Thực trạng việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Mường của bản thân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 46 - 50)

những người chủ di sản.

Ngày nay, những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nếp sống mới, xây dựng khu dân cư và làng xã văn hoá mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương năm (khoá VIII) được triển khai và thực hiện rộng khắp trong các xã và làng bản người Mường ở Phú Thọ. Một số lễ hội và hoạt động văn hoá truyền thống được phục hồi, duy trì và phát huy, đem lại nét sinh hoạt văn hoá phong phú, vui tươi, lành mạnh cho người dân. Các hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục… trong địa bàn người Mường sinh sống được các cấp uỷ đảng và chính quyền tạo điều kiện phát triển, đã cải thiện rất nhiều đời sống vật chất, thay đổi nếp nghĩ của bà con người dân tộc, làm cho đời sống văn hoá, xã hội ở vùng Mường có nhiều biến đổi theo chiều tiến bộ. Cụ thể:

Về văn hoá vật chất

Đời sống vật chất của người dân, trước hết được thể hiện trong các nhu cầu về ăn, ở, mặc, các phương tiện sinh hoạt, các phương tiện phục vụ cho sản xuất vật chất khác; những yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu, thị hiếu và cả những biến động của môi trường, lịch sử.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những tác động của kinh tế thị trường và quá trình tiếp biến, giao thoa văn hoá, đã làm cho các yếu tố văn hoá Mường (đặc biệt là văn hoá vật chất) có xu hướng Kinh hoá tương đối mạnh. Những nhu cầu và đòi hỏi về ăn, ở, mặc, đi lại… của người Mường ở Phú Thọ cũng không nằm ngoài quy luật vận động này. Trong những năm gần đây, cùng với việc di dân theo chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và nhà nước. Một mặt, đã tạo cơ hội cho đồng bào Mường giao lưu, học hỏi, nâng cao nhận thức, giúp họ thoát khỏi cuộc sống tự cấp, tự túc và khép kín trước đây. Mặt khác, cũng khiến cho mật độ dân cư tăng nhanh, nhu cầu khai thác nông, lâm sản phục vụ cho cuộc sống trở nên cấp bách, rừng và các tài nguyên rừng bị tàn phá nặng nề, môi trường sống bị thu hẹp, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt dần, hạn hán, lũ quét sảy ra thường xuyên, tập quán canh tác nương rẫy gặp rất nhiều khó khăn…Món “cơm

đồ” truyền thống bằng gạo nếp nương được thay bằng gạo nếp giống mới, nguồn thực phẩm tự nhiên từ rừng, từ suối như mộc nhĩ, nấm hương, rau, măng và các loài cá không còn dồi dào như trước đây nữa. Những loại cá ngon như cá Sỉnh, cá Lăng hiếm thấy hơn…Những tập tục đánh bắt cá truyền thống của người Mường không còn phổ biến như trước, những dụng cụ đánh bắt cá như “tậm pá”, “tỏng”, “mẹt”…trên các khúc suối nếu không bị lũ cuốn thì cũng bị các bè gỗ từ thượng nguồn xuống làm hỏng; những ngày hội đánh bắt cá của cả làng trong những ngày giáp tết, thưa dần rồi mất hẳn.

Sự cư trú xen kẽ giữa người Kinh và người Mường khiến cho các thiết chế xóm, mường trước đây bị phá vỡ. Sự cạn kiệt tài nguyên gỗ làm cho bóng dáng các ngôi nhà sàn dưới núi vắng dần, những nhu cầu về phát triển kinh tế, chăm sóc con cái, hưởng thụ mọi mặt của đời sống xã hội… làm cho xu thế “tách hộ” thành các tiểu gia đình diễn ra nhanh hơn. Xu hướng thay thế nhà sàn bằng nhà xây và nhà đất theo kiểu nhà của người Kinh vùng xuôi có chiều hướng gia tăng, những ngôi nhà sàn dài cho các đại gia đình cư trú trước đây ít dần. Cùng với những thay đổi trong kiến trúc nhà ở, những đồ dùng sinh hoạt, phong cách bài trí trong ngôi nhà cũng thay đổi theo. Những nơi quan trọng trong nhà (không được phép xê dịch trước đây) cũng đã thay đổi cho phù hợp với kiểu nhà mới - bếp đã được rời xuống căn nhà ngang tách biệt với nhà ở, gian thờ tổ tiên được chuyển từ cột chồ sang phần sát mái của gian chính giữa nhà, nơi ăn, nơi ngủ của các thành viên trong gia đình cũng được bố trí lại theo tuổi, theo giới tính cho phù hợp. Trong khuôn viên của gia đình, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và cả khu vệ sinh cũng được di rời ra xa khu nhà ở… Tất nhiên, sự sạch sẽ, vệ sinh là không thể phủ nhận, những tiện nghi hiện đại như đài, điện, ti vi, giếng nước sạch…rất cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của người Mường; nhưng phần nào cũng làm cho những nét đẹp truyền thống trong ngôi nhà sàn giảm bớt đi rất nhiều.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường, của mạng lưới giao thông, của các phương tiện đi lại thì sự trao đổi, cung ứng hàng hoá giữa các vùng của người Mường và người Kinh trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân Mường. Tình trạng thiếu đói không còn sảy ra thường xuyên như trước kia, đồng bào yên tâm sản xuất đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và từng bước chuyển dịch sang sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, của sự giao lưu và trao đổi hàng hoá thì những sản phẩm dệt may công nghiệp trở nên phổ biến, trong

