trên thị trường Mỹ
Hoạt động XKTS phát triển đã tạo vị thế mới của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, từ chỗ thủy sản Việt Nam không có tên trong danh sách các nước XKTS, đến năm 2004 Việt Nam đã đứng thứ 7 trong nhóm nước dẫn đầu về XKTS sang thị trường Mỹ.
Các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân công dồi dào là những thuận lợi cơ bản giúp cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giảm được giá thành sản phẩm nâng cao được năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản trên thị trường Mỹ. Lợi thế này cũng giúp ngành thủy sản Việt Nam ngày càng được chiếm được thị phần lớn tại thị trường Mỹ đặc biệt là đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như cá tra, cá basa, các loại tôm sú..
Thủy sản xuất khẩu phát triển đã thúc đẩy phong trào nuôi trồng phát triển nhất là các sản phẩm tôm, cá tra, cá basa. Việt Nam đã xây dựng được quy trình sản xuất
giống và nuôi thương phẩm nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao cả trong nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ là tôm sú và cá tra, cá basa luôn được các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng và hương vị tự nhiên. Phần lớn hàng thủy sản xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường Mỹ. Trình độ công nghệ trong chế biến ngày một nâng cao, cùng với sự khéo léo của đội ngũ lao động chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm GTGT và tiện ích phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người Mỹ.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản Việt Nam hiện nay chủ yếu là theo chiều rộng, phát huy tiềm năng nguồn lợi và điều kiện tự nhiên là chính thể hiện qua việc tăng diện tích nuôi trồng, tăng số lượng tàu thuyền khai thác. Khu vực sản xuất nguyên liệu chưa đáp ứng đủ nhu cầu của chế biến xuất khẩu cả về sản lượng và chất lượng. Sự mất cân đối giữa hai khu vực đã khiến năng lực công nghệ của chế biến chưa được khai thác có hiệu quả. Chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu thiếu ổn định. Tỷ trọng hàng chế biến GTGT tuy có tăng lên nhưng an toàn vệ sinh vẫn còn trong tình trạng bấp bênh và không ổn định. Việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu do các hộ gia đình đảm nhiệm chưa theo quy mô lớn, mà các hộ gia đình này lại có ít hiểu biết về nuôi trồng cũng như kiến thức về kỹ thuật nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra nhiều. Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ theo quy trình từ "ao nuôi đến bàn ăn". Còn nhiều hạn chế trong các hoạt động dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu như các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông…
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự am hiểu đầy đủ về thị trường Mỹ dẫn đến năng lực cạnh tranh trong bán sản phẩm của Việt Nam kém hơn các nước khác. Phương thức tiếp thị và bán hàng tuy đã chuyển sang chủ động nhưng vẫn thông qua sử dụng thương hiệu của khách hàng, thường bán hàng qua các công ty trung gian cỡ nhỏ, ít được tiếp cận trực tiếp với các kênh phân phối lớn của Mỹ. Các thông tin, dự báo về thị trường còn thiếu cụ thể, không kịp thời đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản tại Mỹ. Việc Mỹ liên tục đưa ra những rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật để bảo hộ hàng sản xuất trong nước cùng với sự bất cập và lúng túng trong quản lý chất
lượng an toàn thực phẩm thuỷ sản Việt Nam ở các khâu sản xuất nguyên liệu, bảo quản và dịch vụ là những thách thức không nhỏ và dễ xảy ra rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Thủy sản, VASEP và các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dẫn đến việc lúng túng khi xảy ra tranh chấp với nước ngoài và giá xuất khẩu bị giảm do các doanh nghiệp chỉ chạy đua giảm giá để bán được hàng. Nhìn chung đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ marketting và công nhân kỹ thuật cao trong ngành thủy sản nước ta còn thiếu và yếu.
Sản phẩm tôm và cá là hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam xét về mặt chất lượng và giá cả, là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới nói chung và thị trường thủy sản Mỹ nói riêng. Tuy nhiên, để có thể đứng vững và phát triển trên thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm này một cách bền vững và thực hiện tốt những yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng và an toàn thực phẩm mà thị trường Mỹ yêu cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần thiết lập, mở rộng thêm các kênh phân phối để sản phẩm của Việt Nam ngày càng được giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng Mỹ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hàng chế biến GTGT đã tăng lên nhưng còn thấp trong tổng lượng hàng thủy sản xuất khẩu, do vậy các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong các khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản đòi hỏi ngành thủy sản Việt Nam phải có những nỗ lực to lớn nhằm đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, phát triển các sản phẩm mới cũng như vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh hàng thực phẩm theo các tiêu chuẩn HACCP.
Kết luận chương 2
Xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ những năm qua đã có bước phát triển đáng kể. KNXK hàng thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn 1994-2005 có bước tăng trưởng mạnh mẽ. KNXK sang Mỹ năm 2005 đạt 633,98 triệu USD, gấp hơn 100 lần so với năm 1994 (5,78 triệu USD). Tuy nhiên, hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam mới chiếm thị phần nhỏ bé trên thị trường Mỹ. Cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Mỹ còn rất nghèo nàn, đơn điệu, mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng
như tôm, cá tra, cá basa…Phương thức xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu qua đại lý trung gian đến những nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chưa có điều kiện thâm nhập sâu vào hệ thống phân phối của Mỹ.
Những mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ như tôm, cá các loại có những ưu thế so với sản phẩm tương tự của các nước về giá cả, hương vị, màu sắc. Các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực dồi dào là thuận lợi cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những điểm yếu của hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ là thương hiệu, khả năng đáp ứng các điều kiện về rào cản kỹ thuật, chiến lược bán hàng, cơ cấu, chủng loại mặt hàng, khả năng đối phó với những sức ép từ phía Mỹ để bảo trợ cho ngành sản xuất thủy sản của nước Mỹ… Năng lực cạnh tranh thấp so với các nước tiềm năng xuất khẩu thủy sản lớn, thâm nhập sớm hơn vào thị trường Mỹ và có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường Mỹ như Thái Lan, Trung Quốc là hạn chế lớn nhất của sản phẩm thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong điều kiện mức độ cạnh tranh trên thị trường Mỹ ngày càng gay gắt, hàng loạt những vấn đề phức tạp đã và đang nảy sinh như sự chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu của thủy sản Trung Quốc, tính chất bảo hộ của Mỹ đối với sản xuất thủy sản trong nước ngày càng tinh vi hơn… đòi hỏi hàng thủy sản Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu rất cao mới có thể đứng vững trên thị trường Mỹ. Để thực hiện được mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư phát triển sản xuất, đến các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Hàng thủy sản Việt Nam phải có sự nâng cao chất lượng, đặc biệt trong khâu kiểm soát VSATTP; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu. Các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ Chính phủ, sử dụng nhiều biện pháp để thâm nhập vào hệ thống phân phối thủy sản của Mỹ; nâng cao khả năng hiểu biết về thị trường và pháp luật Mỹ để vượt qua các rào cản về thương mại và kỹ thuật của Mỹ đối với hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam.
Chương 3
Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