LIÊN KẾT KINH TẾ TRONG NÔNG NGHIỆP

Một phần của tài liệu kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (Trang 46 - 50)

2.1. Khái niệm và nguyên tắc liên kết kinh tế

Thông thường, người ta hay dùng từ liên kết để chỉ việc đưa một bộ phận gia nhập một tổng thể, tuy nhiên, liên kết kinh tế không bao hàm một nghĩa rõ ràng như vậy bởi liên kết kinh tế là phương thức phát triển của chế độ hợp tác, nó phản ánh mối quan hệ về hợp tác và phân công lao động trong các quá trình sản xuất xã hội của các ngành, các địa phương, các đơn vị kinh tế, các thành phần kinh tế... Liên kết kinh tế chính là những phương thức hoạt động của các hình thức hợp tác kinh tế, liên kết kinh tế phát triển ngày càng phong phú, đa dạng theo sự phát triển của hợp tác kinh tế. Như vậy, tất cả các mối quan hệ kinh tế được hình thành giữa hai hay nhiều đối tác với nhau dựa trên những hợp đồng đã kí kết với những thỏa thuận nhất định được gọi là liên kết kinh tế.

Bởi liên kết kinh tế chính là biểu hiện của sự hợp tác kinh tế nên liên kết kinh tế cũng tuân theo những nguyên tắc của hợp tác kinh tế, đó là những nguyên tắc sau:

- Tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh: đây chính là mục tiêu của mọi hoạt động sản xuất của các cơ sở. Việc mở rộng quy mô sản xuất hay thay đổi các phương thức sản xuất của từng thành viên khi gia nhập tổ chức kinh tế hợp tác nói riêng hay khi thiết lập các mối quan hệ với các đối tác khác phải đạt mục tiêu hiệu quả.

- Tự nguyện: Việc liên kết kinh tế phải xuất phát từ nhu cầu của mỗi thành viên, không có sự gò ép mới thực sự hiệu quả.

- Bình đẳng và công bằng trong phân phối lợi nhuận và rủi ro: nguyên tắc này sẽ là động lực thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế.

2.2. Phương thức liên kết kinh tế

a) Liên kết dọc: Đây là phương thức liên kết mà các thành viên khi tham

gia liên kết sẽ làm chủ toàn bộ dây chuyền sản xuất, nó được thực hiện theo trật tự của các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh như liên kết giữa sản xuất với chế biến hoặc cả sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, phương thức liên kết này phát triển rất mạnh trong hầu hết các cơ sở sản xuất và đã

mang lại hiệu quả tốt, ví dụ: cơ sở chế biến hạt điều của tỉnh Long An liên kết với nông dân trong sản xuất hạt điều đã giúp cho nông dân tiêu thụ nhanh, không ứ đọng sản phẩm còn cơ sở chế biến có đủ nguyên liệu để hoạt động; công ty mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng liên kết với nông dân tạo nên mối quan hệ dây chuyền từ sản xuất mía nguyên liệu đến chế biến; công ty cao su Đắc Lắc liên kết với nông dân trong vùng để thu mua mủ cao su, giúp nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm….

Đặc biệt, hiện nay chuỗi liên kết 4 nhà từ nông dân đến nhà khoa học và kinh doanh bán lẻ đang được chú trọng, hình thức này đã được thực hiện qua việc kí kết các hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nông dân và bước đầu đã có tác dụng tốt, các doanh nghiệp và nông dân đã tìm đến với nhau qua mô hình tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

b) Liên kết ngang: là hình thức liên kết giữa các chủ thể nhằm mục đích

làm chủ thị trường sản phẩm.

Hình thức này được tổ chức dưới nhiều dạng, có thể thông qua các hội nghề nghiệp hoặc hiệp hội, ví dụ như Hiệp hội mía đường, hội chăn nuôi bò sữa... Các cơ sở liên kết với nhau là những cơ sở hoạt động độc lập nhưng có quan hệ với nhau và thông qua một bộ máy kiểm soát chung. Với hình thức liên kết này, ngành nông nghiệp có thể hạn chế được sự ép cấp ép giá nông sản của các cơ sở chế bíến nhờ sự làm chủ thị trường nông sản.

