NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
1. SỰ CẦN THIẾT VỀ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC. PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC.
Nhà nước là cơ quan quyền lực tối cao của mỗi quốc gia, là c ơ quan lập pháp và hành pháp, do đó, Nhà nước luôn luôn giữ vai trò quan trọng về quản lí kinh tế nói chung và kinh tế hợp tác nói riêng. Mặc dù một số quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường không cần bất cứ sự can thiệp nào của Chính phủ nhưng thực tế của nhiều nước trên thế giới cũng đã khẳng định: Nhà nước phải can thiệp vào nền kinh tế, thiếu nó nền kinh tế không phát triển bình thường được. Tuy nhiên, mức độ can thiệp của Nhà nước là vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế: sự can thiệp hời hợt sẽ không có tác dụng, ngược lại, nếu Nhà nước can thiệp quá sâu vào mọi hoạt động của nền kinh tế cả tầm vĩ mô và vi mô cũng sẽ làm chậm mọi tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, cụ thể là làm sai lệch sự hoạt động của các quy luật kinh tế như sự thủ tiêu cạnh tranh hay mất động lực phát triển của các tế bào kinh tế cơ sở.
Sự can thiệp của Nhà nước tới nền kinh tế được thể hiện qua các chính sách bởi chính sách là tổng thể các biện pháp can thiệp của Nhà nước nhằm hướng dẫn, điều tiết hoặc tạo ra những thế cân bằng theo những mục tiêu đã xác định. Do đó, để điều tiết nền kinh tế theo chiều hướng nào thì Nhà nước phải ban hành các chính sách hỗ trợ cho chiều hướng đó. Sự tác động của Nhà nước tới nền kinh tế có thể là cũng chiều để thúc đẩy nền kinh tế, ngược chiều để kìm hãm nền kinh tế hoặc chuyển hướng nền kinh tế theo một góc độ khác.
Trong điều kiện của Việt Nam, nền kinh tế chỉ huy với sự can thiệp rất sâu của Nhà nước thông qua cơ chế quản lí bao cấp một thời gian dài đã tạo nên một nền kinh tế lạc hậu, các tiềm lực kinh tế không được khai thác triệt để: lao động dư thừa, tiền vốn thiếu hụt, khai thác tài nguyên mất cân đối, nhiều ngành nghề không được quan tâm đầu tư phát triển... Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường với những cạnh tranh khốc liệt và nhiều khuyết tật như sự ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, độc quyền, khủng hoảng, thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo... đòi hỏi có sự quản lí phù hợp của Nhà nước. Sự quản lí của Nhà nước đã khai thác được lợi thế của hợp tác kinh tế và đề phòng những bất lợi của nền kinh tế mở - nền kinh tế thị trường. Với những yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế, quản lí nền kinh tế không chỉ giải quyết những vấn đề kinh tế trong nội bộ từng cơ sở mà còn phải gắn liền với yêu cầu công bằng xã hội, cần có sự đổi mới, có sự hợp tác giữa các khu vực, các thành phần kinh tế cũng như các quốc gia ...về kinh tế.
Chức năng quản lí của Nhà nước thể hiện ở chỗ: nó tạo ra khuôn khổ pháp luật (ngoài kinh tế) cho mọi hoạt động. Chính phủ đã sử dụng trò chơi kinh tế mà mọi người đều phải tuân thủ luật chơi. Chính phủ cũng đã có những biện pháp để sửa chữa những thất bại của thị trường, đảm bảo công bằng trong kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo rất sâu sắc, do dó, Chính phủ đã đưa ra những chính sách cụ thể về phân phối và phân phối lại thu nhập cho phù hợp như việc sử dụng các công cụ thuế, trợ cấp... . các chính sách tiền tệ, lãi suất, tài chính ... để tạo nên sự ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tránh lạm phát và suy thoái kinh tế.
Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế toàn cầu chi phối tới mỗi quốc gia cả về thị trường và về sản xuất, vai trò quản lí của Nhà nước càng trở nên quan trọng. Quản lí nền kinh tế của Nhà nước sao cho mỗi cơ sở, mỗi tế bào kinh tế khai thác tốt nhất thị trường toàn cầu thông qua các mối quan hệ hợp tác nhưng lại phải đủ sức đương đầu với những quy luật cạnh tranh khốc liệt cũng thông qua các quan hệ hợp tác.