hình thức xuất khẩu trong đó có xuất khẩu lao dộng hoặc nhận thầu trực tiếp, liên doanh liên kết với các đơn vị nước ngoài.
• Về nguồn nhân lực: chú trọng tới công tác đào tạo, đào tạo lại, xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề phục vụ sự phát triển của Tổng Công ty và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
• Về phát triển thương hiệu: nâng cao thương hiệu Vinaconex trên thị trường trong nước và quốc tế gắn liền với việc phát huy và nâng cao truyền thống văn hóa doanh nghiệp Vinaconex.
• Về hội nhập quốc tế: thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế và khu vực thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế nước ngoài, từng bước tham gia thị trường tài chính trong khu vực và quốc tế. Trong đó, mục tiêu trước mắt là sớm có mặt tại các thị trường láng giềng như: Lào, Campuchia hay Trung Quốc…
2. Chiến lược phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản
Lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản có thể xem là một trong các lĩnh vực trọng tâm của Vinaconex bởi nó có mối quan hệ hết sức chặt chẽ, tương hỗ với hai lĩnh vực cũng hết sức quan trọng khác của tổng công ty là sản xuất vật liệu xây dựng và xây lắp. Mục tiêu dài hạn của tổng công ty không chỉ là đơn vị hàng đầu trong lĩnh này tại Việt Nam mà còn sớm trở thành một nhà đầu tư, nhà quản lý bất động sản hàng đầu khu vực và Thế Giới, sánh ngang tầm với những Posco, Keangnam hay InterContinental…
Để có thể hiện thực hóa mục tiêu xuyên suốt này, tổng công ty Vinaconex đã đề ra chiến lược phát triển cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của mình như sau:
• Khu đô thị mới: tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị mới có quy mô lớn và hiện đại tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh thành phố lớn khác trên cả nước như: Huế, Đà Nẵng, Vinh… cùng với đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số địa bàn khác nhằm đi tắt đón đầu, mở rộng thị trường, đặc biệt là tại các thị trường nước ngoài mà trước mắt là các quốc gia láng giềng, gần gũi với Việt Nam như: Thái Lan, Lào, Campuchia hay đất nước tỉ dân Trung Quốc…
• Cao ốc văn phòng cho thuê: bên cạnh việc sớm đưa tòa nhà Vinaconex Tower vào sử dụng tháng 6/2009 này, tổng công ty chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư vào mảng thị trường rất hấp dẫn này, đặc biệt là tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, những nơi luôn dư cầu về văn phòng cho thuê, đặc biệt là các văn phòng cao cấp. Sau đó sẽ là những tỉnh thành phố đang có tốc độ phát triển cao, được nhiều nhà đầu tư ở trong và ngoài nước chú ý như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Huế…
• Khách sạn – khu du lịch: mở rộng hơn nữa thị phần khách sạn và khu nghỉ mát, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch nổi tiếng như: Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng)… thông qua việc tiếp tục đầu tư xây dựng một số khách sạn hay resort cao cấp mới. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng) để sớm đưa vào vận hành, khai thác. Xa hơn, trong tương lai, Vinaconex chủ trương phát triển đầu tư khách sạn – khu du lịch ra các nước nổi tiếng về du lịch ở khu vực như: Thái Lan, Singapore hay Indonesia…
• Trung tâm thương mại: phát huy hơn nữa kinh nghiệm của người đi tiên phong trong lĩnh vực này, tổng công ty sẽ tiếp tục tiến sâu hơn nữa vào một mảng thị trường đang được coi là rất màu mỡ của Việt Nam. Trong thời gian tới, cùng với việc khẩn trương thực hiện dự án trung tâm thương mại Chợ Mơ, tổng công ty sẽ tìm kiếm thêm một số thị trường mới nổi khác trong nước.
• Khu công nghiệp: bên cạnh việc khẩn trương đưa khu công nghiệp Bắc Phú Cát đi vào hoạt động, trong tương lai gần, tổng công ty quyết tâm hiện thực hóa dự án khu công nghiệp Đại Áng và tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào các khu công nghiệp trong tương lai.