Nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thủy sản xuất khẩu trong các khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ doc (Trang 95 - 97)

các khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ

Mỹ là thị trường khó tính bậc nhất đối với các nước xuất khẩu, đặc biệt đối với những nước đang phát triển. Hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải cạnh tranh quyết liệt với những hàng hóa cùng loại của nhiều nước Châu á. Tiêu chuẩn của Mỹ đối với những mặt hàng này rất cao, đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và VSATTP.

Để hàng thủy sản Việt Nam đứng vững trên thị trường Mỹ, đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải tốt hơn, chất lượng cao hơn, hoặc chí ít phải có chất lượng tương đương so với hàng thủy sản xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác trên thị trường Mỹ. Giá cả thấp cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam. Thị trường thủy sản Mỹ có nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước Mỹ, do vậy cạnh tranh về giá giữa các nhà cung ứng hàng thủy sản ngày càng gay gắt. Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh về điều kiện nuôi trồng, về giá nhân công… dẫn đến có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc bán hàng giá cả thấp, trong nhiều trường hợp đã gặp phải những cản trở từ phía những nhà sản xuất thủy sản và Chính phủ Mỹ. Do vậy, biện pháp lâu dài là phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thủy sản xuất khẩu qua chất lượng sản phẩm, chính sách bán hàng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Để nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thủy sản thủy sản Việt Nam cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản xuất khẩu. Khi so sánh về chất lượng, một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam có tính cạnh tranh thấp hơn so với các nước khác. Do vậy để nâng cao chất lượng của sản phẩm, phải thực hiện nâng cao chất lượng trong tất cả các khâu từ nuôi trồng cho đến khi chế biến.

- Lĩnh vực nuôi trồng: Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần lựa chọn những loại giống tốt, có năng suất cao, có hương vị đặc trưng. Đa dạng hóa phương thức nuôi, đối tượng nuôi nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế, giá thành

cạnh tranh. Các cơ sở nuôi trồng cần chủ động trong việc sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, áp dụng thực hành nuôi tốt (GAP) để đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản phẩm. Tăng cường áp dụng những biện pháp kỹ thuật nuôi trồng hiện đại để lai tạo những con giống cho năng suất và chất lượng cao nhưng giá thành hạ. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất thực hiện tốt việc thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch thì mới nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt, cung cấp hàng hóa ổn định cho thị trường, đứng vững trong cạnh tranh

- Khai thác: Các doanh nghiệp thủy sản, các ngư dân cần quan tâm đầu tư tàu thuyền phục vụ cho khai thác,với công nghệ tiên tiến và hệ thống bảo quản sau thu hoạch hiện đại tránh tình trạng hao hụt về sản lượng, các sản phẩm sau khi đánh bắt không có phương tiện bảo quản tốt đã bị hạ phẩm cấp. Ngoài ra, các ngư dân cần chú trọng đầu tư trang thiết bị để khai thác những loại sản phẩm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao. Không sử dụng những phương tiện đánh bắt bị cấm làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.

- Về chế biến: Các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa và tự động hóa dây chuyền chế biến nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện có và đầu tư xây dựng một số nhà máy mới gần các vùng nguyên liệu được quy hoạch nhằm tạo đều kiện thuận lợi cho hoạt động chế biến. Đầu tư công nghệ chế biến đồng bộ giữa sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và dịch vụ hậu cần theo tiêu chuẩn HACCP. Các doanh nghiệp chế biến phải xây dựng và áp dụng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP và chấp hành nghiêm ngặt những quy định về VSATTP của thị trường Mỹ nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, hạn chế tới mức thấp nhất việc trả lại hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam.

Việt Nam có những lợi thế về tự nhiên và nuôi trồng do vậy các doanh nghiệp chế biến cần tận dụng những lợi thế này đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sản phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu của khách hàng để đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đem lại nhiều lợi nhuận cho đất nước. Các doanh nghiệp cần mở rộng

sản xuất đối với những chủng loại và khối lượng các mặt hàng thủy sản chế biến có GTGT, hàng phối chế, hàng ăn liền như tôm bao bột, tôm hấp, các sản phẩm từ thịt cua ghẹ chín, đặc biệt quan tâm sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế ở thị trường Mỹ như tôm, cá tra, cá basa, cá ngừ.

Các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với nhau để trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất cũng như các kinh nghiệm về thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến sẽ giúp cho họ có thể cùng nhau thực hiện những đơn hàng lớn, với giá cả ổn định.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần được quan tâm. Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu còn ở mức sơ khai do vậy gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra bán phá giá. Khi ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp sẽ quản lý được quá trình sản xuất từ đầu vào, quá trình sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Đây là mô hình có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc sản phẩm của các thị trường.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ doc (Trang 95 - 97)