Thực trạng việc bảo tồn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 71 - 75)

Công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ khi tái lập Tỉnh (từ năm 1997) đến nay đã được quan tâm và chú trọng, nhiều lễ hội truyền thống

được nghiên cứu phục hồi. Năm 1997 toàn Tỉnh đã tiến hành kiểm kê một cách có hệ thống khoa học toàn bộ di tích, kiểm kê lễ hội và xây dựng đề án bảo tồn văn hoá phi vật thể đến năm 2010. Từ đó nhiều lễ hội đã được nghiên cứu phục dựng như lễ hội Đền Tam Giang - Phường Bạc Hạc, lễ hội Đình Bảo Đà, lễ hội Đình Mộ Chu Hạ, lễ hội Đình Thanh Đình- Thành phố Việt Trì; lễ hội Đình Cổ tích, lễ hội Đình Trẹo Thị trấn Hùng Sơn, lễ hội Đình làng Sơn Vi, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao; lễ hội làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, lễ hội làng Hương Nha, huyện Tam Nông…

Theo thống kê toàn tỉnh hiện nay có 260 lễ hội, bao gồm 32 lễ hội lịch sử và 288 lễ hội truyền thống. Trong đó có một lễ hội cấp Quốc gia là lễ hội Đền Hùng còn lại là các lễ hội do địa phương quản lý. Việc bảo tồn các lễ hội truyền thống ở tỉnh Phú Thọ có thể phân chia làm 3 cấp độ: lễ hội được duy trì hoàn toàn cả phần lễ và phần hội; lễ hội chỉ duy trì phần lễ; lễ hội đã bị mai một hoàn toàn.

Các lễ hội vẫn duy trì cả phần lễ và phần hội, được tổ chức hàng năm:

Theo thống kê năm 2005 toàn tỉnh có 92 lễ hội còn được bảo lưu hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn. Trong đó có 30 lễ hội xếp loại A theo tiêu chí của Cục di sản văn hoá (là các lễ hội có chất lượng cao, được tổ chức thường xuyên hàng năm và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia); Hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu cơ, hội Trò Trám xã Tứ Xã, hội phết Hiền Quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức - An Thái, hội nấu cơm thi Gia Dụ, hội rước Voi Đào Xá, hội giã bánh dày Mộ Chu Hạ, Trúc Phê, hội vật Phượng Lâu…

ở nhiều lễ hội, một số nghi lễ và hình thức diễn xướng cổ đã không còn. Trong phần hội, các trò chơi dân gian ở một số lễ hội như (chọi gà, kéo co, đấu vật, cờ người, bịt mắt đập mồi, ném còn…) chưa được đánh giá cao mà thường bị lấn át bởi những trò mới (thi đấu thể thao, vui chơi có thưởng mang tính kinh doanh), các trò chơi dân gian có nguy cơ mai một hoặc sự phục hồi không đầy đủ, bắt chước các lễ hội khác một cách không phù hợp. Ngay cả những lễ hội thu hút đông khách du lịch hàng năm nhưng phương pháp tổ chức các nghi lễ còn đơn giản không phát huy giá trị văn hoá, giá trị tâm linh của lễ hội.

Một số lễ hội có chất lượng thấp, đặc biệt phần lễ nghi như tế lễ, lễ vật, rước kiệu… ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa đúng truyền thống.

Một số lễ hội được phục hồi cả về phần lễ và phần hội nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nên không được tổ chức hàng năm. Năm nào có điều kiện thì xã tổ chức, khó khăn thì lại để năm sau hoặc chỉ tổ chức đơn giản, bỏ bớt nhiều hình thức lễ nghi diễn xướng dẫn đến lễ hội không diễn ra như đúng nguyên bản của nó như Rước Chúa Gái (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao).

Các lễ hội chỉ duy trì phần lễ, không còn bảo lưu phần hội: Đây là nhóm chiếm số lượng lớn trong hệ thống lễ hội tỉnh Phú Thọ. Tại nhiều địa phương tổ chức hàng năm nhưng mới chỉ duy trì được phần lễ. Đó là dịp cúng tế vào các ngày tiệc làng hoặc vào ngày rằm, mồng một. Có nhiều nơi tổ chức đầy đủ cả lễ vật, lễ tế thần, rước kiệu, nhưng sau đó không tổ chức hội làng cùng những trò diễn xướng, trò chơi dân gian truyền thống. Có những nơi vẫn cúng tế tại đình nhưng lại mất đi những trò diễn xướng và trò chơi dân gian đặc sắc.

Nhóm các lễ hội đã bị mai một hoàn toàn: Đây là nhóm các lễ hội đã mất hoàn toàn cả phần nghi lễ và phần hội. Chỉ còn được ghi nhận trong các nguồn tư liệu và trong trí nhớ của các cụ già. Đây là một khó khăn rất lớn trong công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống, nhất là việc nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch.

