Chính sách thương mại của Mỹ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ doc (Trang 28 - 31)

Mỹ là trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ là quốc gia có tài nguyên phong phú, không những không bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai cuộc đại chiến thế giới, mà ngược lại nước Mỹ làm giàu từ các cuộc chiến tranh đó.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế lâu dài đã tạo cho Mỹ một sức mạnh kinh tế khổng lồ và thu nhập cao cho người dân. Năm 2002, GDP của Mỹ là 10.450 tỷ USD, chiếm trên 21 % tổng thu nhập của toàn cầu. Giai đoạn 1994-1999 là thời kỳ nước Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Song từ năm 2000 trở lại đây tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này không ổn định và thấp hơn so với mức bình quân của thập kỷ 90. Các nhà sản xuất của Mỹ có năng lực cạnh tranh lớn và tiềm lực kinh tế mạnh, nên họ đã tuyên truyền cho chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng vì thế Mỹ đã trở thành một thị trường lớn có sức hấp dẫn các nước và các nhà đầu tư nước ngoài hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Người dân Mỹ có nguồn gốc từ nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nên nhu cầu rất đa dạng, phong phú. Những đặc điểm riêng về địa lý và lịch sử đã hình thành nên một thị trường tiêu dùng khổng lồ và đa dạng nhất thế giới. Mỹ vốn có thị trường quốc

nội rất lớn và đây cũng là một thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Do đó có thể nói, thị trường Mỹ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới và cả nền kinh tế các nước trên thế giới. Mỹ là một thị trường xuất nhập khẩu có dung lượng lớn, phong phú và đa dạng. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Mỹ bao gồm máy móc, thiết bị, các mặt hàng công nghiệp, thiết bị vận tải các loại, hóa chất, nông sản, các loại hàng hóa khác. Các mặt hàng tiêu dùng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng nhập khẩu của nước Mỹ. Với sức mua lớn và đa dạng về chủng loại hàng hóa, Mỹ là một thị trường lý tưởng cho tất cả các nước trên thế giới. Chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ cũng rất linh hoạt, với nhiều phẩm cấp đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Mỹ là thị trường rộng lớn và thu hút mạnh mẽ hàng hóa xuất khẩu của các nước trên thế giới. Chính vì vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường này diễn ra hết sức quyết liệt. Tuy được coi là thị trường mở nhưng Mỹ lại có nhiều hàng rào kỹ thuật để cản trở doanh nghiệp của nước xuất khẩu nếu họ làm ảnh hưởng đến lợi ích của người sản xuất nước Mỹ. Đồng thời, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Mỹ cũng rất chặt chẽ. Nhìn chung, chính sách thương mại của Mỹ thể hiện tính chất hai mặt: một mặt, Mỹ muốn các nước khác mở rộng thị trường đối với hàng hóa Mỹ, mặt khác, Mỹ lại có những chính sách hạn chế đối với một số nước và khu vực xuất khẩu vào thị trường Mỹ do các mục đích kinh tế và phi kinh tế của Mỹ. Hơn thế, chính sách thương mại của nước Mỹ với các đối tác là không giống nhau, mà phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ về mặt chính trị giữa Mỹ với các khu vực, các quốc gia trên thế giới.

Mỹ có hệ thống pháp luật thuộc loại phức tạp nhất trên thế giới, bao gồm hệ thống luật liên bang, hệ thống pháp luật của mỗi bang hay khu hành chính. Mỹ luôn sử dụng pháp luật quốc tế như là một vũ khí sắc bén để duy trì và củng cố vai trò cường quốc số một trên thế giới. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa ngày càng mở rộng như hiện nay thì chính sách của Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định của các tổ chức thế giới như WTO, IMF, WB. Các quan điểm của Mỹ về tự do hóa thương mại quốc tế là rất rõ ràng. Tự do hóa thương mại quốc tế được thực hiện thông qua các thỏa thuận đa