2.3. Hình thức liên kết kinh tế

Liên kết sản xuất

Là hình thức hợp tác giữa các chủ thể nhưng không thay đổi tư cách pháp nhân cũng như hình thức tổ chức của từng chủ thể. Thường thì việc liên kết chỉ thực hiện ở một số khâu hay lĩnh vực nào đó của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như liên kết giữa nông dân trồng mía và Công ty mía đường Lam Sơn đã không làm thay đổi tư cách pháp nhân của cả 2 chủ thể trên. Nông dân trồng mía có nhiệm vụ bán mía cho Công ty và Công ty phải chịu trách nhiệm mua hết số mía của nông dân theo hợp đồng đã kí giữa hai bên bất kể trên thị trường có sự biến động như thế nào.

Công ty cao su Đắc Lắc kí hợp đồng với từng hộ nông dân, công ty lo làm đất, cung cấp phân bón, giống, thuốc BVTV và các vật tư khác. Nông dân bán tòan bộ mủ cau su cho công ty theo giá thỏa thuận.

Liên doanh sản xuất

Là hình thức hùn vốn giữa các bên tham gia. Các bên tham gia hùn vốn sẽ là các thành viên của doanh nghiệp liên doanh, có quyền hạn trong quản lí doanh nghiệp, được hưởng lợi nhuận và chịu rủi ro theo số vốn đóng góp.

Sau khi hùn vốn liên doanh, có thể có những thay đổi sau:thường thì dẫn đến hình thành các doanh nghiệp mới nhưng cũng có thể không hình thành doanh nghiệp mới mà chỉ đổi mới phương thức hoạt động của doanh nghiệp cũ.

Chúng ta đang bước đầu của tiến trình hội nhập kinh tế, do đó, trong liên doanh, chúng ta khuyến khích không chỉ liên doanh với các đối tác trong nước mà còn với đối tác nước ngoài.

Trong các ngành sản xuất khác, chúng ta đã có nhiều Công ty liên doanh với nước ngoài như Liên doanh dầu khí giữa Việt Nam với Liên Xô (cũ); liên doanh sản xuất Cocacola giữa Việt Nam với Mỹ; Liên doanh với tập đoàn Chinfon (Đài Loan) chuyên lắp ráp, sản xuất xe gắn máy; Accor Việt Nam là công ty đa quốc gia liên doanh với Pháp trong hoạt động du lịch...

Trong nông nghiệp có liên doanh giữa Công ty chè Phú Đa (Thanh Sơn - Vĩnh Phú) liên doanh với Irắc trong sản xuất, chế biến chè. Phía Việt Nam đóng góp toàn bộ đất đai để làm nhà xưởng, đất trồng nguyên liệu, lao động và các cơ sở hạ tầng khác. Phía Irắc đóng góp toàn bộ trang thiết bị, máy móc để hoạt động.

Công ty chè Sông cầu (Thái Nguyên) liên doanh với Nhật Bản để sản xuất chè đen, chè xanh xuất khẩu. Phía Nhật bản đầu tư dây chuyền công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và ưu tiên mua khoảng 90% thành phẩm. Phía Việt Nam (cụ thể là Công ty chè Sông Cầu) chỉ đóng góp đất đai (vùng nguyên liệu chè), lao động và cơ sở nhà xưởng sản xuất.

Gần đây, ngày 18/3/2005 Công ty Anfa do ông Nguyễn Vĩnh Thái là giám đốc dự án và tập đoàn Farm - Fresh L.L.C do ông Abdul Rahim Phó tổng giám đốc thứ nhất làm đại diện đã kí văn bản hợp tác liên doanh đầu tư phát triển đàn cừu tại phía Nam Việt Nam.

Farm - Fresh L.L.C là tập đoàn quốc tế đa chức năng chuyên về thực phẩm có quy mô toàn cầu đến Việt Nam và kí kết văn bản hợp tác liên doanh lâu dài với Việt Nam. Tập đòan này có mặt trên thị trường từ năm 1977 và đang có hệ thống phân phối thực phẩm vào loại lớn nhất ở UAE. Đối tác sản xuất và cung cấp thực phẩm cho nó đang có tại các nước Úc, Bỉ, Trung Quốc, Đan Mạch, Ai Cập, Pháp, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Singgapo, Mỹ, Thái Lan...

