Giải pháp hoàn thiện công tác quy hoạch.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2015 (Trang 59 - 62)

II. Các giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.

5. Giải pháp hoàn thiện công tác quy hoạch.

5.1. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện Quyết định số 10/2006/ QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-BTS hướng dẫn thực hiện quy hoạch trên.

Các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chú ý phát huy các loại tiềm năng vùng triều, vùng cát, vùng chuyển đổi, vùng đầm phá, mặt nước biển, hải đảo để phát triển đa dạng đối tượng tương xứng với tiềm năng, nhất là nuôi biển nhằm tạo nguyên liệu chế biến xuất khẩu và tạo việc làm cho vùng nghèo. Trước khi phê duyệt quy hoạch cần có ý kiến của các đơn vị của Bộ Thuỷ sản để đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng của ngành.

Diện tích nuôi thuỷ sản nước lợ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ không lớn, muốn đẩy cao sản lượng hơn nữa thì nuôi trồng thuỷ sản phải theo xu thế tiến xa ra vùng biển, ưu tiên phát triển nuôi biển, những nơi vịnh sâu, ven đảo quy hoạch nuôi cá biển, nhuyễn thể, đầu tư cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cho hướng phát triển này.

Để phát triển bền vững, cần gắn với an sinh xã hội, hết sức quan tâm tới vùng bãi ngang và vùng đầm phá ven biển. Tại vùng đầm phá, nguồn lợi thuỷ sản đa dạng, ngư dân tương đối đông đời sống nghèo khó không có khả năng khai thác xa bờ và thường sống bằng các nghề khai thác nhỏ, sử dụng cả những dụng cụ, phương pháp bị cấm để tận thu làm huỷ diệt nguồn lợi và ô nhiễm môi trường nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi nguồn lợi cạn kiệt. Vùng này có thể quy hoạch nuôi các đối tượng nhuyễn thể, giáp xác, trồng rong câu theo phương thức nuôi tự nhiên, tổ chức quản lý cộng đồng cùng nhau khoanh vùng, cắm chà, thả bổ sung giống và chăm sóc bảo vệ cho chúng sinh sản, phát triển để khai thác sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi tự nhiên.

Các quy hoạch cho vùng như quy hoạch nuôi tôm trên cát, quy hoạch thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản miền Trung, quy hoạch phát triển thuỷ sản vùng kinh tế trọng điểm miền Trung… cần được công bố tới từng địa phương để làm cơ sở cho việc chỉ đạo thực hiện đúng với quy hoạch. Các quy hoạch tỉnh, huyện cũng cần được công bố tới từng vùng sản xuất để định hướng cho sản xuất và thu hút các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư.

Để quản lý đúng quy hoạch, ngoài nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ đầu tư, các địa phương cần dành ngân sách địa phương, huy động các nguồn khác cho các dự án xây dựng hệ thống thuỷ lợi, các công trình đầu mối tại các vùng quy hoạch tập trung, trọng điểm để hướng hoạt động sản xuất đúng với quy hoạch.

5.2. Quy hoạch các nhóm sản phẩm.

Hoàn thành quy hoạch các nhóm sản phẩm và từng bước triển khai quy hoạch: Bổ sung và hoàn thiện quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa; Quy hoạch phát triển nuôi biển, Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ; Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi; Quy hoạch phát triển một số loài rong biển có giá trị kinh tế cao; Quy hoạch phát triển một số đối tượng giáp xác đặc sản; Quy hoạch phát triển một số đối tượng nhuyễn thể; Quy hoạch phát triển nuôi cá cảnh…

5.3. Công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện quy hoạch ở các tỉnh.

Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản cần thực hiện giao ban nuôi trồng thuỷ sản hàng quý để nắm bắt tình hình sản xuất, có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Thường xuyên khảo sát thực tiễn và đánh giá tổng kết để định hướng chỉ đạo. Duy trì thực hiện chế độ báo cáo tình hình nuôi trồng thuỷ sản của các tỉnh qua hệ thộng Internet.

Cần hướng dẫn thực hiện Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển và hải đảo để thúc đẩy nuôi trồng trên biển.

Trong xây dựng chương trình khuyến ngư cần tập trung chuyển giao công nghệ với những đối tượng chủ lực cho những vùng nuôi tập trung, hướng dẫn và cảnh báo sử dụng hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản, phổ biến tuyên truyền các quy định quản lý ngành.

Việc xác định đề tài nghiên cứu khoa học cần thiết thực với yêu cầu sản xuất đang đòi hỏi, quan tâm hơn đến vấn đề khắc phục môi trường nuôi suy thoái, xây dựng tiêu chuẩn ngành về công nghệ nuôi, các quy định về quản lý chất lượng giống, làm cơ sở để người dân áp dụng đồng bộ trong hoạt động sản xuất.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2015 (Trang 59 - 62)