Xã hội loài người đã trải qua những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau đòi hỏi sự quản lí nền kinh tế phù hợp, do đó vai trò quản lí kinh tế của Nhà nước cũng khác nhau.
- Dưới chế độ phong kiến, nền kinh tế rất yếu kém, thiếu đồng bộ: sản xuất chủ yếu tự cấp tự túc, phương thức sản xuất lạc hậu, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, vai trò quản lí nền kinh tế của Nhà nước chưa được chú ý.
- Cùng với sự ra đời của các nước XHCN, nền kinh tế chỉ huy (còn gọi là nền kinh tế kế hoạch hóa) xuất hiện. Ở nền kinh tế này, Nhà nước quản lí theo kế hoạch hoạt động của các cơ sở sản xuất (cụ thể là các xí nghiệp kinh tế XHCN), Nhà nước đề ra mọi quyết định theo kế hoạch đã lập sẵn về sản xuất và phân phối sản phẩm. Các cơ quan cấp dưới thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch Nhà nước giao với sự kiểm tra, giúp đỡ của Nhà nước. Như vậy, sự phân bổ nguồn lực cho sản xuất cũng như sự phân phối sản phẩm được sản xuất ra do Nhà nước quyết định. Do Nhà nước chịu trách nhiệm trong phân phối và tiêu thụ sản phẩm cũng như quyết định sản xuất nên các xí nghiệp dễ dàng trong định hướng và ổn định sản xuất. Tuy nhiên, do những tác động của ngoại cảnh nên nền kinh tế luôn bị biến động, mất cân đối cần phải điều chỉnh, vì thế, Nhà nước luôn phải can thiệp để ổn định nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc Nhà nước quản lí theo kế hoạch dẫn đến sự gò bó, thụ động trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở sản xuất cũng như mất động lực thúc đẩy tìm kiếm những phương án sản xuất hiệu quả, chi phí sản xuất vì thế thường rất cao, giá cả sản phẩm thường không phản ánh đúng thực trạng sản xuất của các cơ sở, thói quan liêu bao cấp nảy sinh từ đây.
- Nền kinh tế thị trường tự do: nền kinh tế này thể hiện sự phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa. Ở đó, việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai được quyết định thông qua thị trường: các quan hệ kinh tế của cá
nhân, doanh nghiệp được biểu hiện thông qua việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Nhiều nhà kinh tế học, trong đó có nhà kinh tế học người Anh Adam Smith (1723-1790) cho rằng: thị trường quyết định tất cả, thị trường có một sức mạnh vô hình chi phối quan hệ cung cầu, giá cả... thông qua thuyết Bàn
tay vô hình. Trong trường hợp này, vai trò quản lí nền kinh tế của Nhà nước bị lu
mờ. Tuy nhiên, thị trường tự do cũng có những khuyết tật mà từ đó phát sinh làm ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Một nhà kinh tế học người Anh khác, John Keynes đã đưa ra thuyết Bàn
tay Nhà nước. Theo John Keynes, không thể để cho thị trường tự do chi phối đến
mọi hoạt động kinh tế mà chỉ có Nhà nước can thiệp vào quản lý kinh tế, quan điểm này cũng không phù hợp với thực tế. Cho đến những năm 1970, nhà kinh tế Mỹ Samnelson đã đưa ra thuyết Vỗ tay bằng cả hai tay. Samnelson cho rằng để quản lý nền kinh tế thì cần phải phát huy cả vai trò của cả Nhà nước và vai trò của thị trường bởi với những thế mạnh của thị trường sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đáp ứng nhu cầu xã hội. Mặt khác, Nhà nước với tư cách là đại diện cho mọi chủ thể trong xã hội, vận dụng mọi quy luật kinh tế, mọi điều kiện kinh tế - xã hội để can thiệp, tác động vào nền kinh tế, sự tác động ấy có thể thúc đẩy, kìm hãm hoặc vừa kìm hãm theo chiều hướng này và thúc đẩy theo chiều hướng khác.
Tuy nhiên, thị trường tự do thường gây ra sự mất ổn định về vĩ mô như sự lạm phát, thất nghiệp hoặc khủng hoảng.
Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đều vận dụng nền kinh tế hỗn hợp, đó là nền kinh tế hoạt động dựa trên cơ sở kinh tế thị trường kết hợp với sự điều tiết của Chính phủ ở mức độ nhất định. Nền kinh tế này vừa hạn chế những những khuyết tật của nền kinh tế thị trường tự do vừa khắc phục những nhược điểm của nên kinh tế chỉ huy. Trong nền kinh tế này các xí nghiệp được tự do cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế còn Nhà nước sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô để tác động, điều tiết nền kinh tế theo mục tiêu đã định và can thiệp vào nền kinh tế khi có sự biến động.
Các công cụ kinh tế vĩ mô của Nhà nước được thể hiện thông qua các chính sách, có thể đó là chính sách kinh tế - công cụ can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực kinh tế nhằm điều chỉnh và hướng hoạt động đó theo hướng xác định hoặc chính sách nông nghiệp – là tổng thể các biện pháp can thiệp của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo mục tiêu xác định. Chính sách nông nghiệp là cầu nối giữa Nhà nước và các chủ thể sản xuất khác, do đó, nó có vai trò vô cùng quan trọng trong sự điều tiết nền kinh tế.
Chính sách nông nghiệp có tác động đến sản xuất nông nghiệp, nó tháo gỡ những khó khăn, những cản trở đối vói sản xuất nông nghiệp, nó hướng sản xuất nông nghiệp vận động theo đúng quy luật, đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu thị trường và của xã hội. Những tác động đó được thể hiện thông qua sự điều chỉnh các mối quan hệ trong ngành nông nghiệp cũng như giữa nông nghiệp và
các ngành khác, tạo điều kiện để mỗi ngành nói chung và nông nghiệp nói riêng khai thác tốt nhất nguồn lực của nó trong sản xuất, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.