Đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch trên địa bàn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 98 - 100)

Tài nguyên du lịch văn hóa của Phú Thọ rất đa dạng, phong phú, đồng thời có giá trị to lớn về văn hóa và lịch sử. Di sản lễ hội chính là cơ sở để mỗi địa phương tạo cho mình những "Sắc thái" khác biệt trong chương trình du lịch mang dấu ấn bản địa.

Phải bám sát những tiềm năng, nguồn lực sẵn có về di sản lễ hội của tỉnh nhà để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, ấn tượng. Ví dụ: ở Nhật Bản có lễ hội Hounen - lễ hội dương vật lớn nhất thế giới thu hút rất đông du khách. Trong khi đó, ở Phú Thọ có lễ hội Trò Trám (Tứ Xã - Lâm Thao) cũng có các nghi thức phồn thực. Có thể xây dựng lễ hội Trò Trám thành một sản phẩm du lịch đặc sắc trên vùng đất Tổ trên cơ sở nghiên cứu để phát triển lễ hội Trò Trám thành một lễ hội phồn thực với quy mô lớn hơn trên cơ sở vẫn bảo tồn nét nguyên gốc các nghi lễ liên quan; Ngoài ra cần đầu tư, nghiên cứu xây dựng một kịch bản để khai thác Trò Trám thành một sản phẩm du lịch độc đáo ở Việt Nam. Kịch bản này sẽ phải được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý bàn bạc và hoàn thiện dần trong quá trình tổ chức hàng năm, để làm sao vừa bảo tồn được những nội dung cơ bản của lễ hội Trò Trám truyền thống, vừa phát triển, bổ sung, nâng tầm cho lễ hội này để biến nó thành một lễ hội phồn thực, một sản phẩm độc đáo của du lịch Phú Thọ, có một không hai ở Việt Nam.

Gắn liền với các lễ hội truyền thống là ẩm thực cội nguồn. Đến với Phú Thọ, du khách không thể không nhớ tới hai loại "Bánh truyền quốc" là bánh chưng và bánh dày gắn liền với truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu thời vua Hùng thứ 6. Có thể đặt hàng với Viện nghiên cứu phát triển nông nghiệp để nghiên cứu, lai tạo, chọn giống, nhân bản tạo ra giống lúa nếp đặc biệt, chọn khu vực đất trồng phù hợp với loại lúa này trên địa bàn Phú Thọ. Xây dựng công nghệ làm bánh chưng, bánh dày đặc biệt để tạo ra một sản phẩm đặc biệt. Các tuor du lịch sẽ đưa khách tới xem một chu trình sản xuất sản phẩm bánh từ cấy lúa đến thu hoạch (trực triếp hoặc gián tiếp), chế biến và thưởng thức lọai bánh "Nhớ đời" trên vùng đất huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước. Hiện nay huyện Tân Sơn đang có giống gà nhiều cựa, vậy có thể nghiên cứu lai tạo nhân giống để sản xuất giống gà này thành một thứ đặc sản như gà 9 cựa trong câu truyện Vua Hùng kén rể sẽ là một sản phẩm ẩm thực độc đáo đặc biệt. Phát triển món cá Lăng, cá Anh Vũ thành đặc sản vùng ngã ba sông.

Đồng thời, tại các điểm du lịch lễ hội truyền thống cũng cần phải tạo ra nhiều loại hình dịch vụ du lịch bổ trợ mới, nhằm bổ sung và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, tạo ra những sản phẩm đặc trưng có sự khác biệt giữa các vùng miền gắn liền với các truyền thuyết, huyền thoại để kích thích và tăng nhu cầu cho khách du lịch khi mua sắm. Mở rộng liên kết với các nghệ nhân và những đơn vị có thương hiệu để sản xuất các mặt hàng lưu niệm có chất lượng cao. Các mặt hàng lưu niệm sẽ tập trung chủ yếu khai thác những họa tiết hoa văn thời đại Hùng Vương để có những hàng hóa đặc biệt làm quà tặng và bán đồ lưu niệm cho du khách, như: Trống đồng, thạp đồng, đồ gốm thô... Cần đầu tư nghiên cứu về kỹ thuật và mỹ thuật để các sản phẩm du lịch trở nên bền vững và trở thành "thương hiệu" của từng địa phương.

Để tăng thêm hiệu quả giáo dục, cần đưa thêm những nội dung mới, những trò chơi mới, các hoạt động thể thao, văn nghệ có chọn lọc và phù hợp với nội dung của từng lễ hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 98 - 100)