Mường, trong bản không còn thấy bóng dáng của chiếc áo cóm hay chiếc váy dài duyên dáng. Tiêu chí “biết dệt vải, biết vá may”, không còn là quan trọng với những cô gái Mường ngày nay nữa. Cách ăn mặc của người Mường đang dần theo xu hướng Kinh hoá. Trong ngày cưới, các cô dâu là người dân tộc sẵn sàng đi cả nửa ngày đường để thuê về bộ váy đầm từ phố huyện chứ nhất định không chịu mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Đời sống vật chất và kinh tế của người Mường tỉnh Phú Thọ trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực; cơ bản không còn hộ đói, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh là 94.472 hộ (31.07%) nhưng chủ yếu tập trung ở một số huyện, trong đó Thanh Sơn là 57%, Yên Lập là 52.5% [4, tr.7]. Bởi thu nhập kinh tế chưa đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu thưòng ngày nên những bộ chiêng đồng, ninh đồng, thậm trí cả trống đồng do cư dân tìm thấy trong quá trình lao động sản xuất cũng bị bán đi để đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân họ và gia đình. Có những người (nhất là thế hệ trẻ) lại cảm thấy xấu hổ và mặc cảm khi mình xuất thân là người Mường, là người dân tộc thiểu số…Khi bản thân người chủ của những di sản không thấy được những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc mình, không cảm thấy sự cần thiết phải lưu giữ, phát huy thì đó là nguyên nhân cơ bản của sự thất thoát, mai một những giá trị văn hoá truyền thống.

Về văn hoá tinh thần: Bản sắc văn hoá, sự độc đáo trong văn hoá được thể hiện chủ

yếu trong đời sống tinh thần, những yếu tố như: tiếng nói, tín ngưỡng, tôn giáo, văn nghệ, lễ hội dân gian…là những giá trị được hình thành cùng với chiều dài lịch sử hình thành nên dân tộc, là những yếu tố để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác.

*Trước hết là ngôn ngữ: Phú Thọ có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, sự tiếp xúc và giao thoa đa chiều trong ngôn ngữ là không thể tránh khỏi, nhưng có lẽ xét về từ vựng thì tiếng mường ở Phú Thọ có tỷ lệ Kinh hoá rất cao. Trong mọi hoạt động, người Mường có xu thế dùng tiếng Việt thay cho tiếng Mường (nhất là vùng hạ huyện). Kết quả khảo sát ở các xã Giáp Lai, Thạch Khoán, Thục Luyện (huyện Thanh Sơn); các xã Tân Long, Hưng Long (huyện Yên Lập) cho thấy, chỉ có khoảng 30% thanh niên dưới 30 tuổi còn nói được tiếng Mường, 70% còn lại: phần thì nghe người khác nói thì hiểu nhưng không biết nói, phần thì vừa không nghe được cũng không hiểu được, những người lớn tuổi (trên

45), thường xuyên dùng tiếng Mường trong khuôn khổ gia đình, làng xóm, nhưng giao tiếp ra ngoài địa bàn thì dùng tiếng phổ thông.

*Trong tín ngưỡng, tôn giáo: Đây là lĩnh vực khó áp đặt của dân tộc này vào với dân tộc khác, những tinh hoa văn hoá bắt rễ sâu như thế nào trong đời sống cộng đồng, thì những hủ tục lạc hậu cũng có sức bền và sống lâu trong tiềm thức con người thế ấy, những biến động trong tầng sâu thẳm của tâm linh phải diễn ra trong rất nhiều năm và rất nhiều đời người. Các nghi lễ tang ma, lễ tết của người Mường ở Phú Thọ hiện nay đã được tinh giản đi rất nhiều so với trước; các nghi lễ thờ cúng có xu hướng tổ chức như người Kinh đã từ hàng trăm năm nay, chỉ có điều sự giản lược diễn ra rất chậm, giản lược từng phần và qua nhiều thế hệ người.

