Nguyên nhân của thực trạng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 50 - 53)

Thứ nhất, nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về tổ chức và

quản lý văn hoá còn nhiều lệch lạc và chưa đồng bộ, sự yếu kém bộc lộ nhiều trong trình độ và khả năng quản lý của cán bộ và các cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động ở cơ sở, biểu hiện rõ nhất ở sự nhận thức một chiều về vai trò và vị trí của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước và của tỉnh. Mới chỉ nhìn thấy những tác động của sự phát

triển kinh tế - xã hội đến văn hoá, nhìn thấy những tác động tích cực và cả những tiêu cực của kinh tế thị trường đến những giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc, chứ chưa đánh giá được hết vai trò và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của văn hoá. Từ đó, các chính sách đầu tư cho hoạt động văn hoá còn chưa thoả đáng, việc sưu tầm, kiểm định, bảo vệ các giá trị văn hoá (đặc biệt là văn hoá phi vật thể) chưa thành hệ thống. Không có cán bộ chuyên trách văn hoá là người dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Từ chỗ không hiểu hết những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mường, đánh giá không đúng về phong tục tín ngưỡng, dàn dựng các chương trình văn hoá, văn nghệ dân gian thiếu tính thực tế... Trong hoạt động thực tiễn thường dẫn tới kết cục: Một là, nôn nóng cải tạo những tập tục cổ truyền, xoá bỏ một cách không chọn lọc làm mai một những giá trị văn hoá độc đáo, dẫn tới tình trạng Kinh hoá nền văn hoá Mường. Hai là, áp đặt máy móc những tiêu chí văn minh của người Kinh vào cộng đồng người Mường mà không nghiên cứu tới các đặc điểm tâm lý, tập quán nên dẫn tới tình trạng hủ tục không xoá hết mà văn minh cũng không tồn tại được.

Vấn đề tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động văn hoá của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên và đồng bộ. Quản lý văn hoá ở tầm vĩ mô chưa có hệ thống, lúc thì áp đặt hành chính, lúc thì buông lỏng, những chủ trương chính sách tuy được triển khai đến cơ sở, nhưng thiếu sự kiểm tra giám sát và còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực tế. Ở tầm vi mô cũng chưa có cơ chế quản lý phù hợp, tất cả trông chờ vào bộ máy hành chính cấp cơ sở, nhưng bộ máy này lại yếu về nhiều mặt, nhất là trình độ học vấn và năng lực chuyên môn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không khai thác hết những tiềm năng, không tận dụng được những nhân tố tích cực trong các thế hệ người Mường. Không phát huy được vai trò chủ động, tích cực của chủ thể giữ gìn, phát huy và sáng tạo văn hoá, góp phần đẩy nhanh sự mai một và biến thái các giá trị văn hoá Mường trong tỉnh.

Thứ hai, người Mường ở Phú Thọ sống trong khuôn khổ làng xã cổ truyền, thu nhập

chính là từ trồng trọt và chăn nuôi, thói quen canh tác cũ, lạc hậu, manh mún khá phổ biến. Tâm lý độc đoán gia trưởng, trọng nam khinh nữ, cục bộ địa phương…còn sót lại trong xã hội Mường xưa đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc, hạn chế quá trình học hỏi, tiếp thu, sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

Những quan niệm tôn giáo thần bí đã khép kín cuộc sống của người Mường trong tư duy vòng quanh từ “mường người” đến “mường ma”, với sự đùm bọc của cộng đồng, với những tài sản được sẻ chia sẵn có, với niềm tin vào sức mạnh tự nhiên, sức mạnh của “vật linh” đã tạo ra dòng họ. Mục tiêu của lao động của người dân Mường rất đơn giản, chỉ là sự đủ ăn, đủ mặc theo nghĩa tồn tại; tâm lý làm giàu, ý thức tích luỹ, tiết kiệm dường như là mới mẻ trong ý thức của mỗi người dân xứ Mường. Cũng từ tâm lý ấy nên tư duy của người Mường trong chuyện học hành của con em mình cũng chỉ là đơn giản “học cho biết chữ”, bản thân các em cũng không có ý thức vươn lên, đến lớp chỉ là cho vui, thậm chí là để trốn việc nhà... Ngay cả đội ngũ cán bộ cấp xã vẫn còn một số là trình độ tiểu học (0,52%), đại đa số chỉ có trình độ văn hoá cấp trung học cơ sở, trình độ lý luận chính trị chủ yếu là sơ cấp và trung cấp (99,21%), cán bộ quản lý nhà nước không được đào tạo bài bản, chủ yếu là chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày [70, biểu1,2].

