II. Các giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
8. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực.
Nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới hình thức các hộ gia đình, người lao động chủ yếu là nông dân, không được đào tạo bài bản. Do đó, nhận thực của họ về các vấn đề kỹ thuật, hiệu quả
kinh tế lâu dài, trách nhiệm bảo vệ môi trường và nghề bền vững còn rất hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nuôi trồng thuỷ sản. Vì vậy, cùng với những giải pháp đã nêu, chúng ta cần có những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực.
- Cần có các hình thức tuyên truyền hợp lý đến cộng đồng về những tác hại đến môi trường từ những hoạt động nuôi trồng thủy sản, đồng thời nâng cao hiểu biết về sự tác động ngược lại của môi trường đối với nuôi trồng thuỷ sản.
- Nâng cao kiến thức của cộng đồng về tiềm năng và giới hạn của các nguồn lợi tự nhiên, về sự phong phú của đối tượng nuôi cũng như nguồn lợi thuỷ sản. Tất cả những nguồn lợi đó nếu bị khai thác quá mức ắt sẽ cạn kiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Cần phải hình thành ý thức cho người dân trong việc sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản.
- Cần đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Bổ sung thêm các chuyên gia cho các trung tâm nhằm nghiên cứu ra những loại gen, các loại thuốc phòng bệnh,... để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản phát triển lâu dài.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng, tạo ra sự học hỏi có hiệu quả từ 2 phía (cộng đồng những người khai thác, sử dụng các nguồn lợi tự nhiên và các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định), đồng thời cũng tạo được niềm tin và sự hiểu biết cho cộng đồng, giúp họ có nhiều khả năng hơn để có thể tự tạo ra và sử dụng kiến thức của mình một cách hiệu quả.