III. Thực trạng đầu tư kinh doanh bất động sản tại tổng công ty
2. Nội dung đầu tư
2.2. Đầu tư kinh doanh cao ốc văn phòng cho thuê
Kể từ sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam năm 1995 đến nay mà đặc biệt là từ sau khi nước ta gia nhập tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO – World Trade Organization) năm 2007, nhu cầu về dịch vụ cao ốc văn phòng cho thuê tại Việt Nam trở nên thực sự “nóng” với sự xuất hiện ngày một nhiều không chỉ của các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia lớn trên toàn cầu như: Kumho, Posco, Keangnam, Samsung (Hàn Quốc), Canon, Toyota (Nhật Bản), Hồng Hải (Đài Loan), Larkhall (Hồng Kông) hay IBM, Ford, AIA (Hoa Kỳ)… cùng với đó, còn phải kể đến cả những đại gia trong nước ở mọi lĩnh vực như: tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, tập đoàn Bảo Việt, tổng công ty Sông Đà, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn công nghiệp T&T… Điều này lí giải cho sự hình thành một loạt dự án lớn nhỏ đầu tư vào các tòa cao ốc văn phòng cho thuê như đã, đang và sẽ được thực hiện như: cao ốc M5, Viet Tower, Hanoi Tower, VCB Tower hay BIDV Tower… đúng như theo nghiên cứu của công ty quản lý và tiếp thị bất động sản CB Richard Ellis Việt Nam:“mức tăng trưởng của nguồn cung cho thị trường văn phòng trong 3 năm tới sẽ ở mức bình quân 122%/năm”. Tất cả cho thấy, đầu tư vào cao ốc văn phòng cho thuê ở Việt Nam đang thực sự là một kênh rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Nhận thức rõ ràng được điều này, song song với việc tiếp tục phát huy thế mạnh đầu tư vào các khu đô thị mới, Vinaconex cũng bắt đầu để tâm và thâm nhập vào mảng thị trường còn khá mới mẻ trên. Bảng số liệu tống hợp dưới đây về vốn đầu tư kinh doanh cao ốc văn phòng cho thuê của tổng công ty giai đoạn 2003 – 2008 dưới đây sẽ cho ta thấy rõ hơn điều này.
Bảng 1.9. Tổng hợp vốn đầu tư kinh doanh cao ốc văn phòng cho thuê của tổng công ty Vinaconex giai đoạn 2003 – 2008.
Năm Tổng VĐT KD BĐS (tỷ đồng) Cao ốc văn phòng (tỷ đồng) Tỷ trọng (%) 2003 726,91 - - 2004 516,5 - - 2005 237 - - 2006 1.683 - - 2007 2.957,2 325,2 10,99 2008 628,31 100 15,91
(Nguồn: Ban đầu tư - tổng công ty Vinaconex)
Chỉ thực sự đến tháng 4 năm 2007 (sáu năm sau khi bước chân vào thị trường bất động sản), tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex mới chính thức tham gia vào mảng thị trường cao ốc văn phòng khi khởi công dự án Vinaconex Tower cao 27 tầng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 327 tỷ đồng. Hiện toàn bộ phần thô của dự án đã được hoàn thành và chỉ còn chờ giai đoạn hoàn thiện để có thể đưa toàn nhà vào vận hành đúng tiến độ (30/06/2009).
Chỉ vài tháng sau dự án trọng điểm này, đến quý IV năm 2007, Vinaconex tiếp tục đưa ra những thách thức thật sự cho các đối thủ cạnh tranh bằng việc khởi động dự án cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng dịch vụ tại lô đất N05 (đông nam đường Trần Duy Hưng – Hà Nội) có tổng mức đầu tư lớn hơn gấp 5 lần Vinaconex Tower, 1.842 tỷ đồng. Dự án hiện cũng đang được khẩn trương thực hiện và đã hoàn tất phần móng, cọc nhồi các tòa nhà.
Việc thực hiện hai dự án lớn trên lí giải tại sao tuy mới nhưng ngay trong năm đầu tiên đầu tư vào nội dung này, tổng vốn thực hiện của Vinaconex đã lên đến 325,2 tỷ đồng.
Để có thể có cái nhìn rõ ràng hơn về 2 dự án cao ốc văn phòng của Vinaconex, chúng ta có bảng số liệu chi tiết về tình hình thực hiện tính đến hết năm 2008.
Bảng 1.10. Tổng quan về 2 dự án cao ốc văn phòng đang được thực hiện của tổng công ty Vinaconex
(đơn vị tính: tỷ đồng)
STT Dự án Tiến độ dự kiến Tổng mức đầu tư
Vốn đã thực hiện tới hết
2008
1 Vinaconex Tower 2007 - 2009 327 212
2 Cụm cao ốc N05 2007 - 2011 1.842 200
(Nguồn: Ban đầu tư - tổng công ty Vinaconex)
Có thể thấy đối với Vinaconex, đầu tư vào các dự án cao ốc văn phòng như thế này vẫn còn khá mới mẻ (mới chỉ thực sự tham gia vào thị trường này được hơn một năm). Tuy nhiên, với hai dự án quy mô lớn này, dễ thấy được tham vọng không hề nhỏ của tổng công ty trong việc mở rộng và chiếm lĩnh thị phần.
Về tiến độ, có thể thấy tổng công ty đã và đang thực sự tập trung vào dự án được coi là trọng điểm của mình là trụ sở tổng công ty kết hợp văn phòng cho thuê Vinaconex Tower khi mà tính tới hết năm 2008, tổng số vốn đầu tư được thực hiện đã đạt đến 212 tỷ đồng (gần 65% giá trị dự án) và đã hoàn thành toàn bộ phần xây thô, chỉ còn chờ hoàn thiện và đưa vào sử dụng đúng tiến độ đã đề ra là giữa năm 2009. Việc sớm đưa tòa nhà này vào vận hành khai thác sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Vinaconex bởi nó không chỉ mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ hàng năm (ước
tính lên đến hơn 100 tỷ đồng) mà còn đánh dấu sự có mặt của tổng công ty tại thị trường rất màu mỡ này.
Trong khi đó, như đã phân tích ở mục 2.2 cộng với việc tổng công ty đang muốn tập trung để nhanh chóng đưa Vinaconex Tower vào khai thác, dự án cụm cao ốc N05 qua hai năm thực hiện mới chỉ đạt hơn 10% khối lượng công việc và nhiều khả năng sẽ khó có thể về đích đúng vào cuối 2011 như tiến độ được đề ra ban đầu của Vinaconex.