Cơ sở pháp lý quản lý TTKT ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Quản lý tập trung kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị tăng cường công tác quản lý tập trung kinh tế ở Việt Nam (Trang 76 - 79)

II- Quản lý TTKT ở Việt Nam

2- Cơ sở pháp lý quản lý TTKT ở Việt Nam

Cơ sở pháp lý quản lý TTKT ở Việt Nam gồm các văn bản Luật và các Nghị định. Căn cứ vào góc độ nhìn nhận về TTKT trong quản lý, quá trình phát triển các cơ sở pháp lý này được chia thành hai giai đoạn như sau:

2.1- Giai đoạn 1 (1990- 2003)

Năm 1990, Luật Công tyLuật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành đã ghi nhận quyền quyết định việc sáp nhập công ty TNHH của các thành viên, quyền chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần của thành viên công ty TNHH và công ty cổ phần.

Năm 1995,Luật Doanh nghiệp Nhà nước ban hành đã quy định việc sáp nhập là một trong những giải pháp tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước (Điều 20 Luật Doanh nghiệp Nhà nước).

Năm 1997, Nhà nước ban hành Luật Hợp tác xã, ghi nhận quyền hợp nhất các hợp tác xã với nhau.

Tuy nhiên, các quy định kể trên đơn giản là việc ghi nhận các quyền cơ bản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc thành viên của công ty. Ngay cả thủ tục để thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất chưa được quy định cụ thể.

Năm 1999, Luật Doanh nghiệp được ban hành thay thế cho Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 đã ghi nhận khá đầy đủ về các giải pháp tổ chức lại công ty, trong đó có hai giải pháp liên quan trực tiếp đến tập trung kinh tế là sáp nhập và hợp nhất công ty; ngoài ra các quy định về

chuyển nhượng vốn, mua bán cổ phần, phát hành cổ phần, cổ phiếu được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn so với hai đạo luật mà nó kế thừa.

Năm 2003, ban hành Luật Doanh nghiệp Nhà nước (sửa đổi một số Điều của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Trong đó đã quy định và xây dựng lộ trình, thủ tục thực hiện các biện pháp tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu đối với công ty nhà nước

gắn liền với tập trung kinh tế như sáp nhập, hợp nhất, khoán, cho thuê, bán toàn bộ hoặc một phần công ty nhà nước.

Nhìn chung, các văn bản pháp lý quản lý TTKT được ban hành trong giai đoạn 1990-2003 mới chỉ ghi nhận, bảo vệ các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng vốn góp, mua bán cổ phần và liên doanh thành lập

doanh nghiệp với tính chất là các hoạt động thuộc quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp chứ chưa nhìn nhận chúng dưới góc độ cạnh tranh; chưa đề cập đến nhiệm vụ quản lý, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2.2- Giai đoạn 2 (Từ năm 2004 đến nay)

Ngày 3/12/2004,Luật Cạnh tranh được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005. Luật đã quy định về các hình thức tập trung kinh tế, các biện pháp kiểm soát TTKT, các hành vi vi phạm trong quản lý TTKT ở Việt Nam. Đây là văn bản Luật đầu tiên ở Việt Nam chính thức nhìn nhận các hoạt động TTKT dưới góc độ cạnh tranh và quy định nhiệm vụ quản lý TTKT để bảo vệ, thúc đẩy môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế.

Năm 2005, có ba văn bản Luật và hai Nghị định đã được thông qua có quy định các vấn đề liên quan đến TTKT. Cụ thể là:

Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã đưa ra quy định về quyền sáp nhập và hợp nhất các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 có nhiều quy định có liên quan trực tiếp đến TTKT và quản lý TTKT bao gồm: quy định về việc mua lại tài sản được coi là hành vi tạo lập quyền kiểm soát, chi phối doanh nghiệp khác; các quy định về đến thủ tục đăng ký kinh doanh, tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn góp, mua bán cổ phần trong pháp luật về doanh nghiệp; Các quy định về nghĩa vụ thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn của công ty TNHH, thông báo tiến độ góp vốn cổ phần của công ty cổ phần; Nghĩa vụ đăng ký với

cơ quan đăng ký kinh doanh về việc có cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên…Những quy định trên giúp cho việc điều tra thông tin về các vụ tập trung kinh tế được thuận tiện, nhanh chóng.

Luật Đầu tư năm 2005 quy định hoạt động tập trung kinh tế bao gồm: thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.

Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh

Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh

Năm 2006, đã có một văn bản Luật chuyên ngành và ba Nghị định được ban hành có quy định về TTKT, đó là:

Luật Chứng khoán năm 2006 đã quy định các trường hợp doanh nghiệp muốn mua trên thị trường chứng khoán phải gửi “đăng ký chào mua” tới Uỷ ban Chứng khoán nhà nước. Ngoài ra, Luật này còn quy định việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 Về đăng ký kinh doanh

Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

Năm 2007, Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ đựơc ban hành nhằm dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nhận định rằng các quy định về TTKT và quản lý TTKT ở Việt Nam hiện nay tương đối toàn diện và đồng bộ. Luật Cạnh tranh là văn bản Luật chính trong quản lý TTKT. Một số quy định trong Luật Cạnh tranh đã được đưa vào các văn bản Luật trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Vậy trên thực tế, quản lý TTKT được tổ chức thực hiện như thế nào và đã đạt được những kết quả gì?

Một phần của tài liệu Quản lý tập trung kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị tăng cường công tác quản lý tập trung kinh tế ở Việt Nam (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w