Những thách thức trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2015 (Trang 40 - 41)

I. Tình hình phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2001 – 2007.

6. Những thách thức trong thời gian tới.

- Nâng cao tính di truyền:

Hoạt động nghiên cứu nâng cao tính di truyền của các loài thuỷ sản vẫn còn “tụt hậu” so với các loài động vật khác. Hiện mới chỉ có một vài chương trình được tiến hành với các loài thuỷ sản như cá hồi Đại Tây Dương ở Nauy, cá rô phi ở Châu Á, tôm và cá nheo ở Mỹ.

Các chương trình sản xuất giống và nâng cao tính di truyền cũng được tiến hành với tôm sú ở Châu Á. Các đặc tính cần thiết đối với việc nâng cao tính di truyền các loài thuỷ sản gồm cỡ lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh và chống sốc, đơn tính, thịt chất lượng cao và con giống sạch bệnh (SPF) trong khi vẫn duy trì được sự đa dạng gen.

- Thức ăn:

Thức ăn là thành phần chiếm chi phí lớn nhất, từ 30-50% chi phí sản xuất. Hơn nữa, thức ăn cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp lên môi trường. Việc sử dụng bột cá trong thức ăn nuôi trồng thuỷ sản làm suy giảm nguồn lợi cá nổi tự nhiên. Hiện nay có nhiều khuyến cáo về việc giảm việc sử dụng bột cá. Việc thay thế bột cá bằng các nguồn prôtêin dồi dào hơn, sẵn có hơn, rẻ tiền và bền vững đang được nghiên cứu.

Mức độ thâm canh nuôi thuỷ sản cũng làm tăng mối lo ngại về tác động tiềm tàng đối với môi trường xung quanh. Chất lượng nước thấp sẽ khiến thuỷ sản nuôi bị sốc, làm tăng nguy cơ bộc phát dịch bệnh và làm mất mùi vị, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sản phẩm.

- Môi trường:

Tương lai của ngành nuôi trồng thuỷ sản phần lớn phụ thuộc vào việc tiếp cận nguồn lợi tự nhiên như đất, nước và bột cá. Đối với một số hoạt động nuôi, kể cả nuôi tôm và nuôi cá hồi, khả năng “huỷ hoại” tiềm năng nguồn lợi biển và ven biển qua việc huỷ hoại môi trường sống, xả chất thải, sự xâm nhập của các loài ngoại lai và mầm bệnh ngày càng được quan tâm. Nhu cầu một lượng lớn bột cá và dầu cá có thể khiến nguồn lợi thuỷ sản kiệt hơn nữa. Tác động nghiêm trọng đến môi trường có thể xảy ra qua việc nhiễm bệnh của nguồn lợi tự nhiên cũng như đối tượng nuôi.

- Truy nguyên nguồn gốc và an toàn thực phẩm:

Tương tự những ngành sản xuất thực phẩm khác, nuôi trồng thuỷ sản đang phải đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng về khả năng truy nguyên nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi về khả năng truy nguyên nguồn gốc do sự xuất hiện của dư lượng hoá chất và/ hoặc kháng sinh trong sản phẩm trong những năm qua. Với hệ thống truy nguyên nguồn gốc, có thể thu hồi sản phẩm nhanh hơn, do vậy, giảm được những tác động tiêu cực. Những vấn đề gặp phải sẽ được giải quyết nhanh hơn và nhà sản xuất “vô trách nhiệm” sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

- Giá nguyên liệu:

Trong nuôi trồng thuỷ sản, giá dầu thô tăng đã làm chi phí năng lượng trở thành chi phí lớn thứ 2, chỉ sau chi phí thức ăn. Tuy nhiên giá dầu thô có thể giảm trong thời kỳ tới giúp làm giảm chi phí sản xuất.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2015 (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w