Theo nội dung hợp tác liên doanh, từ 2005 đến 2008, tập đoàn Farm - Fresh sẽ giúp công ty Anfa từng bước xây dựng hệ thống đối tác vệ tinh nuôi cừu tại miền nam Việt Nam và áp dụng thành công hệ thống quản lý vĩ mô dự án chăn nuôi theo bộ tiêu chuẩn ISO 9001 và phát triển quy trình nuôi cừu theo tiêu chuẩn EUROGAP; từ năm 2008 đến năm 2010 Tập đoàn Farm - Fresh và Cty Anfa sẽ phối hợp xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến, đóng gói thịt cừu, tiến hành lai tạo dòng cừu kinh tế, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chuẩn giống cừu mới; từ năm 2010 sẽ tiến hành nuôi đại trà giống cừu mới tại các tỉnh phía Nam Việt Nam.

Ngoài ra, ở nhiều nơi đã đẩy mạnh phong trào liên doanh trong sản xuất nông nghiệp như huyện Bắc Hà (Lào Cai) liên doanh với Cty Hoa Viên - Trung Quốc để trồng hoa. Bắc Hà đã đưa 9 giống hoa hồng vào sản xuất và có sản phẩm xuất khẩu. Công ty Linh Dương ở Lào Cai cũng liên doanh với Xí Nghiệp

KHKT nông nghiệp - Công ty hữu nghị Trường Giang để trồng các loại hoa cao cấp như địa lan, hoa ly.

Liên hiệp hóa sản xuất

Là kiểu liên kết ở mức độ cao theo cả chiều dọc, chiều ngang theo một tổ chức thông nhất. Nói cách khác, sự liên kết này vừa làm chủ thị trường, vừa làm chủ dây chuyền sản xuất ở mức độ cao.

Nó có thể thể hiện ở các hình thức chủ yếu sau:

+ Xí nghiệp liên hiệp ngành: Là hình thức liên kết dọc giữa 2 khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến thành một tổ chức thống nhất hoặc liên kết giữa sản xuất với vận chuyển để tiêu thụ sản phẩm.

+ Liên hiệp các xí nghiệp ngành Là kiểu quản lí ngành ở phạm vi vùng hay toàn quốc. Nó là kiểu liên kết ngang nhằm liên kết các xí nghiệp độc lập trong toàn ngành. Các Liên hiệp xí nghiệp có chức năng vừa quản lí kinh tế vừa quản lí kỹ thuật. Hình thức này có tác dụng lớn trong phối hợp phát triển ngành hay vùng và giải quyết các vấn đề mà mỗi xí nghiệp không tự giải quyết được như quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng hay các công trình đầu tư...

Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Việt Nam là một dạng liên hiệp các xí nghiệp ngành sữa trên phạm vi toàn quốc. Năm 1976, lúc mới thành lập, Công Ty cổ phần Sữa Việt Nam ( VINAMILK) có tên là Công Ty Sữa - Cà Phê Miền Nam, trực thuộc Tổng cục thực phẩm.

Năm 1994, Công Ty Sữa Việt Nam (VINAMILK) đã xây dựng thêm một nhà máy sữa ở Hà Nội để phát triển thị trường tại miền Bắc, nâng tổng số nhà máy trực thuộc lên 4 nhà máy: (Nhà máy sữa Thống Nhất; Nhà máy sữa Trường Thọ; Nhà máy sữa Dielac và Nhà máy sữa Hà Nội).

Năm 1996, có thêm Xí Nghiệp liên doanh sữa Bình Định tại Qui Nhơn, góp phần đưa sản phẩm Vinamilk phục vụ rộng khắp đến người tiêu dùng khu vực miền Trung.

Năm 2000, công ty đã tiến hành xây dựng thêm Nhà máy sữa Cần Thơ; Xí nghiệp Kho Vận.

Năm 2002, công ty xây dựng thêm: Nhà máy cổ phần sữa Sài Gòn; Nhà máy sữa Nghệ An.

Năm 2004, công ty chuyển thành Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (VINAMILK).

Với sự hình thành này, Công ty cổ phần sữa Việt Nam đã liên kết được các xí nghiệp độc lập toàn ngành hàng sữa và phối hợp được khả năng phát triển ngành theo vùng trên phạm vi toàn quốc.

Tương tự, Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam đều được thành lập để phối hợp khả năng phát triển của ngành chè, cà phê trên cả nước.

Một phần của tài liệu kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (Trang 46 - 50)