Trình độ dân trí của vùng Mường nói chung là thấp, đội ngũ cán bộ cấp xã vừa thiếu về số lượng vừa yếu về năng lực và trình độ, chưa cập với yêu cầu công tác hiện nay. Chưa đáp ứng được những đòi hỏi cao và tinh tế của quá trình chọn lọc, phân loại những giá trị văn hoá và yếu tố hủ tục, phi văn hoá trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Mường trên quê hương của họ.

Thứ ba, ngoài những nguyên nhân nêu trên, Phú Thọ còn là một tỉnh miền núi

nghèo có rất nhiều khó khăn, kém lợi thế trong thu hút vốn đầu tư, đời sống sinh hoạt vật chất thấp kém, giao thông đi lại không thuận tiện, tiểu thủ công nghiệp kém phát triển, các ngành nghề truyền thống bị mai một, tập quán canh tác lạc hậu, xưa cũ, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, tình trạng sản xuất tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Các hộ gia đình không có lao động, không biết kinh doanh, công cụ sản xuất thiếu, khả năng kinh tế và thu nhập giữa các hộ không đồng đều. Chính bởi sự đói nghèo, đời sống sinh hoạt vật chất thấp kém đã làm cho họ phải dùng toàn bộ thời gian trong ngày để kiếm sống, các nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân ít được chú trọng, ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc trong bản thân những người dân Mường giảm xuống, các giá trị văn hoá độc đáo của cộng đồng mai một dần.

Đảng, Nhà nước đã chú ý đầu tư xây dựng các tụ điểm văn hoá, nhưng chủ yếu dồn về các khu vực thị trấn, thị tứ nơi có đông dân cư sinh sống; cuộc sống của đồng bào vùng cao, vùng sâu gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, vấn đề thiếu thông tin là khá

phổ biến. Đây là nguyên nhân làm cho chính những người chủ di sản cũng không hiểu hết những giá trị độc đáo trong kho tàng văn hoá của dân tộc họ, không thấy quý trọng sẽ không chủ động giữ gìn và đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng mai một bản sắc văn hoá của vùng Mường trong tỉnh.

Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đã xuất phát từ những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, của đồng bào Mường nói riêng. Nhưng việc chỉ đạo cụ thể hoá đường lối, chỉ thị, nghị quyết ở địa phương còn nhiều hạn chế, do những nguyên nhân khác nhau như: hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn nhiều bất cập, một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, yếu kém về năng lực và trình độ chuyên môn; các hiện tượng cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng và đặc biệt chính sách “gia đình trị” ở một số cán bộ cấp uỷ của địa phương đã không tạo ra được sự biến đổi tích cực về kinh tế ở vùng Mường.

Đặc biệt, trong thời kỳ hiện nay, sự tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường, sự cách biệt về kinh tế và mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và tâm lý của người dân; đến quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trong tỉnh Phú Thọ. Trong lối sống của một bộ phận những cán bộ và quần chúng nhân dân đã xuất hiện những thói hư tật xấu, những ham muốn ích kỷ, toan tính cá nhân, làm lu mờ những giá trị đạo đức nhân văn. Khi văn hoá bị biến thành hàng hoá sinh lợi nhuận thì những sản phẩm văn hoá phục vụ cho những nhu cầu tinh thần rất dễ bị thương mại hoá; do không hiểu hết giá trị, bị các cá nhân lợi dụng, nên các cổ vật có giá trị bằng cả một thời đại sáng tạo bị thất thoát vì mưu sinh. Sự tù túng chật hẹp, nghèo khó, thiếu thốn về vật chất và tinh thần chính là nguyên nhân nảy sinh những mong muốn được chở che, cứu giúp của tổ tiên và các thế lực ngoài con người, hoàn cảnh khó khăn chính là mảnh đất tốt nuôi giữ các hủ tục và tạo điều kiện cho các hiện tượng mê tín dị đoan phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 50 - 53)