Gắn tuyên truyền, vận động với những hoạt động thích hợp nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Mường ở Phú Thọ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 70 - 73)

cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Mường ở Phú Thọ giai đoạn hiện nay.

Trong điều kiện đời sống kinh tế, trình độ dân trí của người dân vùng Mường ở Phú Thọ còn nhiều hạn chế; những ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm và tư duy của người dân Mường nơi này, đặc biệt là lớp trẻ. Vì nhu cầu mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, vì mục đích vươn lên làm giàu (đôi khi rất tự do) của một bộ phận không nhỏ người Mường, đã làm xáo trộn đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng Mường, khiến cho nguy cơ “Kinh hoá” nền văn hoá Mường ở Phú Thọ đang ở mức báo động. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu trong công tác văn hoá tư tưởng ở Phú Thọ hiện nay là tuyên truyền, vận động, giáo dục cho người dân Mường hiểu được những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc mình; vai trò, chức năng và ý nghĩa của những di sản văn hoá ấy trong đời sống vất chất và tinh thần của con người, trong sự nghiệp phát triển chung của cả tỉnh và cả nước; giúp họ hiểu được vai trò quan trọng của chính họ trong sự khai thông dòng chảy văn hoá của dân tộc mình qua các thế hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai; giúp họ hiểu được không ai khác ngoài chính họ sẽ làm cho nền văn hoá của dân tộc mình trở nên tích cực, tiến bộ và có ích trong môi trường và cuộc sống công nghiệp hiện nay.

Để có thể tác động đến khách thể nhận thức một cách hiệu quả thì công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tư tưởng của tỉnh Phú Thọ nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá Mường thời gian tới cần tập trung vào những hình thức sau:

Một là, tiếp tục thực hiện chương trình hành động cụ thể hoá Nghị quyết Trung

ương năm (khoá VIII) và Kết luận Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Sở VH - TT - TT với các ban ngành đoàn thể trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và rộng khắp phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “gia đình văn hoá”, “Xoá hộ đói, giảm hộ nghèo”; đưa các tiêu chí về bảo vệ, phát huy các di sản văn hoá của dân tộc vào quy ước xây dựng làng văn hoá, và tiêu chuẩn gia đình văn hoá v.v…, nhằm mục đích xây dựng một môi trường văn hoá cơ sở lành mạnh, một đời sống văn hoá phát triển,

phát huy được tính chủ động sáng tạo của người dân trong tổ chức và hưởng thụ văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Làng xóm là cộng đồng dân cư ở nông thôn, nơi chứa đựng những phong tục tập quán truyền thống… ở Phú Thọ, có những làng xóm tới 90% là người Mường. Mục đích xây dựng làng, xóm văn hoá là làm cho nhân dân Mường có đời sống tinh thần phát triển, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ những giá trị văn hoá đó, loại bỏ các hiện tượng mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hiện tượng phi văn hoá trong các làng Mường.

Vì vậy, vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường cần phải được cụ thể hoá trong từng “quy ước làng xóm”, đó là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xét và phong tặng danh hiệu làng, xóm văn hoá. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân, đặc biệt là ngành VH - TT - TT cần tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm một số làng xóm văn hoá, tạo cơ sở để phổ biến, nhân rộng mô hình này. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm, chỉnh lý mô hình tạo phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, gia đình văn hoá, tạo hiệu ứng dây chuyền trong vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Hai là, các cấp, ngành chức năng cần có kế hoạch đầu tư cho công tác thống kê, sưu

tầm, bảo vệ những di sản văn hoá của người Mường trên địa bàn tỉnh một cách có hệ thống và thích đáng. Những di sản đang được lưu giữ tại các gia đình cũng cần được thống kê và bảo tồn tại chỗ như: Nhà sàn, Cồng, Chiêng; khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “chảy máu cổ vật” và sự hoán đổi vị trí “Nhà sàn về xuôi, nhà xây lên miền núi” như hiện nay. Đồng thời, có kế hoạch quảng bá các giá trị văn hoá đó trong các chương trình tuyên truyền tại chỗ “Tuổi trẻ với văn hoá cổ truyền dân tộc”, “Tuổi trẻ tìm về với cội nguồn văn hoá”…cùng với các hình thức giao lưu văn nghệ quần chúng của các tổ chức đoàn thể, nhằm tạo điều kiện cho người dân Mường tìm hiểu tiếp xúc với di sản văn hoá truyền thống. Qua đó, hình thành niềm tin và lòng tự hào, xoá bỏ những mặc cảm tự ti, xem việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống là nhiệm vụ thiêng liêng, vinh dự của dân tộc mình.

Ngoài ra, các hình thức, biện pháp tuyên truyền phải phù hợp với lối tư duy kinh nghiệm của người dân Mường, cần phải gắn với lợi ích thiết thân của họ; các hình thức tuyên truyền kiểu so sánh “tốt - xấu”, “xưa - nay”, “nên - không nên” cũng là những biện

pháp đã từng đem lại hiệu quả, nhưng không nên quá lạm dụng, nhất là khi tư duy kinh tế, trình độ dân trí, khả năng xử lý những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống của người dân đã được nâng lên.

Ba là, cần sử dụng và phát huy triệt để hệ thống các phương tiện tuyên truyền của

các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống các thiết chế văn hoá như: Đài phát thanh - truyền hình các cấp, các ấn phẩm báo chí, các trung tâm văn hoá - thể thao, bảo tàng, phim ảnh v.v…trong việc tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong tỉnh; nêu những gương điển hình trong vấn đề xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc.

Bốn là, ở các vùng đồng bào dân tộc Mường của Phú Thọ, phong trào toàn dân đoàn

kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư của Mặt trận tổ quốc cần có kế hoạch vận động tập hợp những người cao tuổi để truyền lại những giá trị truyền thống cho các thế hệ (những tinh hoa văn hoá hiện tồn như sử thi, truyện cổ, tục ngữ, ca dao, dân ca, nghệ thuật kiến trúc của người Mường trong làm nhà ở, tri thức về sản xuất, các nghề thủ công…) đã được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Tuy những người cao tuổi nằm ngoài hệ thống chính trị, nhưng vai trò và tiếng nói của họ có tác động mạnh mẽ đến các cư dân Mường. Vì vậy, sự kết hợp hài hoà giữa các thiết chế xã hội và các yếu tố truyền thống (có phần đóng góp của những người cao tuổi) là những biện pháp tích cực trong việc củng cố hệ thống chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở Phú Thọ hiện nay.

Năm là, trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, các di sản văn hoá của người Mường cần được mọi người nhận biết và cổ vũ để nó chứng tỏ bản sắc độc đáo, đích thực của riêng mình. Người Mường nói chung, người Mường ở Phú Thọ nói riêng luôn đề cao tính cộng đồng và bình đẳng, nên các loại hình văn hoá mà quần chúng vừa là tác giả, vừa là diễn viên, vừa là khán giả; đáp ứng được cả nhu cầu hưởng thụ, nhu cầu sáng tạo của nhân dân luôn được hưởng ứng và thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Do đó, các ngành chức năng cần quan tâm tổ chức các hoạt động tái hiện các giá trị văn hoá vật chất, tinh thần trong chính cộng đồng mà nó được sinh ra như: Liên hoan văn hoá quần chúng, các lễ hội dân gian, các hội thi tay nghề thủ công truyền thống…làm cho các giá trị văn hoá truyền thống sống dậy, sinh động và hấp dẫn hơn trong cuộc sống công nghiệp hiện đại hôm nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 70 - 73)