Số đông người Mường hiện nay (nhất là thế hệ trẻ) không tin vào những quan niệm vũ trụ vòng vo, huyền bí của các thế hệ cha ông mình, họ tự nguyện hạn chế tang lễ trong vòng một ngày đêm để đảm bảo sự tiết kiệm và vệ sinh chung. Một số các thủ tục phiền toái như: giữ người chết trong nhà nhiều ngày, con trai phải lăn đường, con dâu nằm lót mộ…được lược bỏ. Những hiện tượng: mổ trâu, mổ lợn cúng tế, ăn uống trong đám tang đã được lược bỏ dần (nhưng chưa phải đã hết). Khi được hỏi hầu như tất cả mọi người đều trả lời “đó là hủ tục”, nhưng họ vẫn chấp nhận, giống như một sự báo hiếu với người đã khuất và thể hiện tình cảm với dân làng. Trước đây, người Mường không có tục cải táng, nhưng trong những năm gần đây tục này đã khá phổ biến, hầu hết các mộ sau khi cải táng đều được đưa về tập trung trong khu mộ dành cho gia đình, dòng họ; đảm bảo gọn gàng và vệ sinh. Tục thờ cúng của người Mường hiện nay khá đơn giản, ngoài nghi lễ “giỗ đầu” các gia đình có mời thêm số ít anh em, bạn bè thân thích, còn các dịp cúng giỗ khác chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, hình thức chỉ là mâm cơm cúng đơn giản để “nhớ ngày” mà ông (bà), cha (mẹ) mình về với tổ tiên ở “Mường ma”.

* Nghi lễ cưới xin: Việc thực hiện luật hôn nhân và gia đình mới thực sự là một cuộc cách mạng trong tư tưởng và trong đời sống của người dân Mường. Những nhân tố tiến bộ đã từng bước xoá bỏ những tàn tích lạc hậu, chống lại những tác động tiêu cực trong quy định về hôn nhân và gia đình trước đây. Độ tuổi kết hôn của nam, nữ thanh niên Mường được nâng lên, phổ biến ở độ tuổi từ 18 đến 25; họ tự quyết định bạn đời của mình, tự nguyện đăng ký kết hôn, nhưng vẫn nghe lời khuyên của cha mẹ. Đối tượng tìm hiểu trong hôn nhân cũng mở rộng theo xu thế hôn nhân ngoại tộc và đa dạng tầng lớp,

các tập tục thách cưới nặng nề, thủ tục cưới hỏi nhiêu khê…được lược bỏ dần. Tuy nhiên, sự hưởng ứng với những quy định hôn nhân và gia đình theo tiêu chí mới thường không gặp trở ngại gì trong giới trẻ người Mường, nhưng với các thế hệ cha mẹ không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là ở các xã vùng cao như xã Địch Quả (Thanh Sơn), xã Trung Sơn (Yên Lập). Càng những nơi khó khăn về giao thông, khó khăn về kinh tế thì tính chất gia trưởng, những tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin càng tồn tại dai dẳng và nặng nề; hầu hết các trường hợp tổ chức cưới mà không đến UBND xã đăng ký kết hôn là trường hợp hôn nhân chưa đủ 18 tuổi. Quan niệm hôn nhân của người Mường ở Phú Thọ hiện nay còn những hạn chế nhất định; nhưng nếu so sánh với quan niệm “Nữ thập tam, Nam thập lục” trong xã hội Mường cũ, thì những kết quả đạt được ngày hôm nay là những tiến bộ vượt bậc.

* Trong văn hoá văn nghệ dân gian. Có thể nói các hoạt động văn hoá nghệ thuật

dân gian của người Mường ở Phú Thọ rất phong phú, đa dạng, vừa có những nét chung của văn hoá Mường như hát “sắc bùa”, vừa có những bản sắc địa phương như: hội đu quay, múa trống đu, hát ghẹo… Các lễ hội mang nhiều yếu tố tín ngưỡng và ý nghĩa phồn thực, mong cho một ngày mai tươi sáng, đầy đủ, mùa màng phát đạt bội thu. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà cho đến nay các nghi lễ, phong tục, lễ hội…của người Mường ở Phú Thọ bị mai một đi rất nhiều. Các áng mo hay do lâu ngày không được dùng đến cũng bị bản thân các “bố mo” lãng quên. Trong lễ tết, sự phổ biến các trò chơi hiện đại đã phần nào làm cho các “gốc đu”, các bãi ném còn trở nên thưa thớt, các câu hát ví, hát giang trong đêm xuân không còn rộn ràng như trước, các nhịp gõ đuống, chàm thau, trống đu trở nên lạ lẫm trong ý thức kế thừa của giới trẻ. Ở một vài nơi, sau những cuộc họp xóm, họp chi bộ, các cụ ông, cụ bà thường mở rộng thêm “phần hai” để sinh hoạt văn hoá văn nghệ, những từ đệm kéo dài “gia hơi”, “Eng hơi”, “ún hời”… cất lên sau câu ví trữ tình như là nuối tiếc, như là báo động một thực tế buồn của sự lãng quên.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY ppt (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)