phương trong khuôn khổ WTO và tạo ra nhiều ảnh hưởng có lợi đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, được lợi nhiều nhất trong quá trình này là Mỹ và các nước phát triển khác. Kể từ thời điểm thành lập WTO, Mỹ đã tích cực tham gia vào công việc của tổ chức này, mở rộng lĩnh vực hoạt động và gia tăng số thành viên. Mỹ cũng là nước tích cực theo đuổi chính sách đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại khu vực thông qua hình thức ký kết các hiệp định thương mại khu vực. Mỹ đã ký hiệp định thương mại tự do với Canada năm 1988, với Mêhicô năm 1992. Ngày nay khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã liên kết vùng lãnh thổ khổng lồ với 370 triệu dân và chiếm hơn 20% thị phần trong nền kinh tế thương mại thế giới [3, tr. 7]. Mỹ cũng coi việc gia nhập APEC của mình có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thúc đẩy ngoại thương Mỹ tăng trưởng. Ngoài việc thực hiện chính sách tự do hóa thương mại thế giới trên cơ sở đa phương và khu vực, Mỹ còn tích cực sử dụng chiến lược thỏa thuận song phương để điều tiết quan hệ với các đối tác thương mại chính và có triển vọng.

Sử dụng hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng là nội dung phổ biến trong hệ thống chính sách thương mại của Mỹ. Có thể chia hạn ngạch nhập khẩu của Mỹ thành hai loại: hạn ngạch thuế quan và hạn ngạch tuyệt đối.

Hạn ngạch thuế quan quy định số lượng của mặt hàng đó được nhập vào Mỹ với mức thuế giảm trong một thời gian nhất định. Không hạn chế về số lượng nhập vào đối với mặt hàng này nhưng số lượng nhiều hơn mức quota được phân bổ trong thời gian đó sẽ bị đánh thuế xuất nhập khẩu cao hơn. Hạn ngạch tuyệt đối quy định số lượng một mặt hàng vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ không được nhập vào Mỹ trong thời hạn của quota. Hàng nhập quá số lượng theo quota sẽ phải tái xuất hoặc lưu kho trong suốt thời hạn của quota.

Trong hệ thống chính sách thương mại của mình, Mỹ rất chú trọng đến việc sử dụng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP) như là một công cụ quan trọng trong việc cụ thể hóa chính sách ngoại thương của Mỹ đối với các nước, các khu vực khác nhau. Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập là hệ thống ưu đãi về thuế mà Mỹ dành cho các nước đang phát triển theo chế độ đơn phương, không đòi hỏi có đi có lại, mức

thuế ưu đãi hơn mức quy chế tối huệ quốc (MFN). Những mặt hàng nhập của các nước đang phát triển, mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP phải đáp ứng tiêu chuẩn mà Mỹ đề ra. Mỹ quy định rằng một nước được hưởng GSP của Mỹ khi đã phát triển đến mức đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì sẽ phải rút lui khỏi danh sách được hưởng GSP của Mỹ. Theo luật thương mại, Mỹ có quyền hạn chế sự ưu đãi vì nhu cầu cạnh tranh với mục đích là: khi một hoặc những sản phẩm của một nước đã đủ sức cạnh tranh rồi thì không cần ưu đãi thuế quan nữa, giành ưu đãi cho những nhà sản xuất khác còn non yếu trong cạnh tranh, bảo hộ người sản xuất trong nước. Mục tiêu GSP của Mỹ không chỉ nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, mà luôn được tính đến để bảo hộ nền công nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Luật chống bán phá giá và bù trừ trợ cấp là biện pháp phổ biến mà chính phủ Mỹ thường dùng để bảo hộ hàng sản xuất trong nước, chống sự cạnh tranh của hàng nước ngoài vào thị trường Mỹ. Luật này cho phép chính phủ Mỹ áp thuế chống bán phá giá, đó là loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu được bán ở thị trường Mỹ với mức giá thấp hơn giá trị đúng của thị trường, tức là thấp hơn giá bình thường bán ở nước sản xuất. Thuế bù trừ trợ cấp, là loại thuế được áp dụng để làm vô hiệu hóa tác động trợ cấp của Chính phủ nước ngoài dành cho hàng hóa của họ khi xuất khẩu hàng sang Mỹ. Theo lý luận của các nhà hoạch định chính sách nước Mỹ thì việc trợ cấp này làm cho giảm giá hàng xuất khẩu vào Mỹ một cách cố ý và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất của Mỹ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ doc (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)