Đổi mới công tác quy hoạch hệ thống cảng biển

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM (Trang 122 - 125)

V. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT

1. Đổi mới công tác quy hoạch hệ thống cảng biển

Theo định hướng của Đảng trong "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", nước ta phải phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, kinh tế biển phải đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời phát triển cảng biển, vận tải hàng hải và công nghiệp đóng tàu sẽ là 1 trong nhóm 4 ngành kinh tế được Nhà nước định hướng đẩy mạnh phát triển trong kế hoạch 5 năm 2006-2010. Tuy nhiên, trong khi kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao và nhà nước muốn đưa kinh tế biển vào vị trí chủ đạo để bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế quốc dân thì với những cảng biển hiện có, chúng ta lại đang rất lạc hậu so với

một số nước trong khu vực và trên thế giới. Thực trạng này cũng một phần là do công tác quy hoạch cảng biển thời gian qua đã bộc lộ nhiều yếu kém và không đồng bộ, dẫn đến lãng phí, đầu tư manh mún dàn trải gây thiệt hại tiền của và tài nguyên quốc gia. Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới cần tiến hành đổi mới công tác quy hoạch hệ thống cảng biển, cụ thể thông qua một số biện pháp sau:

- Cần phải xây dựng được một quy hoạch khoa học có tầm nhìn chiến lược ít nhất từ 50 năm trở lên.

Hoạt động đầu tư phát triển cảng biển có đặc trưng đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, chịu nhiều biến động kinh tế quốc tế, do đó nhất thiết phải xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam trong những năm gần đây chỉ gói gọn trong vòng 20 năm (năm 1999 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2010 và định hướng đến 2020, và sắp tới đây chúng ta đang tiến hành xem xét ra quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến 2030). Do tầm nhìn của quy hoạch ngắn và năm mục tiêu để lập dự báo khá gần nên quy hoạch được phê duyệt vẫn chỉ mang tính chất phát triển tiếp theo những cảng biển hiện có, dẫn đến tình trạng đầu tư xây dựng cảng manh mún, bị động, đối phó với các nhu cầu phát sinh mà thiếu quy hoạch tầm xa để hoạch định cho những cảng chủ lực hiện đại có sức cạnh tranh cao trong tương lai.

- Nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng biển quan trọng ở các vùng kinh tế trọng điểm. Chỉ khi tiến hành dự báo đúng nhu cầu hàng hóa, chúng ta mới có thể xây dựng được kế hoạch đầu tư hợp lí. Ngược lại, nếu công tác dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng cao hơn nhu cầu thực tế sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vượt quá nhu cầu cần thiết, gây lãng phí tiền của cũng như tài nguyên đất nước hoặc nếu dự báo nhu cầu thấp hơn thực tế sẽ tiến hành xây dựng nên các cảng biển có công suất không đáp ứng được, dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng hóa tại cảng lớn như Cảng Sải Gòn, Cảng Hải Phòng trong thời gian qua.

- Tiến hành mời các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín tham gia lập, góp ý kiến hoặc phản biện quy hoạch xây dựng cảng biển để đạt được hiệu quả cao trong quá trình xây dựng quy hoạch.

- Đồng thời phải tính toán tới điều kiện địa lí, lựa chọn địa điểm xây dựng cảng hợp lí đảm bảo cho luồng tàu đủ điều kiện tiếp nhận tàu bè cập cảng làm hàng, tránh tình trạng xây dựng cảng biển xong phải chờ mở đường, nạo vét luồng lạch mới có thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước như ở một số Cảng ở Bà

Rịa- Vũng Tàu thời gian qua: hầu hết các dự án cảng biển trong khu vực này

không có đường giao thông để thi công xây dựng cũng như khai thác các dự án cảng biển trong năm 2009, 2010 và những năm sau theo đúng kế hoạch của các nhà đầu tư; quy mô và tổng mức đầu tư các dự án là rất lớn nhưng hiện trạng hạ tầng giao thông sau cảng phục vụ quá trình thi công, khai thác cảng sau này hầu như chưa có gì, chưa đúng với cam kết về đầu tư công trình ngoài hàng rào sau cảng, từ đó việc triển khai đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Hay như cảng nước sâu Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng phát triển mở rộng thành cảng cửa ngõ quan trọng của khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do tính toán điều kiện địa lí không kĩ càng đã dẫn tới việc xây cảng nước sâu nhưng luồng lạch vào cảng lại chỉ dành cho tàu có tải trọng thấp. Do đó, mặc dù Cảng được hoàn thành vào năm 2004 và đưa vào khai thác 3 bến với chiều dài cầu tàu 680m, độ sâu trước bến 12m để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 40 ngàn tấn, nhưng từ khi đưa vào khai thác đến nay chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải 15 - 20 ngàn tấn cập bến do độ sâu của luồng vào cảng chỉ cho phép tàu dưới 25.000 tấn ra vào. Do đó, mặc dù tổng vốn đầu tư vào cảng Cái Lân khoảng gần 2.000 tỷ đồng nhưng hiện nay, lại phải bỏ thêm 300 tỉ đồng để tiến hành nạo vét thông luồng cho tàu có trọng tải 40.000 tấn cập cảng. Hoặc như cảng Cái Cui– được quy hoạch xác định là một trong hai cảng biển container có công suất bốc xếp, vận chuyển hàng hóa lớn nhất của cụm cảng Cần Thơ, tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 20 ngàn cập cảng nhưng do luồng lạch quá cạn, chỉ có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải

5.000 tấn. Sở dĩ như vậy là do cảng Cái Cui nằm trên sông Hậu, nhưng hệ thống luồng lạch ở sông Hậu hiện nay rất cạn nên chỉ có tàu có tải trọng dưới 5.000 tấn mới vào được. Do đó, hiện nay lại phải xây dựng luồng tàu từ biển vào sông Hậu để có độ sâu ổn định, cho tàu biển có tải trọng 10 ngàn tấn đầy tải và tàu 20 ngàn tấn giảm tải hoạt động quanh năm với tổng vốn đầu tư cho toàn bộ tuyến này gần 3.200 tỷ đồng, dự kiến thực hiện đến năm 2010. Như vậy, nếu tính toán điều kiện địa lí, luồng lạch kĩ càng trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển, chúng ta đã có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước.

- Quy hoạch cảng phải đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa cảng với mạng lưới đường sông, đường bộ và đường sắt nhằm tạo ra được dây chuyền vận tải thông suốt đưa hàng đến và rút hàng đi, tránh sự rối loạn và ách tắc cho các cảng đồng thời cũng phải tính toán xây dựng vùng hậu phương rộng lớn cho cảng (vùng nguyên liệu hoặc các khu vực sản xuất hàng hóa) để đảm bảo cung ứng đều đặn và liên tục cho cảng hoạt động, tránh tình trạng trong một tuyến đường biển lại tiến hành xây dựng nhiều cảng trong khi chưa tính toán kĩ lưỡng nguồn hàng có thể đảm bảo hoạt động cho từng cảng dẫn tới việc cạnh tranh gay gắt giữa các cảng trong cùng một khu vực để giành được khách hàng.

- Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xác định quy mô và công năng cho các cảng như cảng tổng hợp, cảng container, cảng chuyên dùng, cảng địa phương... trên cơ sở quy hoạch thống nhất của quốc gia, đồng thời cũng cần phải xác định và ưu tiên xây dựng một số cảng lớn có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM (Trang 122 - 125)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w