a) Phân loại theo nội dung kinh tế:
Là việc sắp xếp các chi phí có nguồn gốc kinh tế ban đầu đồng nhất, không phân biệt chi phí đó phát sinh trong lĩnh vực nào của quá trình sản xuất. Theo cách phân loại này thì chi phí sản xuất bao gồm:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu: là toàn bộ chi phí về các nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, phụ tùng thay thế, vật liệu thiết kế xây dựng...
- Chi phí nhiên liệu, động lực sử dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh trong kỳ như: xăng dầu, trừ một số dùng không hết nhập kho và phế liệu thu hồi.
- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp lương: là các khoản tiền lương và phụ cấp phải trả cho công nhân viên chức.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định: là tổng số khấu hao phải trích trong kỳ của tất cả tài sản cố định dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Chi phí BHXH, BHYT, kinh phí sinh hoạt Công đoàn (KPCĐ): trích theo tỷ lệ % quy định trên tổng số tiền lương và phụ cấp lương phải trả cho công nhân viên tính vào chi phí.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: toàn bộ chi phí dịch vụ mua ngoài dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh như tiền điện, nước...
- Chi phí khác bằng tiền: đó là khoản chi phí chưa phản ánh vào các khoản chi phí trên.
Phân loại chi phí theo cách này tạo điều kiện cho xây dựng, thi công, lập, kiểm tra, phân tích dự toán chi phí và phân tích định mức vốn lao động cho các công trình.
b) Phân loại theo khoản mục trong giá thành gồm có:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: bao gồm tất cả các chi phí cho vật liệu chính, vật liệu phụ, dùng trực tiếp để xây dựng lắp đặt công trình, hạng mục công trình như sỏi, đá, gạch, xi măng....
- Chi phí nhân công trực tiếp: là các chi phí tiền lương chính, lương phụ, phụ cấp lương của công nhân trực tiếp tham gia xây lắp công trình. Không bao gồm các khoản trích theo lương như kinh phí sinh hoạt Công đoàn, BHXH, BHYT của công nhân trực tiếp xây lắp.
- Chi phí sử dụng máy thi công: là chi phí cho các máy thi công nhằm thực hiện khối lượng công tác xây lắp bằng máy như chi phí khấu hao cơ bản máy thi công, chi phí sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên của máy móc thiết bị, tiền lương của nhân viên điều khiển máy thi công và các chi phí khác của máy thi công...
- Chi phí sản xuất chung: Là các khoản mục chi phí không liên quan trực tiếp đến việc hoàn thành khối lượng công tác và kết cấu xây lắp của công trình nhưng rất cần thiết cho quá trình thi công, bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp lương, phụ cấp lưu động phải trả cho nhân
viên quản lý tổ đội xây dựng; khoản trích BHXH, BHYT, kinh phí sinh hoạt Công đoàn được tính theo tỷ lệ % quy định của nhân viên quản lý tổ đội và công nhân trực tiếp tham gia xây dựng, nhân viên sử dụng máy thi công; chi phí khấu hao tài sản cố định dùng cho hoạt động của tổ đội sản xuất…
Phân loại chi phí theo tiêu thức này chỉ rõ chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra cho từng lĩnh vực hoạt động, từng địa điểm phát sinh chi phí, công dụng kinh tế của chi phí và nơi gánh chịu chi phí làm cơ sở cho việc tính giá thành sản phẩm xây lắp theo khoản mục.
c) Phân loại theo mối quan hệ giữa chi phí và đối tượng chịu chi phí:
Theo cách phân loại này thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp được chia thành 2 loại: chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
- Chi phí trực tiếp: là chi phí có liên quan trực tiếp tới quá trình sản xuất và tạo ra một công trình, hạng mục công trình. Những chi phí này có thể tập hợp trực tiếp cho từng công trình, hay hạng mục công trình độc lập như: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp...
- Chi phí gián tiếp: là chi phí sản xuất liên quan đến nhiều đối tượng chịu chi phí, chúng cần được phân bổ theo tiêu thức phù hợp cho từng đối tượng.
Cách phân loại này có ý nghĩa đối với việc xác định phương pháp kế toán tập hợp và phân bổ chi phí cho các đối tượng một cách hợp lý.
d) Phân loại chi phí theo mối quan hệ giữa chi phí với khối lượng sản phẩm hoàn thành:
- Chi phí cố định (định phí): là chi phí không thay đổi về mặt tổng số so với khối lượng công việc hoàn thành như chi phí khấu hao tài sản cố định tính theo phương pháp khấu hao bình quân, chi phí thuê mặt
bằng... Các chi phí này nếu tính cho một đơn vị sản phẩm thì lại biến đổi khi sản lượng thay đổi.
- Chi phí biến đổi (biến phí): là những chi phí thay đổi về tổng số tỷ lệ so với khối lượng công việc hoàn thành như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp. Các chi phí này tính trên một đơn vị sản phẩm thì lại có tính chất cố định.
- Chi phí hỗn hợp: là chi phí mà bản thân nó bao gồm cả yếu tố định phí và biến phí.
Phân loại chi phí theo cách này có tác dụng lớn trong quản trị doanh nghiệp, là cơ sở để doanh nghiệp xây lắp xây dựng giá thầu hợp lý, tạo cơ hội để thắng thầu, là cơ sở phân tích mối quan hệ giữa chi phí - khối lượng - lợi nhuận, phân tích điểm hòa vốn phục vụ cho việc ra các quyết định kinh doanh đúng đắn.
Mỗi cách phân loại chi phí có ý nghĩa riêng, song lại có mối quan hệ với nhau, bổ sung cho nhau nhằm phục vụ công tác quản lý được tốt hơn. Trong ngành xây dựng cơ bản hiện nay, doanh nghiệp thường áp dụng cách phân loại chi phí theo khoản mục bởi nó thuận tiện cho việc lập dự toán xây dựng cũng như xác định mức độ ảnh hưởng của các khoản chi phí đến giá thành sản phẩm.