I. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DNNVV TRONG NƯỚC
2. Năng lực cạnh tranh các DNNVV trong nước
2.4 Về trình độ công nghệ.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung là lạc hậu (lạc hậu từ 20 – 30 năm so với các nước trong khu vực, 40 – 50 năm so với thế giới). Công nghệ lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất cao, làm cho giá thành sản phẩm cao.
Chỉ có khoảng 30% trong số các doanh nghiệp trong nước là được coi là trang thiết bị, công nghệ vào loại tương đối hiện đại, tốc độ đổi mới thiết bị
công nghệ vào khoảng 10 - 11% năm. Điều này đã hạn chế rất lớn tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.
Ở Việt Nam, có đến 2/3 là máy móc thiết bị nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 50, 60, 2/3 trong số đó đã khấu hao hết, ½ đã được tân trang lại. Hầu hết các công nghệ này đều đã quá lạc hậu so với thế giới, mức độ hao mòn hữu hình từ 30 – 50%, thời gian khấu hao phải kéo dài hơn do hiệu quả sản xuất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá hàng sử dụng trong nước thường cao hơn hàng cùng loại nhập khẩu từ 20 – 40%, thậm chí có khi lên tới 80%, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ chiếm 15%.
Theo đánh giá của các công ty Nhật Bản hoạt động ở 10 nước ASEAN, về công nghệ Việt Nam chỉ được đánh giá chưa đến 4 điểm theo thang điểm 10 và chỉ đứng trên 3 nước trong khu vực là Myanma, Lào và Campuchia.
Ngoài ra, ở Việt Nam, năng lực nghiên cứu, triển khai và tiếp thu, phát triển công nghệ ở các doanh nghiệp còn yếu và thiếu, đặc biệt là ở những dây chuyền, công đoạn, quy trình sản xuất đòi hỏi tay nghề và kiến thức về công nghệ cao.
Từ những phân tích ở trên có thể kết luận rằng, các doanh nghiệp Việt Nam mất khả năng cạnh tranh về máy móc thiết bị, công nghệ. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho chất lượng sản phẩm không cao, chi phí đầu vào lớn.