* Tình hình quản lý và tổ chức lễ hội:

Các lễ hội được tổ chức lần đầu, lễ hội được khôi phục lại sau nhiều năm bị gián đoạn hoặc có những lễ hội có sự thay đổi về nội dung, quy mô, địa điểm đều được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng quản lý, hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ theo các quy định hiện hành.

Các lễ hội thường gắn với các di tích lịch sử văn hoá nhất là các di tích đã được xếp hạng đều được thành lập Ban quản lý di tích. Việc thành lập các Ban quản lý di tích có trách nhiệm báo cáo định kỳ với cơ quan chuyên môn về công tác bảo vệ, quản lý di vật, cổ vật và mọi hoạt động liên quan đến di tích giúp cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Phú Thọ có nhiều thuận lợi.

Hầu hết các lễ hội đã được tổ chức thường xuyên hay mới được khôi phục lại đều nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân. Vì thế, đa phần lễ

hội đều được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu văn hoá, nguyện vọng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân các địa phương. Thông qua lễ hội góp phần truyền dạy truyền thống văn hoá, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Có thể nói, lễ hội được tổ chức tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống cư dân địa phương.

Tuy vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Một số địa phương khôi phục lễ hội còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đủ kiến thức về văn hoá truyền thống hoặc do các cụ già lại chỉ nhớ lõm bõm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, phần lớn nghiêng về phần lễ còn phần hội ít được chú trọng, thậm chí không được tổ chức; Nhiều lễ hội không chú ý đến các trò chơi dân gian truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại, có nơi còn để diễn ra các trò chơi có tính chất cờ bạc đỏ đen như cò quay, vui chơi có thưởng trá hình… Một số địa phương tổ chức lễ hội rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức nhưng lại kém hiệu quả, chưa có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân; Việc tổ chức lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động du lịch, chưa tổ chức được các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, không hấp dẫn du khách. Chưa có những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng đất Tổ phục vụ du khách. Cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn thiếu; chưa xây dựng được lực lượng nghệ nhân ở các địa phương là những người tham gia giữ gìn, bảo tồn và phục dựng lễ hội tại cơ sở. Đội ngũ cán bộ văn hoá từ cấp huyện đến cấp xã thiếu về số lượng và chưa đủ năng lực để hướng dẫn, tổ chức và phục dựng lễ hội và các hoạt động văn hoá dân gian.

Từ năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái đã liên kết để tổ chức chương trình du lịch về nguồn được phát động và khai mạc hàng năm luân phiên tại các tỉnh nhằm tạo các tua du lịch liên tỉnh và gắn kết lễ hội truyền thống vùng đất Tổ với các tỉnh Tây Bắc, lấy lễ hội Đền Hùng làm trung tâm của chương trình du lịch về nguồn. Trong chương trình lễ hội về cội nguồn của 3 tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thành công chương trình khai mạc lễ hội về cội nguồn năm 2009 tại sân lễ hội

Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đồng thời lấy các lễ hội tiêu biểu tại các huyện, thị, thành làm điểm nhấn như: lễ hội Đình Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn), lễ hội Đình Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ), lễ hội làng Ngọc Tân (huyện Đoan Hùng), ngày hội văn hoá huyện Tân Sơn, ngày hội văn hoá huyện Yên Lập… Đặc biệt, lần đầu tiên Phú Thọ tổ chức khôi phục lại lễ hội Chọi trâu ở xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) với quy mô tương đối lớn, thu hút được sự tham gia của nhiều chủ trâu và sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đây là một lễ hội có tiềm năng du lịch rất lớn. Khôi phục lại lễ hội này năm đầu tiên, công tác tổ chức lễ hội còn nhiều bất cập, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, sân bãi thi đấu, công tác quản lý điều hành lễ hội còn nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên lễ hội Chọi trâu Phù Ninh là một lễ hội có sức hấp dẫn và là tài nguyên du lịch tiềm năng có thể khai thác và phát huy trong hoạt động du lịch.

Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội truyền thống ở Phú Thọ ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp, chính quyền và nhân dân. Các lễ hội ở Phú Thọ đa phần phát triển theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của văn hoá truyền thống đặc biệt là văn hoá thời Hùng Vương dựng nước, kết hợp với một vài yếu tố mới để phù hợp với hiện tại, về cơ bản vẫn đảm bảo được các giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện tính phong phú, đặc sắc của văn hoá vùng đất Tổ - vùng đất cội nguồn và là một tài nguyên du lịch đặc biệt cần phải được nghiên cứu bảo tồn là phát huy giá trị trong hoạt động du lịch.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)