Phương hướng chung

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 84 - 86)

Phú Thọ là mảnh đất tiềm năng trong phát triển du lịch nhân văn do thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông và hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể rất phong phú đặc sắc. Tiêu biểu là lễ hội Đền Hùng và các lễ hội truyền thống thời Hùng Vương dựng nước cùng hệ thống các di tích tạo nên một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn to lớn. Các chủ trương của Đảng và chương trình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh Phú Thọ lấy du lịch lễ hội làm ngành kinh tế mũi nhọn. Nền tảng để xác định chiến lược, phát triển văn hoá là Nghị quyết TW5 khoá 8 về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Kết luận hội nghị lần thứ X BCH TW Đảng khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5 (khoá VIII) trong tình hình mới. Đảng ta đã chỉ rõ: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá, nền tảng tinh thần xã hội” [21] [22]. Những văn kiện ấy của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt vừa có tính chiến lược lâu dài vừa mang tính cấp bách trước mắt để phát triển hài hoà cả kinh tế và văn hoá. Tháng 7 năm 2004 Bộ Chính trị, BCH TW Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 37 NQ/ TW về định hướng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi phía bắc đến năm 2010, trong đó xác định Phú Thọ là một trọng điểm của du lịch văn hoá lịch sử và du lịch lễ hội. Chiến lượcphát triển du lịch Việt Nam trong "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam 1995 - 2010 và định hướng đến năm 2020” xác định Phú Thọ, đặc biệt là khu du lịch Đền Hùng được đánh giá là khu du lịch tâm linh hướng về cội nguồn quan trọng của khu vực miền núi phía Bắc và của cả nước. Đây cũng là điểm du lịch nằm trong hệ thống các tuyến điểm du lịch Quốc gia.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVI cũng đã xác định rõ "phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch, từng bước xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”

[19]. Tháng 1 năm 2006 BTV Tỉnh Uỷ ban hành Nghị quyết số 01- NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006- 2010 và định hướng đến 2020, UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình số 987/CTr- UBND ngày 2/06/2006 về chương trình phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ 2006- 2010 và định hướng đến 2020. Đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hoá tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2000- 2010.

Các phương hướng chung để phát triển du lịch lễ hội ở Phú Thọ được xác định là: Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá truyền thống, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch sẵn có, đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch, từng bước đa dạng hoá các sản phẩm, các loại hình du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành trung tâm du lịch hướng về cội nguồn, trọng tâm là khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với xây dựng Thành phố Việt Trì thành Thành phố lễ hội.

Đẩy mạnh xã hội hoá về du lịch, huy động các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng đầu tư phát triển khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch dưới sự quản lý của Nhà nước.

Phát triển du lịch bền vững phải đặt trong mối quan hệ liên ngành liên vùng trong khu vực cả nước. Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch góp phần xoá đói giảm nghèo, có cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh hỗ trợ tác động lẫn nhau cùng phát triển.

Phát triển du lịch phải gắn liền với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đặc biệt là văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương.

Quy hoạch phát triển văn hoá gắn kết với phát triển du lịch của tỉnh cần tập trung đầu tư khôi phục và phát triển các lễ hội tiêu biểu đặc sắc để xây dựng điểm du lịch lễ hội là lợi thế của tỉnh Phú Thọ. Các sản phẩm lễ hội và di tích làm hạt nhân để hình thành nên các điểm, khu du lịch. Xây dựng các điểm du lịch lễ hội góp phần bảo tồn giữ gìn tôn tạo và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống trên quê hương đất Tổ. Thông qua các hoạt động du lịch, nhận thức của du khách và cộng đồng dân cư được nâng lên, tạo được ý thức trân trọng, giữ gìn bảo vệ và phát triển các di tích và lễ hội. Nguồn kinh phí thu được từ các hoạt động du lịch góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ngân sách Nhà

nước để tu bổ, tôn tạo phục dựng lễ hội truyền thống góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ phương hướng trên, giải pháp để bảo tồn phát huy lễ hội truyền thống để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải đề cập đến những vấn đề mang tính tổng thể, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch và bảo tồn các giá trị văn hoá của lễ hội, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở phú thọ hiện nay pdf (Trang 84 - 86)